Kỳ II:

Sơn nữ Tây Nguyên bắt chồng ‘nợ’

Thứ Năm, 30/03/2017 08:20  | Chí Dũng

|

(CAO) Cho đến nay, người Jrai vẫn giữ phong tục bắt chồng truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, lễ vật thách cưới ngày càng tăng. Nhiều cố gái nghèo không có tiền bắt chồng đành chọn cách “bắt nợ”. Có khi trong một gia đình, cả hai đến ba thế hệ đều chung một món nợ là “nợ cưới”, tạo nên nhiều câu chuyện buồn không hồi kết.

Oái oăm tục bắt chồng, thách cưới của sơn nữ Tây Nguyên
 

"Ôm nợ" vì tiền thách cưới của nhà trai

“Nhà trai chấp nhận cho con gái mình bắt con trai họ về làm chồng, nhưng thách cưới gần 35 triệu đồng. Thương con, mình quyết định đến đại lý thu mua mì vay nóng 30 triệu đồng để lấy tiền đóng lễ. Sau gần 2 năm, đến giờ, tiền gốc chưa trả được, gia đình còn gánh thêm khoản tiền lãi hơn cả tiền gốc. Chủ nợ đã hai lần gọi đòi, thậm chí còn dọa siết bò cấn nợ. Thú thật bây giờ trong nhà không có gì để trả, cũng không biết lúc nào mới trả được”, bà H’krunh (buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai) kể về món nợ của gia đình sau khi con gái bắt chồng.

Trước đó vào năm 2015, con gái bà là Kpă H’Poal (24 tuổi) đã có cảm tình với chàng trai Rơ Chăm Ypu đến từ huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau một thời gian hẹn hò, cảm thấy “ưng cái bụng” H’Poal quyết định đem Ypu về nhà chơi và gặp mặt bố mẹ.

Vì vay tiền “nóng” để bắt chồng cho con mà bà H’Krunh đang lo chủ nợ bắt mất bò

Mặc dù con gái đã lớn, nhưng khi được con gái đem bạn trai về giới thiệu bà H’krunh vẫn rất bất ngờ. Bà H’krunh chưa sẵn sàng cho chuyện con gái mình bắt chồng vì nhà quá nghèo. Gia đình bà có 6 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào có 8 sào đất mì, 8 con dê và nuôi hộ 2 con bò, nếu nhà trai thách cưới cao thì không biết xoay thế nào?

Mặc dù vậy, vì con cái bà H’krunh vẫn đánh liều, mang hũ rượu cùng với người mai mối đến đặt vấn đề bắt chồng cho con gái. Bố mẹ Ypu không ưng con gái bà H’krunh vì nhà xa nên thách cưới khá cao, gần 35 triệu đồng tiền mặt. Nhà nghèo, không có tiền nhưng vì thương con, bà H’Krunh bấm bụng đi vay tiền “nóng” từ đại lý thu mua nông sản trên địa bàn 30 triệu đồng, mỗi tháng chị phải gánh tiền lãi 1,2 triệu đồng.

Bà Nay H’Y cũng ôm một đống nợ chỉ vì vay tiền để “bắt chồng” cho con gái mình

Tương tự, tháng 7-2015, cũng vì phải bắt chồng cho con gái Nay H’Dũ (22 tuổi, xã Phú Cần) mà bà Nay H’Y (66 tuổi) phải đi vay tiền “nóng” 60 triệu đồng với lãi suất phải trả hàng tháng là 1,8 triệu đồng. Bà H’Y lý giải: “Vì nó (H’Dũ) bắt chồng là giáo viên nên gia đình nhà trai thách cưới cao (để bù lại tiền nuôi con ăn học), gồm 1 con bò đực, 1 con heo đực chết và 60 triệu đồng tiền mặt. Giờ mình già rồi không làm được nhiều nữa, khoản nợ ấy vợ chồng nó (vợ chồng H’Dũ) phải lo làm để trả lãi và nợ gốc cho đại lý”.

“Nợ cưới” truyền đời

Với việc biến tướng trong tục bắt chồng như hiện nay là gánh nặng cho các bậc cha, mẹ có con gái. Việc bắt chồng thành hay không đều phải phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Có nhà thì chạy vạy khắp làng, khắp buôn để vay mượn với lãi suất trên trời để con mình bắt được chồng như con người ta. Thậm chí có gia đình tán gia bại sản sau khi bắt chồng cho con gái. Rõ ràng từ một tập tục đẹp của người Jrai đã bị chính một số người trong cộng đồng làm phai nhạt đi bản sắc.

Bà Ksor H’Yrông (buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa), năm nay đã hơn 65 mùa rẫy, nhưng vẫn còn đau đáu một nỗi lo, về món nợ bắt chồng chưa trả hết cho nhà chồng và buôn làng. Hơn 35 năm trước, khi ấy bà H’Yrông là một cô gái tuổi 30 - cái tuổi như bao người phụ nữ khác ở buôn làng đã có chồng và mấy đứa con. Nhưng H’Yrông là một cô gái mồ côi, gia cảnh nghèo khó nên ưng chàng trai nào cũng bị từ chối…

Alê Drơng - Trưởng thôn Blăk cũng rất buồn vì tục bắt chồng của dân tộc mình bị biến tướng

Tưởng ở vậy suốt đời, nhưng một ngày đi làm rẫy, nhìn thấy H’Yrông siêng năng nên được chàng trai cùng buôn đem lòng thương. Vì nhà nghèo nên nhà trai không thách cưới lễ vật với H’Yrông. Tuy nhiên, tiệc cưới thì không được miễn, gia đình bên chồng bắt phải “đốt” bò, “đốt” heo (làm thịt) để mời người dân trong buôn đến chung vui trong ngày cưới và phải nộp các lễ cưới. Từ đây, khiến H’Yrông mặc món nợ tròn 35 năm chưa trả được.

“Cuộc sống của bản thân bữa đói, bữa no, tôi không biết lấy đâu bò, heo để đãi làng, cuối cùng phải xin phương án “cưới nợ”. Và món nợ ấy với gia đình nhà chồng, với buôn làng đến nay tôi vẫn chưa trả hết. Tôi già rồi, chân tay không nhanh nhẹn như trước, con mắt không sáng nữa tôi sợ lắm chẳng may tôi chết trước thì món nợ với nó (chồng) thì sẽ bỏ, còn nếu nó chết trước thì món nợ không biết sẽ ra sao?”, bà H’Yrông giọng trầm buồn nói.

Cuộc sống khó khăn của bà H’Yrông cứ kéo dài, khiến con gái bà cũng rơi vào tình trạng giống người mẹ của mình đã gặp phải trước đây. Con gái đầu là chị H’Lan đã bắt chồng được 9 năm nhưng vẫn còn nợ 3 con bò và 2 bộ váy cho nhà chồng; còn đứa thứ 2, H’Bát thì còn nợ 2 con bò và 2 triệu đồng.

“Ở cái tuổi bên kia sườn núi nhưng vẫn không trả được món nợ cưới cho gia đình chồng và cho buôn làng, thì lấy tiền, bò đâu mà đi bắt chồng cho con gái? Cho nên hai đứa con gái của tôi cũng phải “cưới nợ”. Giờ tôi già rồi, chỉ mong muốn cháu tôi sau này không còn phải “cưới nợ” như mẹ nó và bà ngoại. Còn luật tục của làng, phận gái như tôi không dám bàn đến”, Ksor H’Yrông tâm sự.

Theo ông Alê Drơng - Trưởng thôn Blăk, xã Ia Rmok, tục bắt chồng của người Jrai của ông đang có sự lạc hậu, biến tướng. Nhiều năm trước, nhà trai chỉ thách cưới con bò hoặc vòng tay, áo thổ cẩm thì nay họ thách cưới cao bằng tiền mặt với hàng chục triệu đồng. Người dân trong buôn vốn nghèo khó, bị thách cưới cao thì buộc phải đi vay mượn, cuộc sống nghèo càng thêm nghèo. Hiện chúng tôi cũng thường xuyên bàn bạc với các già làng, làm sao cho chuyện thách cưới nhẹ nhàng đi. Như vậy, mới mong các cô gái nghèo không phải ở vậy vì không có tiền thách cưới, mà cũng không còn có chuyện “cưới nợ” nữa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang