Trò chơi may ít, rủi nhiều
Khi tiền ảo xuất hiện tại Việt Nam, dư luận đã đặt câu hỏi về nguồn gốc và cách vận hành của nó. Mỗi đồng tiền ảo đều có nguồn gốc riêng. Đồng Bitcoin được tạo ra từ Nhật Bản, đồng Onecoin từ Bulgaria. Trong thế giới tiền ảo, mọi giao dịch đều diễn ra trên mạng, không được kiểm soát bởi bất kỳ ngân hàng, tổ chức nào. Giữa 2 bên sẽ chọn ra bên thứ 3 làm trung gian, có nhiệm vụ ghi chép lại số tiền ảo đã giao dịch để làm tin. Người được lựa chọn làm trung gian sẽ được hưởng hoa hồng.
Để giành được quyền ghi chép giao dịch trên, người chơi phải giải một thuật toán rất phức tạp. Những người đầu tư vào tiền ảo phải trang bị cho mình một dàn máy vi tính chuyên dụng, luôn luôn túc trực trên mạng để giành giật quyền được làm trung gian. Hoạt động này được giới tài chính gọi nôm na là “đào coin”. Đầu tư Bitcoin được vận hành theo phương thức như thế, thu hút nhiều người chơi chuyên “săn” tiền ảo trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam thì sao? Ngoài Bitcoin, người chơi còn bị thu hút bởi đồng Onecoin theo hình thức người đầu tư trước mời gọi được thêm người đầu tư sau thì được hưởng hoa hồng. Hệ thống quản lý được phân chia theo hình kim tự tháp, lợi nhuận được tính theo cấp số nhân.
Lẽ đương nhiên, người chơi khi bỏ vốn liếng ra đổ vào tiền ảo đều tính tới lợi nhuận sau này. Họ tự mặc định cho nhau cách hoán đổi từ tiền ảo ra tiền thật. Cụ thể, 1 Bitcoin trị giá hơn 2.500USD, 1 Onecoin hiện trị giá ngấp nghé 0,2 euro. Khi người chơi tham dự các hội thảo do các trưởng nhóm tổ chức, giá 1 Onecoin có thể được đẩy lên mức từ 10 - 20 euro.
Tuy nhiên, đó chỉ là quy ước ngầm của giới đầu tư tiền ảo. Tại Việt Nam, sự tồn tại của những đồng tiền kỹ thuật số này không được Nhà nước công nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc tiền ảo không có giá trị thực tế, nhưng để có được nó, nhiều người đã đổ rất nhiều tiền thật vào mua... tiền ảo.
Mặc dù tiền ảo được một số nước trên thế giới thừa nhận, nhưng tại Việt Nam, nó chưa phải là tiền tệ hợp pháp nên việc đổi từ tiền ảo ra tiền thật hết sức khó khăn. Có chăng nó chỉ có giá trị quy đổi hoặc giá trị sử dụng nội bộ đối với những người cùng chơi. Do đó, người chơi sẽ không được pháp luật bảo vệ. Không chỉ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang tiền mặt, mà mọi giao dịch tiền ảo trên internet đều không có bất kỳ văn bản nào làm bằng chứng, chỉ được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số, nên người chơi sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ bị lừa đảo, lạm dụng, tấn công, đánh cắp, thay đổi, tranh chấp dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch.
Đầu tháng 8-2016, Bitfinex - một trong những sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới - đã phải ngừng toàn bộ giao dịch để kiểm tra lại hệ thống sau sự cố bị hacker tấn công và lấy đi 119.756 Bitcoin (tương đương hơn 65 triệu USD). Ngay sau khi sàn giao dịch Bitcoin này bị tấn công, nhiều hệ thống của nó tại Trung Quốc, Anh, Hồng Kông, Úc... cũng bị “hack”. Riêng tại Việt Nam, giá đồng Bitcoin sụt giảm khoảng 30%.
Chúng ta có thể thấy ngay rằng người chịu thiệt hại là người chơi. Anh Cao Trường Nguyên - một người chơi tại TPHCM, bị ảnh hưởng trực tiếp sau cuộc khủng hoảng Bitfinex - cay đắng kể: “Khi thị trường Bitcoin có biến động do bị “hack”, chỉ sau một đêm, hơn 500 triệu đồng của tôi đã “không cánh mà bay”. Sau này, ngẫm lại mới thấy đầu tư vào tiền ảo quá xui, vì sẽ chẳng ai bảo vệ mình nếu xảy ra những trường hợp tương tự”.
Đầu tư vào tiền ảo luôn là một trò chơi đầy tính may rủi. Trong quá trình đầu tư, chưa cần biết liệu người chơi có kịp quy đổi từ tiền ảo ra tiền thật hay không, nhưng nếu chẳng may “đầu trên” biến mất thì “đầu dưới” phải chấp nhận cảnh ngậm đắng nuốt cay.
Loại hình kinh doanh đa cấp trá hình?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, đồng Onecoin đang được giới thiệu tại TPHCM và được tổ chức tương tự như kinh doanh đa cấp. Khác với loại hình kinh doanh đa cấp thông thường là phải kinh doanh bằng sản phẩm hữu hình, người bán sẽ được hưởng lợi qua doanh số thì nếu đầu tư vào Onecoin, chỉ cần người chơi bỏ tiền thật vào để mua tiền ảo theo các gói từ 4,3 triệu đồng (16 Onecoin) đến 7,3 tỉ đồng (10 triệu Onecoin) thì sẽ được cam kết... sinh lời! Cụ thể, nếu người chơi tham gia vào gói nhỏ nhất là 4,3 triệu đồng, số tiền ảo này sẽ được nhân đôi sau 6 tháng và đó là mốc thời gian mà người chơi được hứa sẽ nhận được khoảng lời nhân đôi với giá trị đã bỏ ra, là 8,6 triệu đồng.
Đội ngũ mời gọi tổ chức nhiều buổi nhóm họp người chơi với danh nghĩa chia sẻ giấc mơ làm giàu cùng nhiều quà tặng như: vé du lịch, đồng tiền vàng... để lôi kéo thành viên mới tham gia. Chính vì mức hoa hồng quá cao được đưa ra nên các thành viên cũ luôn tìm đủ mọi thủ đoạn để lôi kéo người khác tham gia. Mới nghe qua thì có vẻ loại hình đầu tư này cực kỳ hấp dẫn, nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.
Ban đầu, khi mới tham gia, người chơi phải đóng một khoản tiền không nhiều, khi vào hệ thống, thấy lợi nhuận cao nên họ tiếp tục đổ tiền đầu tư. Sau khi nộp vào khoản tiền lớn để được giao dịch trên hệ thống, nhiều người đã trắng tay vì không mời gọi được thành viên mới hoặc không được hệ thống chuyển từ tiền ảo sang tiền thật. Trong nhiều tháng qua, thông tin liên quan đến thủ đoạn lừa đảo của mô hình đầu tư Onecoin liên tục được cơ quan chức năng trên nhiều tỉnh, thành công khai cảnh báo, như: Đồng Tháp, Cần Thơ, Phú Yên...
Để quảng bá được mô hình của mình, hệ thống Onecoin tạo thành một đường dây liên kết với hàng trăm chiếc “vòi bạch tuộc” đang hoạt động rải rác trên nhiều tỉnh, thành phố thông qua đội ngũ tư vấn viên hùng hậu, sẵn sàng tiếp cận bất kỳ người nào mà họ có thể lôi kéo bỏ tiền ra đầu tư vào đồng tiền ảo. Hệ thống này còn đăng tải nhiều thông tin mời gọi đầu tư vào đồng Onecoin trên các trang web, thấp thoáng một công ty đứng sau tên là Onlife, có địa chỉ tại TP.Hà Nội. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các thành viên tham gia Onecoin đều mù mờ thông tin về Onelife, dù họ đang đầu tư một khoản tiền không nhỏ vào hệ thống khá mập mờ này (?).
(Còn tiếp)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông cáo báo chí, nêu rõ: Theo quy định của pháp luật nước ta về tiền tệ và ngân hàng, các loại tiền ảo, tiền điện tử không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân. Các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo. Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết - Đoàn Luật sư TPHCM: Trị giá ban đầu của đồng tiền ảo Onecoin bị đẩy lên cao khi càng có nhiều người tham gia. Khi người chơi cũ lôi kéo thêm càng nhiều người chơi mới tham gia thì sẽ càng được chia thêm nhiều lợi nhuận. Người chơi đồng Onecoin được chia ra 4 cấp độ, hưởng lợi nhuận lũy tiến bậc thang. Lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế sẽ chẳng ai đảm bảo cho việc người chơi có được hoàn vốn, lấy lời hay không khi tham gia loại hình này. Đó là chưa kể đến viễn cảnh trắng tay nếu bị mắc bẫy của bọn lừa đảo. Do vậy, người dân nên tỉnh táo trước những cám dỗ, chớ bị mắc bẫy từ những lời dụ dỗ ngon ngọt của đội ngũ tư vấn viên mời gọi tham gia với miếng mồi là lợi nhuận cực cao. |