Bất ngờ với báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng
Báo cáo số 233/ BC-UBND ngày 29-8-2017 của UBND TP.Đà Nẵng về việc liên quan đến rà soát các dự án và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, TP.Đà Nẵng đến năm 2015, định hướng đến năm 2030 gửi Thủ tướng, phó Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan.
Báo cáo có nội dung, vào thời điểm tháng 12-2012, tại bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), UBND TP.Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng với diện tích 1.222,5ha; trong đó đất giao có thu tiền là 94,05ha, thuê đất là 274,19ha và phần còn lại giao quản lý không thu tiền. Tổng số tiền sử dụng đất đã thu từ năm 2003 đến năm 2012 là 698,37 tỷ đồng.
Voọc Chà Vá chân nâu (được ví là “Nữ hoàng linh trưởng” ở bán đảo Sơn Trà
Quy mô lưu trú của các dự án là 1.920 lô biệt thự, 24 bungalow (kiểu nhà 1 tầng trong các resort) và 306 buồng khách sạn (quy đổi biệt thự ra phòng lưu trú sẽ tương đương khoảng 5.600 phòng). Có 3 dự án đã đầu tư; một dự án đang triển khai buộc dừng thi công do có sai phạm; 3 dự án đã triển khai một phần nhưng sau đó đã tạm dừng, 11 dự án chưa triển khai ((trong đó có 6 dự án chưa hoàn thành thủ tục – PV); không có nhà đầu tư nước ngoài nào.
Đà Nẵng cũng đề xuất hướng điều chỉnh quy hoạch du lịch Sơn Trà trên cơ sở 4 nguyên tắc. Thứ nhất, giữ lại dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động có hiệu quả. Thứ hai phải đảm bảo an ninh, quốc phòng: các dự án tại Sơn Trà phải do nhà đầu tư trong nước thực hiện; dự án không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ và khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Thứ ba, coi trọng bảo tồn đa dạng sinh học: không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và khu vực các nhà khoa học cảnh báo có nhiều khả năng loài Voọc Chà Vá, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc và Đông Bắc bán đảo Sơn Trà; công trình xây dựng phải tuân thủ theo quy chế quản lý đặc thù và hài hòa với môi trường tự nhiên sinh thái.
Một công trình nền móng biệt thự trái phép ở bán đảo Sơn Trà
Thứ tư, đảm bảo về bình độ triển khai các dự án: công trình có chức năng lưu trú, công trình kiên cố, chỉ được triển khai từ bình độ 100m trở xuống; các chức năng phục vụ vui chơi, giải trí, hoạt động ngoài trời, sinh hoạt cộng đồng có thể được triển khai từ bình độ 200m trở xuống; hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích chung của cộng đồng theo hướng phát triển bền vững; không có yếu tố cư trú tại Sơn Trà.
Qua rà soát các dự án, TP.Đà Nẵng nhận thấy có 6 dự án không phù hợp với các tiêu chí đã nêu, kiến nghị điều chỉnh chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú. Xem xét cắt giảm quy mô của 10 dự án để phù hợp các tiêu chí đã nêu. Giữ nguyên 2 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và phù hợp các tiêu chí nêu trên.
Trong văn bản dài 50 trang, chỉ có 7 trang là báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng; số còn lại là phụ lục các dự án, phụ lục hệ động thực vật ở Sơn Trà và đơn kiến nghị của các nhà đầu tư. Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng nhận định: “Tôi nghĩ bản báo cáo chỉ là giải trình chung chung về dự án chứ chưa tìm ra được giải pháp toàn vẹn cho Sơn Trà theo yêu cầu của Chính phủ cũng như lời hứa của lãnh đạo Đà Nẵng đối với Chính phủ và người dân. Trong phần đề xuất hướng điều chỉnh quy hoạch du lịch Sơn Trà của UBND TP.Đà Nẵng có nêu căn cứ vào các tiêu chí bảo tồn sinh học, an ninh quốc gia nên đã hạ độ cao từ 200m xuống còn 100m là không ổn thỏa. Bởi khu vực từ mặt nước biển trở lên đến cốt 100m thì vẫn có yếu tố về quốc phòng an ninh, vẫn là khu vực nhạy cảm. Ngoài ra nhiều loài động thực vật ở Sơn Trà vẫn sinh sống dưới độ cao 100m, Voọc Chà Vá chân nâu vẫn di chuyển sát biển”…
Cổng khu biệt thự cấp cho bà Lê Thị Ngọc Oanh trong dự án chưa được giao đất, chưa phê duyệt quy hoạch
Ông Hồ Duy Diệm – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dãi biển Việt Nam thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam,; nguyên Trưởng ban quy hoạch thành phố tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (từ năm 1976 – 1995); nguyên phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP.Đà Nẵng (từ năm 1995 – 2013) cũng đồng quan điểm với ông Vinh. Ông Diệm cho rằng TP.Đà Nẵng đã đánh lừa dư luận về mốc 100m cho các dự án, về kiến nghị của các chủ đầu tư…“Người dân Đà Nẵng và cả nước đã chờ báo cáo, kết quả xử lý hơn 3 tháng qua. Nhưng sau khi Đà Nẵng có báo cáo gửi Chính phủ thì khiến mọi người thất vọng, chưng hửng. Trước đây, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định trước Quốc hội nếu Đà Nẵng không muốn quy hoạch Sơn Trà thành Khu du lịch Quốc gia thì Chính phủ cũng chấp thuận. Đây là lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân và nhân dân mong giữ vững Sơn Trà, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo tồn sự phát triển đa dạng sinh thái”, ông Diệm bày tỏ.
Ông Hồ Duy Diệm – phó Chủ tịch Trung ương Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
Ông Diệm, ông Vinh đều thắc mắc về báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng không đề cấp đến 137 lô đất biệt thự. Ông Vinh cho biết: “Trong buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng vào ngày 27-8-2017, UBND TP.Đà Nẵng cho biết sẽ đề cập vấn đề 137 lô đất biệt thự trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên báo cáo không hề đề cập. Liệu có gì khó khăn, khuất tất hay không”?
Ông Diệm bức xúc: “Hàng trăm lô đất biệt thự này lâu nay dư luận phản ánh là cấp cho cá nhân, được “xí phần” và chủ sở hữu là những người thân thiết, “đứng đằng sau” các lãnh đạo, những người đã“ưu ái” cấp đất. Theo quy hoạch, mỗi lô đất chỉ được cấp trên diện tích 300m2 nhưng có nhiều lô đất dần dần “phình” to thành hàng nghìn m2. Ví dụ như lô đất L09 từ 300m2 được cấp lên thành hơn 12.000m2. Chúng tôi mong muốn chính quyền công khai, minh bạch về các lô đất biệt thự này”.
137 lô đất biệt thự là của ai?
Chiều 7-9, PV làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Thành Tiến - phó Chánh Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng. Ông Tiến khẳng định: “Báo cáo số 223/ BC-UBND của UBND TP.Đà Nằng ngày 29-8-2017 gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát Sơn Trà chỉ là báo cáo chung, chưa đề cập cụ thể về 137 lô đất biệt thự. Vấn đề này TP.Đà Nẵng sẽ báo cáo riêng, cụ thể tại một buổi làm việc với Thủ tướng, phó Thủ tướng Chính phủ và phải chờ lịch làm việc của Chính phủ”.
Ông Tiến cho biết, 137 lô đất biệt thự được quy hoạch trong tổng diện tích 246.343m2 (đã trừ diện tích đất quốc phòng và không nằm trong đất mà Voọc Chà Vá chân nâu sinh sống). Các lô đất thuộc 1 dự án trong 18 dự án đã được cấp phép đầu tư. Đó là dự án số 18 về xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Bán đảo Sơn Trà, do Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
(CAO) Ông Võ Duy Khương, UBND TP. Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành xử lý kỷ luật các đơn vị, tổ chức liên quan đến vấn đề “ém” hơn 17.000 lô đất tái định cư.
Ông Tiến khẳng định dự án này chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa có quyết định giao đất. Điều bất ngờ và nghiêm trọng là 1 trong số 137 lô đất biệt thự này thì đã xây dựng, hoàn thành và đi vào sử dụng 1 lô đất biệt thự. Và càng bất ngờ hơn, lô đất này là của bà Lê Thị Ngọc Oanh - vợ ông Đào Tấn Cường (ngụ phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng; là anh trai của ông Đào Tấn Bằng – Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng). Ông Cường bị Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ Công an bắt ngày 19-8-2017 để điều tra về hành vi đe doạ giết người, nạn nhân là ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng.
Lô đất trên có ký hiệu L09 với diện tích 300m2, được cấp năm 2006. Đến tháng 9-2011 bà Oanh được cấp Sổ đỏ với diện tích 12.413m (tăng gấp hơn 41 lần so với diện tích ban đầu chỉ trong 5 năm). Hiện lô đất đã xây biệt thự có tên “Hoa Vàng” và có người cư trú bên trong, luôn “kín cổng cao tường”.
Rõ ràng lô biệt thự này xây dựng trái phép vì nằm trong dự án chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa được giao đất. Ông Nguyễn Thành Tiến cho biết, lô đất biệt thự trên là biệt thự kiểu mẫu của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Bán đảo Sơn Trà. Ông Tiến cho biết, vấn đề riêng của lô đất này đang được cơ quan chức năng của Trung ương kiểm tra, xác minh làm rõ. Sắp tới TP.Đà Nẵng cũng sẽ kiểm tra cụ thể và có hướng xử lý.