Những chuyến bay bão táp cấp cứu bệnh nhân
Đang theo thuyền đánh bắt cá gần khu vực quần đảo Trường Sa thì ngư dân Phan Hoàng Dương (35 tuổi, nhà ở TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) bị sốt cao 39-40 độ, liên tục nôn ói, tiêu chảy, ra nhiều máu ở mũi…
Suốt 5 ngày liền anh Dương ở trong tình trạng bệnh như vậy, tàu đã đưa anh Dương vào đảo Song Tử Tây cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ ở bệnh xá đảo Song Tử Tây chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng, khả năng do vỡ tĩnh mạch thực quản, xơ gan.
Nhận thấy tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi, vượt khả năng điều trị, bệnh xá đảo Song Tử Tây đã yêu cầu chuyển bệnh nhân vào đất liền để cấp cứu.
Đội ngũ y tế trên đảo đã liên hệ và nhờ sự trợ giúp của lực lượng không quân, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM). Một chiếc trực thăng được điều động, đưa người gặp nạn vào bờ.
Khoảng 6 giờ 40 phút ngày 7-11-2016, trực thăng của Trung đoàn Không quân 917 (Sư đoàn Không quân 370) đã xuất phát từ Biên Hòa, ra đến Song Tử Tây lúc 10 giờ 30 phút. 11 giờ 50 phút, máy bay cất cánh từ Song Tử Tây và đưa bệnh nhân Dương về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ.
Sau đó, bệnh nhân Dương được đưa vào điều trị ở Bệnh viện 175, còn trực thăng bay về Biên Hòa làm nhiệm vụ khác.
Theo Đại tá Bùi Đức Thành, Chính ủy Sư đoàn Không quân 370, dù thời tiết không thuận lợi nhưng sau khi có lệnh, tổ bay kịp thời có mặt bay ra Trường Sa làm nhiệm vụ.
(CAO) Chiều 7-11, một ngư dân được vận chuyển bằng trực thăng từ bệnh xá đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) về TP.HCM cấp cứu vì xuất huyết đường tiêu hóa nghiêm trọng.
Gay cấn hơn là trường hợp tổ bay Mi-171 số hiệu 8431 bay đi cấp cứu một thuyền viên vào đúng dịp lễ 2-9. Đó là vào năm 2015, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ trực tăng cường trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh tại Sân bay Cần Thơ, tổ bay nhận được lệnh thực hiện nhiệm vụ bay cấp cứu bệnh nhân tại đảo Trường Sa lớn.
Sau khi nhận lệnh tổ bay do Đại tá Ngô Vy Sơn, lái chính; Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, lái chính; Thượng tá Nguyễn Đức Tải, dẫn đường, phi công lái phụ; Thượng tá Nguyễn Chí Hiền và Thiếu tá Lê Văn Cần, cơ giới trên không đã bay về sân bay Tân Sơn Nhất, để chở đoàn bác sĩ bệnh viện Quân y 175 ra đảo cấp cứu bệnh nhân. Sau hơn 8 giờ bay, chủ yếu bay đêm trong điều kiện thời tiết xấu, tổ bay đã chuyển bệnh nhân về đến sân bay Tân Sơn Nhất để bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện Quân y 175 an toàn.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Thành Trung (SN 1969, quê Rạch Giá, Kiên Giang) đang làm việc trên tàu BTh 97779 TS tại đảo Trường Sa lớn bị tan nạn ngã từ tàu xuống bị chấn thương sọ não nặng.
Bệnh nhân được máy bay chở cấp cứu từ đảo Trường Sa về đến sân bay Tân Sơn Nhất
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh xá đảo Trường Sa lớn. Kết quả chụp X-quang cho thấy nạn nhân bị đa chấn thương, chấn thương sọ não nặng, lún xương sọ vùng đỉnh, dập não xuất huyết và phù não mức độ nặng.
Lúc đầu nạn nhân tuy còn tỉnh nhưng sau đó dần rơi vào trạng thái hôn mê sâu, thậm chí có lúc tim đã ngừng đập.
Ngay sau có kết quả khám lâm sàng, các bác sĩ tại bệnh xá đảo Trường Sa lớn đã tiến hành hội chuẩn với các bác sĩ tại bệnh viện Quân y 175 qua hệ thống Telemedicine để tìm phương án cứu chữa bệnh nhân.
Do bị tổn thương não nặng, nên các bác sĩ tại bệnh viện Quân y 175 đã chỉ đạo kíp mổ phải thực hiện mổ cấp cứu ngay nếu không bệnh nhân sẽ bị tử vong.
Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được xương bị lún, lấy ra được máu tụ dưới màng cứng sọ não, lấy ra các tổ chức não bị dập nát và dẫn lưu giải áp được cho não, duy trì được huyết áp cho nạn nhân.
Sau ca mổ, nạn nhân bị mất máu rất nhiều nên các y bác sĩ đã lấy máu truyền cho nạn nhân đồng thời huy động thêm máu để bổ sung máu cho nạn nhân, cải thiện được tình trạng rối loạn đông máu. Tuy vậy, tình trạng thuyền viên vẫn diễn biến nặng nên Bệnh viện Quân y 175 quyết định xin chuyển nạn nhân về đất liền để điều trị.
Trong lúc chờ máy bay ra đưa về đất liền cứu chữa, do bệnh nhân mất nhiều máu nên các bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tập trung hiến máu để truyền liên tục cho bệnh nhân nhằm cải thiện tình hình.
Gần hơn là trường hợp một chiến sĩ bị chấn thương nguy kịch, BV Quân y 175 đã đề nghị Quân chủng Hải quân điều máy bay đưa các bác sĩ phẫu thuật từ đất liền ra bệnh xá để cứu bệnh nhân.
Các y bác sĩ đang mổ cho bệnh nhân. Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến tại BV 175
Bệnh nhân là anh Nguyễn Thanh Phương (19 tuổi, chiến sĩ tàu HQ 561). Trước đó, vào khoảng 3 giờ chiều ngày 5-1-2016, anh Phương đi trên tàu quân y để đổi quân cho đảo Trường Sa Lớn thì bị trượt chân, ngã đập mạng sườn trái vào miếng nắp hố ga.
Ngay lập tức anh Phương được sơ cứu trên tàu. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân bị chấn thương vỡ lách, tràn máu trong ổ bụng.
Đến khoảng 2 giờ 30 ngày 6-1, Ban Giám đốc BV Quân y 175 TP.HCM đã tiến hành hội chẩn trực tuyến từ xa với các y, bác sĩ trên đảo Trường Sa. Khi đó bệnh nhân được xử lý truyền dịch, cầm máu rồi chuyển đến Bệnh xá Trường Sa Lớn.
Nhận thấy trường hợp bệnh nhân cần mổ gấp, BV Quân y 175 đã đề nghị Quân chủng Hải quân điều máy bay đưa các bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện ra bệnh xá từ tối 6-1 đến nơi lúc 8 giờ 10 sáng 7-1.
Thắm tình quân dân
Ngoài những chuyến bay cấp cứu, thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến từ BV 175 truyền đến bệnh xá đảo Trường Sa lớn, lực lượng Quân y đã thực hiện thành công nhiều cuộc phẫu thuật thương tích do tai nạn, chấn thương, viêm ruột thừa cấp, mổ đẻ… cho quân và nhân dân trên đảo.
Trong những trường hợp vượt quá phạm vi chuyên môn, những chuyến bay cấp cứu sẽ vượt trùng khơi đưa bác sĩ từ đất liền đến nơi đầu sóng ngọn gió của tổ quốc để hỗ trợ cứu bệnh nhân hoặc đưa bệnh nhân về đất liền tiếp tục điều trị.
Thực tế việc cấp cứu trên biển đảo trong thời gian qua cho thấy, lực lượng quân y đã cứu được những ca bệnh rất nặng, tưởng như đã tử vong đến mười mươi.
Những ca cấp cứu thành công, những ca mổ sinh đón những em bé chào đời trên đảo Trường Sa,... đã gây được niềm xúc động lớn, không chỉ cho thân nhân bệnh nhân mà còn là niềm vui của tập thể các y bác sĩ.
Ca mổ và bé gái chào đời ở Trường Sa. Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến tại BV 175
Chia sẻ về những sự kiện, Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) luôn nhấn mạnh, BV 175 luôn hỗ trợ hết mình chuyên môn cho công tác y tế biển đảo.
Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trong một cuộc họp chỉ đạo trực tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho các y bác sĩ ngoài bệnh xá đảo Trường Sa lớn. Ảnh: NĐ
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các y bác sĩ quân y có có trình độ chuyên môn giỏi cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe sơ cấp cứu, điều trị ban đầu đã được tăng cường cho các đảo, cụm đảo độc lập xa đất liền.
Đặc biệt là trang bị hệ thống telemedicine cho cụm đảo, giúp khám bệnh từ xa thông qua hỏi đáp thông tin từ người bệnh hoặc nhân viên y tế đang yêu cầu trợ giúp, hội chẩn các các bệnh phức tạp qua đường truyền số hóa, tư vấn điều trị từ xa qua viễn thông/ Internet/ truyền hình, tư vấn các vấn đề y tế trên đảo hoặc tàu thuyền… Đây là cách làm hữu hiệu để chuyển tải thông tin y tế từ những khu vực biệt lập như trên đảo, trên các tàu biển, vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm y tế hiện đại ở đất liền hoặc ở các đô thị lớn. Nhờ sử dụng công nghệ telemedicine, nhiều vấn đề y tế phức tạp đã được hỗ trợ kịp thời về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật cho những nơi điều kiện nhân lực còn hạn chế, trang thiết bị còn chưa đồng bộ.
Việc chăm sóc sức khỏe, sát cánh cùng quân và dân nơi vách phên bờ dậu của tổ quốc không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển đảo và chương trình y tế biển đảo.
(CAO) Tiếng khóc chào đời của đứa cháu ngoại tại bệnh xá của đảo Trường Sa lớn khiến bà Mai ngồi trong phòng trực tuyến ở Bệnh viện 175 khóc nức nở.