Dựng chòi sống giữa hàng ngàn ngôi mộ
Chúng tôi ghé Nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào một buổi sáng tháng 2-2017, hỏi thăm lòng vòng mới tìm ra được căn chòi của mẹ con chị Thủy. Đó là một căn chòi tạm bợ, dựng bằng bạt và mấy tấm tôn xiêu vẹo. Giữa hàng ngàn ngôi mộ, căn chòi lụp xụp này làm nơi che mưa nắng cho gia đình mẹ con chị Thủy.
Chờ một lúc mới thấy chị Thủy từ xa xuất hiện trên chiếc xe đạp cũ rích, phía sau là lỉnh kỉnh đồ ve chai chị nhặt được. Hỏi thăm hoàn cảnh, chị Thủy cho biết: “Chị quê quán Củ Chi, nhưng vì nghèo khó, không nghề nghiệp nên dắt díu lên nghĩa trang này sống”.
Hai vợ chồng chị Thủy ở với nhau tuy nghèo khổ nhưng khá êm ấm và có được 3 người con. Rồi một ngày, chồng chị bỏ đi biền biệt. Hụt hẫng, chờ đợi, hi vọng rồi đến tuyệt vọng, chị nước mắt ngắn dài, quyết định dắt ba đứa con bỏ quê tìm nơi khác để sống.
Chị kể: “Đó là vào năm 1996, khi chồng bỏ đi thì nhà cửa ở Củ Chi cũng bán mất. Không nhà cửa, không việc làm, chị dắt 3 con lang thang trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa, xem chỗ nào ngủ được là tựa lưng. Đó là những ngày chị không còn nước mắt để khóc”.
Chị Thủy có 3 đứa con, con gái lớn nếu tính đến nay là 30 tuổi và 2 cậu con trai, một đứa 27 tuổi, đứa út 25 tuổi. Tuy nhiên, đứa con gái chẳng may bị bệnh và qua đời, nên hiện chị sống cùng 2 con trai trong nghĩa trang.
“Ban đầu mới lên thành phố thì thuê trọ ở bên ngoài nghĩa trang, hằng ngày đi nhặt ve chai, quét mộ để kiếm sống; nhưng thu nhập bếp bênh, không đủ sống, đứa con gái lại bạo bệnh rồi qua đời nên tiền thuê nhà cũng không có, mẹ con chị lại dắt díu nhau vào nghĩa trang dựng chòi để sống vật vạ qua ngày”.
Chị kể, hằng ngày từ 3 giờ sáng, chị cùng con trai út đi nhặt ve chai, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục đến trăm ngàn là cùng. Còn thằng lớn đi phụ xe với người ta, lúc được lúc không. Khi nào không đi xe thì cũng về nghĩa trang tá túc.
Hỏi việc nấu nướng, sinh hoạt, chị Thủy tình thiệt kể: “Tắm giặt thì đi ra ngoài nhà dân xin nước, nước nấu ăn cũng xin mang về rồi nấu ngay tại... những phần mộ”.
Cuộc sống bấp bênh, tạm bợ như vậy nhưng 3 mẹ con chị đã dựng chòi nương nhau sống giữa hàng ngàn ngôi mộ này ngót nghét cũng gần 10 năm trời.
Chị kể, thời gian đầu sống tại đây với mẹ con chị là cực hình. Tối nào mấy mẹ con cũng ôm nhau khóc trong ánh đèn tù mù vì sợ. Nhưng khổ quá riết cũng thành quen.
Ôm mộ phần mà ngủ
Hàng xóm của chị là 3 anh em Phan Trọng Liêm (17 tuổi, quê Cần Thơ). Liêm nói: “Em mới vào nghĩa trang này ở hơn 1 năm nay. Ba mẹ bỏ nhau, mẹ đi lấy chồng khác rồi, còn ba thì làm thuê trôi dạt ở phương nào cũng không biết. 3 anh em em dắt díu nhau lên Sài Gòn kiếm sống, rồi trôi dạt vô nghĩa trang này”.
3 anh em Liêm sống trong một mộ phần giữa nghĩa trang. Tối đến, anh trai thì ngủ trên võng, còn Liêm và chị gái thì ngủ trên nền của 2 phần mộ.
Liêm nói: “Vì không có giấy tờ tùy thân, lại sống vất vưởng giữa nghĩa địa nên anh trai em bị đưa đi cải tạo rồi, còn chị gái cũng về quê luôn. Còn mình em vẫn lang thang ở Sài Gòn, tối lại chui vào nhà mồ ngủ”.
Liêm nói: “Hằng ngày em cũng đi nhặt ve chai để kiếm tiền, bán được ve chai thì em lấy tiền mua cơm ăn luôn. Em chỉ có 2 bộ đồ, tắm ké nhà người ta thôi”. Quần áo 2 bộ, một bộ bận trên người, một bộ phơi trên phần mộ.
Những giờ không đi nhặt ve chai, Liêm thường hay qua chòi của mẹ con chị Thủy tá túc. Tối thì về phần mộ mà ngủ.
Khi được hỏi: “Sao không đi xin việc làm mà đi nhặt ve chai rồi sống chui rúc trong nghĩa trang?”, Liêm nói: “Em chưa đi làm giấy chứng minh nhân dân, nên không xin được việc, nên chỉ biết nhặt ve chai thôi”. “Thế sao không về quê đi làm giấy chứng minh?”, Liêm trả lời: “Em đợi ba em về...”.
“Hỏi em có hút chích không, sao lại ở trong này, ở trong này không sợ sao?”, Liêm nói: “Em còn nhỏ mà, nhưng em không có dính vô tệ nạn đâu, anh chị đừng lo. Em chỉ là không có việc làm thôi”.
Liêm cũng nói: “Em biết sống ở nghĩa trang là không đúng quy định, đối diện với ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe, nhưng em cũng hết cách rồi”.
Những người dân nơi đây cho biết, trước đây, cũng có vài hoàn cảnh tương tự sống trong nghĩa trang này, nhưng khi cuộc sống ổn định, được hỗ trợ nên họ đã đi dời, tìm được chỗ trọ đàng hoàng để sinh sống.