(CAO) Sau thời gian cơ quan chức năng ra quân xử lý. Đến nay, tại TP.HCM, tình trạng “xe mù”, xe thô sơ, xe ba gác chở theo những hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm trên đường vẫn diễn ra phổ biến.
(CAO) Hình ảnh về những phương tiện xe ba gác, xe tự chế thô sơ chở theo
hàng hóa, vật liệu xây dựng cồng kềnh di chuyển trên đường luôn mang đến nỗi lo sợ thường trực cho người tham gia giao thông. Tình trạng này cũng đã được lên tiếng cảnh báo sau những vụ tai nạn đau lòng. Dù vậy, sau thời gian cơ quan chức năng ra quân xử lý. Đến nay, tại TP.HCM,
xe thô sơ, xe ba gác chở theo những hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm vẫn hoạt động rầm rộ trên đường.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, có ý kiến cho rằng nên xử phạt cả những chủ cửa hàng sử dụng các loại phương tiện này để chở hàng hóa.
Khi “hung thần” xuống phố
Được mệnh danh như những “hung thần” đường phố, những chiếc xe ba gác, xe thô sơ, tự chế chở theo hàng hóa cồng kềnh hay những thanh sắt, vật liệu xây dựng như mảnh tôn luôn khiến nhiều người điều khiển phương tiện trên đường phải e dè mỗi khi nhìn thấy.
Ghi nhận cho thấy, tại các khu vực tập trung đông những cửa hàng kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng như tôn, sắt, thép như đường Lý Thường Kiệt (khu vực thuộc địa bàn quận 10 và quận 11, TP.HCM), khu vực những tuyến đường xung quanh chợ Bình Tây (quận 6), tình trạng các chủ cửa hàng sử dụng phương tiện thô sơ như xe ba gác, xe tự chế để chuyên chở hàng hóa diễn ra khá phổ biến.
>>> Video Phương tiện thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh hoạt động rầm rộ trên đường
Theo tìm hiểu, đa phần những người điểu khiển xe ba gác, phương tiện thô sơ là người lao động có thu nhập thấp. Nguồn sống chỉ nhờ phương tiện này để chở hàng hóa thuê. Cũng có người trong số họ chỉ là người làm công, được chủ hàng giao xe để chở hàng hóa nên chỉ biết làm đúng công việc được giao.
Chia sẻ cảm nhận của mình về những mối lo đối với những phương tiện này, anh Ngô Công Khanh (Nhân viên văn phòng làm việc ở quận 3, TP.HCM) cho biết, anh rất lo ngại khi gặp những phương tiện ba gác, xe thô sơ 3 – 4 bánh chở theo những tấm tôn hay thanh sắt dài lưu thông trên đường.
Những phương tiện thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh luôn khiến nhiều người có cảm giác bất an khi lưu thông trên đường - Ảnh: Nguyên Huy.
Lý giải cho câu chuyện này, anh Khanh cho biết: “Đa phần phương tiện đều chở hàng hóa cồng kềnh, đặc biệt là việc chở theo những thanh sắt, tấm tôn, có khi chiều dài còn gấp 4-5 lần chiều dài chiếc xe. Do đó, khi di chuyển trên đường, khi gặp các phương tiện này thì phải để ý quan sát hướng di chuyển để kịp xử lý những tình huống bất ngờ”.
Trong anh đó, là người chuyên chở hàng thuê cho các cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt, anh Tài (ngụ quận 6) cho biết thêm, hầu hết những phương tiện để chở hàng hóa là xích lô đạp hoặc xích lô máy và xe ba gác. Hầu hết tất cả những người làm công việc này đều là người chở hàng thuê.
“Biết là nguy hiểm, anh em chúng tôi cũng cố gắng làm dấu hiệu ở những đầu thanh sắt hay tấm tôn để người đi đường biết mà tránh. Đặc biệt khi đi qua ngã ba, ngã tư, chúng tôi cũng phải di chuyển chậm để quan sát tình hình rồi mới dám qua. Sợ gây tai nạn cho người khác, bản thân mình cũng chẳng được yên ổn làm ăn” – Anh Tài chia sẻ.
Có cần xử phạt chủ cửa hàng sử dụng xe “mù”, xe thô sơ?
Theo những chủ cửa hàng kinh doanh, việc thuê hẳn xe tải, xe chở hàng cỡ lớn để chở vài tấm tôn, thanh sắt là không hợp lý về kinh tế. Bởi lẽ, giá trị mỗi chuyến chở hàng đối với xe tải sẽ có giá cao hơn nhiều lần so với thuê xe ba gác, xích lô đạp hay xích lô máy để chở.
“Phương tiện này rất tiện lợi để giao hàng ở cự ly gần. Chẳng lẽ giao bó thanh sắt, vài tấm tôn lại thuê hẳn xe tải chở ở cự ly ngắn? Như thế thì quá tốn kém và không kinh tế. Nếu bị cấm thì không biết dùng phương tiện gì thay thế để chuyển hàng cho kinh tế” – Một chủ cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) chia sẻ.
Những phương tiện được gắn thêm thùng sau dùng chở hàng hoá phía trước một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) - Ảnh: Nguyên Huy.
Phía trước một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) - Ảnh: Nguyên Huy.
Trong khi đó, với quyết tâm xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, góp phần đem lại hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP, gần đây PC67 - Công an TP.HCM đã ra kế hoạch 1426 về kiểm tra xử lý vi phạm theo chuyên đề về trật tự an toàn giao thông để xử lý xe “mù”, xe chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ quá tải.
Để giải quyết gốc rễ vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng nên xử phạt cả những chủ cửa hàng sử dụng các loại phương tiện này để chở hàng hóa cồng kềnh. Trong đợt ra quân xử lý các loại phương tiện tự chế, thay đổi kết cấu chở hàng hóa cồng kềnh không đảm bảo an toàn kỹ thuật trên địa bàn vào tháng 4-2017, Thiếu tá Huỳnh Văn Hảo – Phó Trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Đa Phước – Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết, các phương tiện vi phạm sẽ được xử lý theo nghị định 46 của Chính phủ.
Vẫn lời thiếu tá Hảo, đối với những phương tiện vi phạm không có giấy tờ, đơn vị sẽ lập biên bản và làm theo thủ tục thanh lý để sung công quỹ nhà nước. Còn đối với người điều khiển bỏ phương tiện khi bị xử lý hay không xuất trình được giấy tờ vì lý do chỉ là người chở thuê cho một cửa hàng hay cơ sở nào đó, đơn vị vẫn sẽ tiến hành lập biên bản, ra quyết định sau đó mời chủ phương tiện lên để xuất trình giấy tờ làm việc. Nếu chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ, đơn vị sẽ tiếp tục làm thủ tục thanh lý.
Những “lời cảnh báo” ! - Chiều 12-5-2017, tại TP.HCM, ông Phạm Đắc Long (ngụ Q.8) điều khiển xe ba gác máy chở theo nhiều tấm tôn đi trên đường Nguyễn Tri Phương, hướng 3 Tháng 2 về cầu Chánh Hưng. Đến vòng xoay Nguyễn Tri Phương (Q.5 giáp Q.10, TP.HCM), ông Long để phương tiện tông vào xe máy BS: 54Z3 – 3067 do anh Lương Thế Hùng và xe máy BS: 18L1 – 196.21 do một phụ nữ điều khiển. Vụ tai nạn làm anh Hùng và người phụ nữ bị tôn cứa vào vai, tay và phải nhập viện cấp cứu. - Trước đó, chiều 23-9-2016, tại phía trước cửa nhà số 66 đường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cháu Trần Minh H. (10 tuổi) đi xe đạp thiếu quan sát nên đã va vào tấm tôn sắc nhọn của xích lô dừng cạnh đường. Sau va chạm, cháu H. bị phần tấm tôn thò ra cứa vào cổ chảy rất nhiều máu. Người dân trong khu vực cùng người nhà đã đưa cháu H. vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng không qua khỏi. - Hai ngày sau, chiều 25-9-2016, bà Bùi Thị Xuân, SN 1952 ở tỉnh Hòa Bình cùng hai người phụ nữ khác đứng chờ xe khách tại khu vực cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông). Cùng thời điểm này, anh Trần Hữu Dân (SN 1981), ở Quốc Oai, Hà Nội điều khiển xe máy phía sau có kéo theo xe cải tiến (được buộc bằng dây) chở nhiều miếng tôn và cọc tre. Khi xe của anh Dân đi đến điểm bà Xuân đang đứng bất ngờ dây buộc bị đứt khiến xe cải tiến chở hàng lao sang vệ đường. Do không kịp tránh nên bà Xuân bị xe cải tiến chở hàng cồng kềnh đâm vào người. Ngay sau đó, người dân đã đưa bà Xuân đi bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong vào 15h30 phút cùng ngày. |