(CAO) Một ngôi làng ở tỉnh Lâm Đồng có đến 4 đứa trẻ ở độ tuổi từ 1 - 9 tuổi, các em đều có làn da, mái tóc trắng như bông cà phê, đôi mắt đỏ rực và sợ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Những đứa trẻ “da trắng”
Được một người bạn là cán bộ xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, chúng tôi đến thôn 2, nơi có “những đứa trẻ sợ ánh nắng” sinh sống. Trước những căn nhà của người Mạ nơi đây, nhiều trẻ con bản làng đang nô đùa, chân tay, mặt mũi lấm lem bùn đất. Với các con của chị Ka Riểm và anh K Mốt thì khác. Sinh ra và lớn lên như đứa trẻ bình thường, nhưng những người con của hai vợ chồng anh kém may mắn, cả ba em đều có làn da, mái tóc trắng như hoa cà phê và đều sợ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Biết chúng tôi tìm đến, chị Ka Riểm niềm nở tiếp đón. Còn K’ Mĩ (9 tuổi, con trai đầu của chị Ka Riểm đang học lớp 4), dáng người dong dỏng cao, da và tóc trắng như hoa cà phê lại bỏ chạy vào phòng bởi ngại tiếp xúc với người lạ. Hai em trai của K’ Mĩ là K’ Khuyết (4 tuổi) và K’ Khẩm (1 tuổi) thì hồn nhiên vui đùa trong căn nhà tình thương do chính quyền địa phương xây tặng, bởi lẽ các em chưa hiểu chuyện. Chị Ka Riểm cho biết: “Tôi có ba người con, khi sinh ra các con đã có làn da trắng toàn thân và sợ ánh nắng!. Mỗi lần gặp nắng, da các cháu nổi mẫn đỏ khắp người, đôi mắt đỏ rực không nhìn thấy rõ đường. K’ Mĩ đến trường đi học, cháu phải đội chiếc mũ rộng vành che kín cả mặt”.
3 người con trai của chị Ka Riểm bị bệnh “da trắng”
Trường Tiểu học xã Đạ Oai nằm cách nhà K’ Mĩ hơn 2 km. Để đến trường, hồi còn nhỏ K’ Mĩ được bố mẹ thay nhau bồng đến trường. Học lớp 4, K’ Mĩ được bạn cùng lớp chở đi trên chiếc xe đạp. Cứ mỗi lần đi học về gặp nắng, da của K’ Mĩ lại nổi mần đỏ, đôi mắt rực như than và em rất mệt.
Được chị Ka Riểm thuyết phục, K’ Mĩ ra ngồi cạnh mẹ tiếp chuyện với chúng tôi: “Em thích đi học lắm! ở trường em học không bằng các bạn vì em không nhìn rõ chữ để đọc, để viết nhưng em sẽ cố gắng”-em K’ Mĩ nói. Các thầy cô giáo của K’ Mĩ cho biết, thầy cô rất đồng cảm với em và gia đình. Trường luôn tạo mọi điều kiện để em đến trường, thường xuyên kèm dạy em học. Mặc dù em gặp nhiều trở ngại, bạn bè chưa hiểu chuyện hay trêu chọc, mắt không nhìn rõ chữ để đọc viết, nhưng em K’ Mi rất chịu khó.
“Muốn một chế độ cho con”!
Ở ngôi làng thôn 2, ngoài K’ Mĩ và hai người em trai là K’ Khuyết và K’ Khẩu, em K’ Đảng (1 tuổi) là con của chị Ka Ruys cũng mắc bệnh “da trắng”. Chị Ka Ruys lấy chồng được một năm rồi sanh K’ Đảng. “Lúc K’ Đảng ra đời, bác sỹ nói nó bị bệnh bạch tạng, toàn thân, tóc, da toát lên màu trắng, mắt nhìn không rõ. Biết chuyện, gia đình tôi lo lắng! Sợ con bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khi lớn lên bị bạn bè dị nghị. Nhưng nghĩ đến ba đứa con của chị Ka Riểm cũng mắc bệnh này và đều khỏe mạnh bình thường. Gia đình chúng tôi đỡ lo hơn”- chị Ka Ruys thật thà cho biết.
Chị Ka Ruys bên cạnh con trai “da trắng”
Thời điểm K’ Mĩ ra đời, là đứa con “da trắng” đầu tiên xuất hiện tại buôn làng, gia đình chị Ka Riểm rất hoang mang. Nhiều người trong buôn làng tò mò tới xem rồi đồn thổi và dị nghị. Rất may, được các bác sỹ tại Bệnh viện Đạ Huoai tư vấn, cho biết K’ Mĩ mắc bệnh bạch tàng. Lúc này gia đình mới yên tâm nuôi con khôn lớn.
Hằng ngày, gia đình chị Ka Ruys, chị Ka Riểm, từ sáng sớm đã rời buôn làng tìm làm mọi công việc để kiếm sống, từ làm thuê, đến đi rừng hái rau rừng, chặt đọt mây đem bán. “Những ngày này mọi năm, chúng tôi đỡ vất vả vì đi lượm trái điều về bán là có tiền mua gạo. Nhưng năm nay, thời tiết thất thường, nhiều trận mưa kèm theo sương mối đã làm điều mất mùa, cướp đi miếng cơm của gia đình tôi và bà con nơi đây”- chị K’ Riểm nhìn các con rồi gạt nước mắt.
Những đứa trẻ bị bệnh “da trắng” ở đây vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp
Qua tìm hiểu, ở thôn 2, đang vào mùa thu hoạch cây điều, một loài cây kinh tế chủ lực. Thế nhưng năm nay, hàng chục ha cây điều trên địa bàn đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái thì chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khí hậu thất thường và xuất hiện nhiều trận mưa trái mùa nên đổ bệnh, hoa, lá và trái điều bị cháy khô. Người dân trồng điều mất trắng mùa. Thực trạng trên, cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) và tỉnh Bình Phước (nơi được cho là thủ phủ của cây điều), khiến người dân lao đao.
Trở về với ngôi làng của những đứa trẻ sợ ánh nắng, sâu trong đôi mắt người dân nơi đây là sự khó khăn trong việc trang trải cuộc sống hàng ngày. Và gánh nặng hơn là gia đình chị Ka Riểm, chị Ka Ruys khi mỗi ngày sống trong nổi lo lắng sợ con phát bệnh.
Được biết, mặc dù gia đình khó khăn nhưng những đứa trẻ bị bệnh “da trắng” ở đây vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật. “Gia đình tôi rất nghèo, tôi và chồng lo cho các con mỗi bữa ăn hàng ngày không đủ. Các con bị bệnh từ nhỏ không có tiền chạy chữa. Lỡ khi căn bệnh hành hạ thì không biết nhờ ai. Chỉ mong nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho các con có một cái chế độ để khi ốm đau, bệnh tật các con có cái khám bệnh”- chị Ka Riểm mong muốn.