Đắk Lắk:

Vụ ngộ độc thực phẩm khiến 16 người nhập viện: Do vi khuẩn E.coli

Thứ Bảy, 18/02/2017 10:42  | Bảo Bình

|

(CAO) Do ăn phải gỏi lợn và uống nước giếng có chứa vi khuẩn E.coli nên 16 người đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc.

Chiều 17-2, Trung tâm y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết đã có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm khiến 16 người ở buôn Ea Nao A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu xảy ra vào ngày 7-2 vừa qua là do vi khuẩn E.coli có trong gỏi lợn và nước giếng mà người dân đã ăn, uống phải.

Theo kết quả xét nghiệm cho thấy, vi khuẩn E.coli có trong gỏi lợn là 230.000 vi khuẩn/gam thịt, bình thường là không có và có trong nước giếng mà các bệnh nhân uống cao gấp 120 lần bình thường.

Trước đó, như Báo Công an TP.HCM đã đưa tin, vào tối ngày 7-2, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đã tiếp nhận 16 người, trong đó có ba trẻ em nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc thức ăn. Các bệnh nhân nhập viện có các triệu chứng nôn ói, thần kinh hoảng loạn, la hét nhiều…

Tất cả các bệnh nhân đều ở buôn Ea Nao A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Theo các bệnh nhân, ngày 7-2, một gia đình trong buôn đã nhờ họ đi nhổ sắn, đến chiều cùng ngày khi làm xong việc, chủ nhà mua thịt heo về làm gỏi với ruột cây chuối để mọi người cùng ăn. Sau khi ăn khoảng một tiếng đồng hồ thì mọi người có các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, nôn ói… nên được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Các bệnh nhân lúc nằm điều trị tại bệnh viện

E.coli là viết tắt của thuật ngữ Escherichia Coli dùng để chỉ một nhóm vi khuẩn (bacteria) sống trong đường tiêu hóa (ruột) của con người và động vật. Có nhiều loại E. coli, nhưng may mắn thay phần lớn chúng có thể nói là vô hại. Tuy nhiên, một số E. coli có thể gây tiêu chảy, và loại phổ biến nhất trong nhóm E. coli có hại này là E. coliO157:H7. Ở vài bệnh nhân, vi khuẩn này có thể gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân gây nhiễm E. coli có thể do thực phẩm bị ô nhiễm do sơ chế hoặc bảo quản không đúng cách, ví dụ như: Không rửa tay hoặc rửa tay chưa kỹ trước khi nấu hoặc trước khi ăn; Sử dụng chén dĩa hoặc dụng cụ làm bếp không hợp vệ sinh; Thức ăn bị hư hỏng do bảo quản không đúng cách (ví dụ như nhiệt độ và độ ẩm không phù hợp); Ăn phải thức ăn chưa chín; Ăn hải sản sống mà không rửa kỹ; Uống sữa chưa tiệt trùng; Giết mổ hoặc chế biến thịt của các loại gia cầm đang bị nhiễm bệnh. Nước bị ô nhiễm: uống nước bị ô nhiễm hoặc bơi trong hồ nước bị ô nhiễm.

Các vi khuẩn dễ lây lan sang người khác khi bạn rửa tay không kỹ sau khi vệ sinh và chạm vào người khác hoặc dùng chung các vật dụng với người bị nhiễm bệnh; Những người làm việc với động vật, đặc biệt là bò, dê, cừu có thể bị nhiễm bệnh từ vi khuẩn sống ở động vật.

Trung tâm y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi và lựa chọn, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh; dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa giếng nước, nhà ở; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang