Chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm vào Việt Nam

Thứ Năm, 16/02/2017 10:51  | Ngô Đồng

|

(CAO) Cúm gia cầm, ebola, MERS-CoV,… đang có diễn biến rất phức tạp. Do sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động mạnh mẽ giữa các khu vực khiến mầm bệnh có thể dễ dàng bị phát tán, trở thành nguy cơ đối với cả những quốc gia vẫn đang ngoài vùng dịch.

Đó là thông tin vừa được PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam diễn ra tại TP.HCM sáng 16-2.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cảnh báo, tình hình dịch bệnh trên thế giới như: Cúm gia cầm, ebola, MERS-CoV,… đang có diễn biến rất phức tạp. Do sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động mạnh mẽ giữa các khu vực khiến mầm bệnh có thể dễ dàng bị phát tán, trở thành nguy cơ đối với cả những quốc gia vẫn đang ngoài vùng dịch. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn, các dịch bệnh đang lưu hành và dịch bệnh mới có thể xâm nhập, bùng phát ở Việt Nam trong năm 2017.

Chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, một số bệnh dịch lưu hành như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, Zika, dại, liên cầu lợn, viêm não vi rút... vẫn là thách thức lớn đối với việc giảm số mắc và tử vong.

Theo TS Trần Đắc Phu, năm 2016, cả nước ghi nhận 91 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 13 trường hợp so với năm 2015.

Đáng chú ý, các trường hợp mắc bệnh dại tập trung chủ yếu tại một số tỉnh phía Bắc. Đa số các trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng. Nhiều người không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn vì chủ quan, hoặc điều trị bằng thuốc nam và không ít người không tiêm do không hiểu biết gì về bệnh dại. Ngoài ra, nguyên nhân tử vong do bệnh dại vẫn ở mức cao là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó đạt thấp.

Ngoài ra, trong năm 2016, cả nước cũng ghi nhận 90 trường hợp mắc liên cầu lợn làm 7 trường hợp tử vong. Mặc dù số ca mắc và tử vong đều giảm so với năm 2015, nhưng vẫn đáng cảnh báo vì đa số các trường hợp mắc là do ăn tiết canh sống.

Theo TS Trần Đắc Phu, kể cả với các bệnh có vắc xin phòng bệnh vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh. Không loại trừ khả năng có thể xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỉ lệ tiêm chủng chưa cao và không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Ngoài ra, hiện nay một số các bệnh ít được người dân quan tâm như: Ký sinh trùng, viêm gan vi rút… vẫn ghi nhận, song chưa được quan tâm đầu tư

PGS TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Zika vẫn là thách thức lâu dài, đòi hỏi thiết lập kế hoạch đáp ứng dài hạn, liên tục, đặc biệt là trong bối cảnh tần suất giao lưu đi lại cao, biến động dân cư mạnh.

Tại Việt Nam, dự báo năm 2017 gia tăng bệnh do virus Zika tại tất cả tỉnh khu vực phía Nam. Đây là khu vực thuộc vùng lưu hành của muỗi vằn, ổ bọ gầy nguồn đa dạng, phong phú, đòi hỏi có kế hoạch giám soát và ứng phó, xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ đầu.

PGS TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: NĐ

TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, năm 2017, ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên tại cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng. Đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, báo cáo kịp thời; triển khai giám sát trọng điểm bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, zika…. Bên cạnh đó, chú trọng đến công tác tập huấn kỹ năng giám sát phát hiện, chẩn đoán một số bệnh.

TP.HCM: Chỉ còn một quận chưa có người nhiễm virus Zika
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang