Lâm tặc ngày đêm ‘xẻ thịt’ Vườn Quốc gia Cúc Phương

Thứ Năm, 11/05/2017 09:01  | Minh Tiến

|

(CAO) Nhiều cây gỗ lớn đến 2 – 3 người ôm không xuể đã bị cưa máy đốn ngã nằm chõng chơ giữa cánh rừng già, mốt số thì đã bị lâm tặc lấy đi còn trơ gốc, một số cây mới vừa bị đốn hạ. Nhìn cảnh rừng của Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương đang ngày đêm bị “xẻ thịt” không ai là không thương xót. Trong khi đó, lực lượng Kiểm lâm của VQG thì “lực bất tòng tâm”!?

Rừng xanh "tứa máu"

Nhận được tin báo của người dân thuộc vùng đệm của VQG Cúc Phương báo rằng, thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các nhóm lâm tặc mang cưa máy kéo vào rừng thuộc VQG để xẻ thịt những cây gỗ quý. Chuẩn bị tư trang, nhóm phóng viên chúng tôi bắt đầu lên đường tìm hiểu sự việc.

Để đến được những điểm lâm tặc xẻ thịt gỗ quý, chúng tôi đã phải nhờ một người dân bản địa thông thuộc địa hình dẫn đường. Xuất phát từ thôn Thành Trung (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), sau khi băng qua khu bãi trồng mía của người dân, chúng tôi đến được chân núi đá tai mèo, nới xuất phát của nạn phá rừng.

Cây Trai Lý thuộc nhóm II đến 2 người ôm mới bị lâm tặc xẻ thịt chưa lâu

Được biết, VQG Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. VQG được công nhận là khu bảo tồn vào ngày 7-7-1962. Nơi đây có hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng mang đặc trưng của rừng nhiệt đới.

Con đường lên núi thật chông gai, từng vách đá tai mèo sắc lẹm, dựng đứng như muốn thử sức nhóm phóng viên chúng tôi. Sau gần một giờ đồng hồ vật lộn với cung đường rừng, chúng tôi đã lên được khu vực có những cây gỗ lớn để nghỉ chân.

Trước mắt chúng tôi hiện ra cảnh rừng đang bị tàn phá. Người dẫn đường nói: Đây là thung Võ, nơi đây bắt đầu xuất hiện các loại gỗ quý nên lâm tặc ra tay hành quyết rừng để lấy gỗ mang về bán và sử dụng. “Các chú không quen chứ đường như này mà lâm tặc vẫn vác trên vai cả vài xúc gỗ, đi nhanh thoăn thoắt đó” – ông L cười đùa!

Sau khi nghỉ chân, ông L bắt đầu chỉ cho chúng tôi những điểm cây gỗ quý đã bị đốn hạ cách đây độ 1 tuần. Một cây Trai Lý (thuộc nhóm II) và cây cắng kẻ to đến 2 người ôm đã bị lâm tặc xẻ thịt cách đó vài ngày và lấy đi nhiều hộ gỗ, chỉ còn lại một ít tấm bìa đang nằm đó. Đường kính của 2 cây này trên 1 mét, có độ dài trên 20 mét.

Nhiều cây gỗ lớn trong thung Thưa bị lâm tặc đốn hạ

Tiếp tục đi sâu vào vùng lõi của VQG, qua thung Võ là đến thung Thưa. Trước mắt chúng tôi là hàng loạt cây Trai Lý, nhãn rừng… vừa bị đốn hạ và cả những cây đã đốn hạ cách đó chưa lâu nằm la liệt. Đa phần các cây này thường có đường kính nhỏ nhất từ 50cm trở lên. Chỉ một đoạn đường ngắn chúng tôi thống kê có cả chục cây gỗ bị đốn hạ nằm trơ gôc, có cây đến 3 người ôm không xuể. Trong số đó, có một số cây được cán bộ VQG Cúc Phương đánh dấu bằng nước sơn đỏ.

Khác với những lần trước, lâm tặc thường chọn các thung còn nhiều cây to, cây gỗ quý để khai thác. Chúng khái thác các cây cách nhau khoảng 50 mét,ở nhiều vị trí rậm rạp để gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm khi đi tuần tra. Khi đốn hạ cây xong, chúng tiếp tục xẻ thành các hộp có độ dài khoảng 4 mét và lợi dụng đêm tối để vận chuyển ra khỏi rừng, tránh kiểm lâm bắt giữ. Các dấu vết, vật dụng của lâm tặc để lại cho thấy họ mới rời khỏi đây chưa lâu.

Gỗ hạ xuống được lâm tặc xẻ thành các hộp dài khoảng 4 mét rồi vận chuyển ra ngoài

Bên cạnh lối mòn vào VQG có rất nhiều cây gỗ to, gỗ quý nhưng không bị lâm tặc đốn hạ. Theo ông L lý giả: Lâm tặc không hạ những cây bên cạnh lói mòn là để tránh để lộ dấu vết. Lối mòn cũng được lâm tặc thường xuyên thay đổi vì nếu cứ đi theo đường cũ thì sẽ bị kiểm lâm mật phục bắt giữ. Càng vào sâu trong rừng, mật độ gỗ càng dày, nhiều thân cây lớn mọc sâu trong núi đá hay treo leo trên cách vách núi đá tai mèo dựng đứng cũng bị lâm tặc đốn hạ

Lực lượng Kiểm Lâm bất lực?

Ông L tiết lộ: Lâm tặc khai thác tại VQG Cúc Phương gồm một số đối tượng là người bản địa, một số ở các xã phụ cận. Các đối tượng này hoạt động theo nhóm và rất có tổ chức. Tại thung Thưa, vệt xe lốp được lâm tặc đưa vào VQG Cúc Phương để kéo gỗ ra, điều đó cho thấy mức độ khai thác, quy mô và sự liều lĩnh của lâm tặc.

“Lâm tặc khai thác chủ yếu vào ban đêm hoặc vào ngày chủ nhật. Vì đây là những thời điểm cơ quan chức năng khó phát hiện nhất. Khi đã đốn hạ được gỗ, chúng bắt đầu xẻ thành các hộp theo quy cách rồi vận chuyển đến điểm tập kết để đưa trâu vào kéo, nếu ít thì chúng dùng sức người để đưa gỗ ra khỏi rừng” – anh L cho biết.

Một số cây bị đốn hạ được lực lượng kiểm lâm đánh dấu bằng nước sơn màu đỏ

Lâm tặc ở vùng khác muốn vào khai thác gỗ tại các thung Võ, thung Thưa thì phải đi qua con đường độc đạo dẫn vào xã Thành Yên. Tuy nhiên, ở hai đầu của tuyến đường độc đạo này đã có 2 trạm kiểm lâm của VQG Cúc Phương chốt chặn. Ngoài ra còn có đội kiểm lâm cơ động của VQG và cán bộ kiểm lâm địa bàn của Hạt kiểm lâm huyện Thạch Thành tuần tra kiểm soát. Có điều không hiểu vì sao, dù lực lượng kiểm lâm được huy động và chốt chặn nghiêm ngặt đến vậy mà máu rừng vân ngày đêm chảy?

Sau khi đã ghi nhận thực tế tình trạng rừng của VQG Cúc Phương đang bị tàn phá, chúng tôi trở ra khỏi rừng để làm việc với những đơn vị có liên quan. Theo đó, rừng thuộc thung Võ, thung Thưa do cán bộ Trạm kiểm lâm số 12 của VQG Cúc Phương phụ trách bảo vệ.

Trước tình trạng rừng của VQG Cúc Phương bị khai thác, tàn phá, ông Nguyễn Việt Kiều - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 12 (VQG Cúc Phương) cho biết: Trạm số 12 được VQG Cúc Phương điều động 3 cán bộ phụ trách, bảo vệ 15.00 hecta rừng, tại các tiểu khu 15, 18 và 19. Theo ông Kiều, trạm có 3 cán bộ nhưng hiện nay một cán bộ đang trong thời gian đi học kiểm lâm viên. Diện tích cần bảo vệ thì nhiều nhưng lực lượng mỏng nên việc quản lý, bảo vệ rừng không thể quán xuyến hết được.

Ông Nguyễn Việt Kiều chỉ cho PV thấy lưỡi cưa máy lâm tặc vứt lại khi bị truy đuổi

Nói về tình trạng rừng bị phá, ông Kiều thú nhận, từ đầu năm đến nay khu vực rừng Cúc Phương, đoạn qua địa phận xã Thành Yên, tình trạng rừng bị khai thác diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng khai thác gỗ trái phép ngày càng tinh vi khiến lực lượng kiểm lâm trên địa phản không kịp trở tay.

“Nhiều khi chúng ngồi gần cổng trạm để quan sát, nghe ngóng tình hình. Có động là chúng báo ngay cho nhau, vì bây giờ thời buổi thông tin hiện đại nên chúng nhanh lắm. Chúng cũng hết sức manh động, có khi chúng còn kiếm cớ gây sự với cán bộ của trạm.” – ông Kiều cho biết.

Ông cho biết thêm: “Từ đầu năm 2017, chúng tôi phát hiện một số vụ chặt phá rừng trong địa bàn mình quản lý. Các đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm nhưng do lực lượng quá mỏng, khi bị phát hiện, các đối tượng lâm tặc chống trả quyết liệt, hoặc vứt bỏ tang vật để tẩu thoát vì vậy rất khó bắt giữ. Trong tháng 4/2017, chúng tôi kiểm tra lại thì phát hiện thêm 5-6 cây vừa bị đốn hạ”.

Còn ông Trịnh Trung Nhật - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thạch Thành cho biết: “Chúng tôi có cử 1 cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách 4 xã, trng đó có xã Thành Yên. Chúng tôi có nhiệm vụ phối hợp với kiểm lâm VQG Cúc Phương và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc lâm tặc khai thác gỗ trái phép trong VQG Cúc Phương chúng tôi sẽ cho người phối hợp với cán bộ của VQG và công an đi kiểm tra cụ thể. Sau khi có thông tin cụ thể hạt kiểm lâm sẽ thông báo cho cơ quan báo chí”.

VQG Cúc Phương luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên, máu rừng vẫn ngày đêm chảy. Thiết nghĩ công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây đang còn nhiều vấn đề bất cập. Với lực lượng kiểm lâm chốt chặn 2 đầu nhưng tình trạng tàn phá rừng trong VQG Cúc Phương vẫn diễn ra thì là điều bất ổn?

Bình luận (0)

Lên đầu trang