(CAO) Nhiều phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải dừng hoạt động điều trị nội trú cho bệnh nhân có thể BHYT sau khi bị Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh “cấm cửa”.
(CAO) Dù hồ sơ bồi thường đã hoàn tất nhưng phía công ty bảo hiểm AAA viện nhiều lý do để chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình khiến cho khách hàng khổ sở vì hàng loạt các rắc rối phát sinh.
Tình trạng trên khiến người dân ở các huyện vùng cao, biên giới tỉnh Thanh Hóa gặp vô vàn khó khăn trong công tác khám chữa bệnh. Huyện nghèo vùng cao Thường Xuân có 2 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐK), thuộc bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân là PKĐK Bù Đồn (tại xã Vạn Xuân) và PKĐK Bát Mọt (tại xã Bát Mọt).
Trong đó PKĐK Bù Đồn cách trung tâm huyện Thường Xuân khoảng 30km, PKĐK Bát Mọt cách trung tâm huyện khoảng 60km. Do điều kiện địa hình hoàn toàn là đồi núi, cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nên PKĐK Bù Đồn và PKĐK Bát Mọt đã giải quyết cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân vùng cao, thuộc các xã: Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Thắng, Bát Mọt, Yên Nhân…
Máy móc thiết bị
y tế không phát huy hết tác dụng vì PKĐK khu vực không điều trị nội trú
Đặc biệt PKĐK Bát Mọt (được thành lập từ năm 1960) không chỉ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân Thường Xuân mà còn làm nhiệm vụ quốc tế, khám chữa trị cho bệnh nhân là người Lào vùng giáp biên giới. Xã Bát Mọt cũng là xã chưa có Trạm y tế cấp xã. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2016 hai phòng khám nói trên đã điều trị cho hơn 1.900 lượt bệnh nhân nội trú, với số ngày bệnh nhân điều trị nội trú là hơn 10.500 ngày. Bên cạnh đó hai phòng khám cũng tiến hành khám, cấp thuốc ngoại trú cho hơn 11.500 lượt bệnh nhân.
Dẫu hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho người dân song từ tháng 11-2016 Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân buộc phải dừng hoạt động điều trị nội trú cho bệnh nhân tại PKĐK Bù Đồn và PKĐK Bát Mọt. Lí do, BHXH tỉnh Thanh Hóa dừng thanh toán, quyết toán chi phí chữa trị nội trú cho bệnh nhân tại PKĐK.
Thực tế trên khiến người dân tại các khu vực có PKĐK gặp nhiều khó khăn trong quá trình khám và điều trị bệnh. Thay vì chỉ phải di chuyển khoảng 10km đường để được điều trị nội trú thì người dân các bản vùng cao phải di chuyển tới 60 - 70km đường để được điều trị nội trú. Trong điều kiện giao thông toàn đường đồi núi, di chuyển từ các bản làng vùng cao ra trung tâm, phương tiện đi lại không thuận lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng bệnh nhân.
PKĐK khu vực không điều trị nội trú là một thiệt thòi lớn cho người bệnh có thẻ BHYT
Theo ông Cầm Bá Thể - Giám đốc bệnh viện đa khoa Thường Xuân: “Đội ngũ y bác sỹ, phương tiện máy móc tại các phòng khám đủ khả năng điều trị tất cả các bệnh không phải phẫu thuật phức tạp”. Cũng theo ông Thể thì khi có những ca bệnh phức tạp, bệnh viện lập tức cử nhân viên trực tiếp di chuyển lên PKĐK để phục vụ bệnh nhân và “việc không duy trì hoạt động điều trị nội trú tại các PKĐK là một thiệt thòi lớn cho người dân”.
Tìm hiểu chúng tôi còn được biết hàng loạt PKĐK, nằm ở vùng cao biên giới thuộc các huyện Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát… cũng phải dừng hoạt động vì BHXH tỉnh Thanh Hóa dừng dừng thanh toán, quyết toán chi phí chữa trị nội trú cho bệnh nhân tại PKĐK.
Nhận thấy những bất cập trước thực trạng trên, UBND các xã nơi có PKĐK, bệnh viện tuyến huyện quản lý phòng khám đã có văn bản gửi BHXH tỉnh Thanh Hóa đề nghị BHXH tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho nhân dân các xã khu vực có PKĐK tiếp tục được điều trị nội trú ngay tại PKĐK.
Văn bản bệnh viện đề nghị BHXH tiếp tục cho phép duy trì điều trị nội trú tại PKĐK khu vực
Ngày 10-1-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có công văn “Đề nghị BHXH tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và đơn vị liên quan căn cứ quy định pháp luật, theo chức năng nhiệm vụ được giao, trên cơ sở điều kiện Kinh tế - Xã hội của địa phương và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí điều trị nội trú cho người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực thuộc bệnh viện đa khoa các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo đúng quy định hiện hành".
Tuy nhiên đến nay thực trạng nêu trên vẫn chưa được thay đổi, các PKĐK khu vực, thuộc bệnh viện tuyến huyện tại Thanh Hóa vẫn phải tạm dừng việc điều trị nội trú cho bệnh nhân.