Viết tiếp bài Thủ đoạn “rút ruột” nhiều tỷ đồng ở Ngân hàng Agribank Tân An:

Vì sao các đối tượng vẫn chưa bị xử lý?

Thứ Tư, 02/08/2017 13:59

|

(CAO) Báo CATP.HCM đăng bài phản ánh về việc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Tân An (Agribank Tân An, trụ sở tại TP.Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk) có dấu hiệu sai phạm trong việc thẩm định, duyệt vay 7 hồ sơ, dẫn đến khó thu hồi món nợ trên 14 tỷ đồng. Đây mới chỉ là kết quả điều tra bước đầu của 7 hồ sơ/tổng số hàng chục hồ sơ có dấu hiệu nợ xấu.

Từ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng, cho thấy có dấu hiệu của các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định của Bộ luật hình sự. Vì lẽ gì, cho đến nay, các đối tượng liên quan vẫn chưa bị xử lý?.

Người đã chết, nhưng…

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, cả 7 bộ hồ sơ trên đều liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Châu (còn gọi là “Năm Lửa”, chủ DNTN Năm Thịnh, trụ sở tại P.An Bình, TX.Buôn Hồ - Đắk Lắk); ngành nghề kinh doanh: mua bán thiết bị điện, linh kiện diện tử viễn thông; kinh doanh dịch vụ cầm đồ, mua bán ô tô...

Khi cơ quan điều tra công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc, có 2 hồ sơ đã được khách hàng thanh toán trả nợ với số tiền trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, các khách hàng (người trực tiếp ký hồ sơ vay) đều khẳng định, họ không đem trả tiền, chữ ký hồ sơ trả bớt nợ cũng không phải của họ (!?). Đây là kiểu đối phó với cơ quan công an.

Ngân hàng Agribank chi nhánh Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk – nơi bị cán bộ tín dụng thụt két chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng

Ngày 25-1-2013, ông Nguyễn Ngọc Châu bất ngờ chết. Ngành chức năng xác định, nạn nhân uống thuốc tự tử. Tuy nhiên khi đó xuất hiện những lời đồn, cho rằng, cái chết “không bình thường”. Tổng số tiền DN tư nhân Năm Thịnh chưa nộp cho ngân sách Nhà nước là 171 tỷ đồng, bao gồm nợ thuế, tiền phạt… DN Năm Thịnh sau đó cũng bỏ địa chỉ kinh doanh. Thực hư vai trò của ông Châu thế nào, ông được hưởng lợi hay không qua các “phi vụ” giải ngân những bộ hồ sơ vay không bảo đảm ở Agribank Tân An, đến giờ vẫn là 1 dấu hỏi lớn.

Dựa trên lời khai của 7 khách hàng trực tiếp ký vay hồ sơ, những chủ sở hữu tài sản trước đó (một số người sau đó sang nhượng tài sản cho ông Châu), những người liên quan, như Công Anh – cháu ruột ông Châu; Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Duy Linh – những người được ông Châu thuê với nhiệm vụ lái xe chở các khách hàng đi vay tiền cho ông Châu tại Agribank Tân An đều cho thấy ông Châu là “mắt xích” quan trọng trong vụ án. Nhưng ông Châu đã mất nên vai trò của một số người không được làm rõ.

Đối với Nguyễn Quốc Minh – cán bộ tín dụng học việc của Agribank Tân An, con rể ông Châu, cơ quan điều tra xác định, đây là đối tượng có vai trò là “đầu mối” liên minh giữa những người trực tiếp ký hồ sơ, chủ sở hữu tài sản – ông Châu với những cán bộ, lãnh đạo Agribank ký duyệt cho vay, trong khi các hồ sơ đều không đủ điều kiện. Minh khai nhận: tất cả 7 hồ sơ khách hàng trên đều do Minh lập và trực tiếp giao dịch với khách hàng. Các chữ viết trong giấy đề nghị vay vốn của 7 khách hàng là chữ viết của Minh, báo cáo thẩm định là do Minh lập, trực tiếp thẩm định.

Khi cơ quan điều tra hỏi đến việc thẩm định tài sản như thế nào, ở đâu, vị trí tài sản thì Minh không trả lời được; khi hỏi khách hàng vay vốn để kinh doanh nông sản nhưng không có giấy phép kinh doanh, không có tài liệu chứng minh thì Minh trả lời… nghe khách hàng nói nhưng chưa thu thập tài liệu. Việc giao tiền cho khách hàng, Minh thừa nhận chữ viết trên bảng kê chi tiền là của Minh, Minh trực tiếp giao tiền cho khách hàng và khách hàng đưa cho ai Minh không biết. Tại một số biên bản, Minh viết: “Đã mua bán nông sản, khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích” (!). Minh thừa nhận, biết 1 số khách hàng được Anh đưa đến ký hồ sơ vay là người làm thuê cho cha vợ, với các công việc lao động phổ thông, không kinh doanh. Như vậy, dù có “3 đầu 6 tay”, không có người chỉ đạo vẽ đường, cỡ như Minh không thể giúp ông Châu hay bất kỳ ai dễ dàng vay tiền của nhà nước khi hồ sơ không đảm bảo.

Nợ xấu đến gần 94 tỷ đồng

Theo Ngân hàng Agribank – CN tỉnh Đắk Lắk, việc ngân hàng này giao 7 hồ sơ khách hàng cho chi nhánh EaKnốp là do tình hình nợ xấu xảy ra tại chi nhánh Tân An. Cụ thể, Agribank – chi nhánh Đắk Lắk chỉ đạo Agribank Tân An bàn giao 66 hồ sơ khách hàng cho 6 chi nhánh khác với mục đích thu hồi tổng số nợ gần 94 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc trên 73 tỷ, lãi trên 20 tỷ. Tuy nhiên đến thời điểm 2015, vẫn chưa thu hồi được món nợ vay nào. Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk trước mắt kiểm tra 7 bộ hồ sơ và phát hiện sai phạm như nêu trên.

Về phương án xử lý, Agribank Đắk Lắk cho biết, các chi nhánh sẽ tiến hành làm việc với từng khách hàng. Trong trường hợp khách hàng không hợp tác, ngân hàng sẽ thông qua trung tâm bán đấu giá tài sản tổ chức bán để thu hồi nợ. Giá trị thiệt hại căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan chuyên môn.

Cơ quan CSĐT sau đó trưng cầu Sở tài chính tỉnh Đắk Lắk giám định tài sản của ít nhất 7 bộ hồ sơ sai phạm, xác định có tổng trị giá chỉ… trên 800 triệu đồng. Trong khi số nợ gốc cho vay ra là 10,5 tỷ đồng, lãi trên 4 tỷ đồng, khó có khả năng thu hồi.

Hành vi sai phạm của các ông Phan Văn Thịnh, Đỗ Thái Vũ, Nguyễn Viết Thành, Nguyễn Quốc Minh – nguyên GĐ, phó GĐ, cán bộ tín dụng Agribank Tân An đã thể hiện rõ dấu hiệu tội phạm “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại Điều 179 BLHS, như phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk xác định và đề nghị khởi tố. Vậy nhưng, không hiểu sao, đến nay, các cá nhân này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng luật pháp, gây bất bình, bức xúc trong dư luận.

Trong vòng 11 năm qua, tại Đắk Lắk liên tục xảy ra các vụ sai phạm về kinh tế với số tiền thất thoát, móc ngoặc rất lớn, tới hàng trăm tỷ đồng. Điển hình như vụ sai phạm khoảng trên 300 trăm tỷ đồng xảy ra tại Công ty cao su Đắk Lắk; sai phạm trong việc đấu thầu giá thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế… nhiều tỷ đồng, xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk; việc Phó Ban nội chính tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk – ông Nguyễn Sỹ Kỷ cùng người kế nhiệm là ông Y Suôn Byă và vợ ông Y Suôn, bà H’Yer Knul – nguyên Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Krông Pắk (hiện là Trưởng phòng ở đơn vị khác) bị thanh tra phát hiện, báo chí vào cuộc phanh phui về hành vi tuyển dư thừa đến trên 600 giáo viên hợp đồng, 32 Phó hiệu trưởng dẫn đến hỗn loạn ngành giáo dục địa phương, nhưng cho đến nay vẫn không ai bị xử lý.

Ông Kỷ còn có hành vi xây biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp… Năm 2016, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định kỷ luật ông Kỷ ở mức… cảnh cáo(!)… Nay thêm sự việc xảy ra tại Agribank Tân An như nêu trên, hành vi đã rõ nhưng kéo dài không xử lý, thực sự khiến người dân rất bất bình.

Họ đã làm gì và ở đâu?. Sao có thể dửng dưng, không có biện pháp xử lý dứt điểm, triệt để sai phạm, tích cực chống tham nhũng trước những sự việc tày đình như nêu trên?. Các cơ quan Trung ương cần vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức sai phạm.

Trưởng ban Nội chính Trung ương chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế phức tạp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Ngày 16-3-2016, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk để chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế phức tạp trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Thường trực Tỉnh ủy báo cáo kết quả, tiến độ, khó khăn, vướng mắc đối với một số vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ đạo, xử lý và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Đình Trạc đã chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và định hướng xử lý cụ thể từng vụ án, vụ việc và đề nghị Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tố tụng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, công tâm, khách quan, quyết liệt xử lý các vụ án, vụ việc; thực hiện nghiêm các nội dung đã thống nhất tại buổi làm việc; xử lý các vụ việc, vụ án, bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Ông Trạc nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng giao Tỉnh ủy Đắk Lắk lãnh đạo xử lý trên tinh thần “phối hợp chặt chẽ, quyết tâm, quyết liệt, công bằng, đúng pháp luật”, đem lại niềm tin của nhân dân và cán bộ đảng viên đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, bên cạnh 1 số vụ án có tính chất, mức độ nghiêm trọng đã được giải quyết, như vụ Trương Thị Tính (SN 1963), chủ doanh nghiệp Tính Nên (trú TX. Buôn Hồ, Đắk Lắk) mượn danh nghĩa doanh nghiệp đi vay ngân hàng số tiền 62 tỷ đồng nhưng không trả, sau nhiều năm cơ quan điều tra đã bắt giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hay như vụ nhóm cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng tiền đền bù, xảy ra tại thủy điện buôn Tua Srah, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; vụ lừa đảo chiếm đoạn hơn 100 tỷ đồng xảy ra tại Agribank chi nhánh Krông Bông…. ; còn rất nhiều vụ án, vụ việc có dấu hiệu sai phạm, tham nhũng tại tỉnh Đắk Lắk với mức độ nghiêm trọng nhưng chưa xử lý triệt để, xử lý chậm chạp, thậm chí có dấu hiệu “chìm xuồng” khiến dư luận, báo chí bất bình; không đủ sức phòng ngừa, răn đe tội phạm hoạt động, phát triển.

(Theo Noichinh.vn)

Bình luận (0)

Lên đầu trang