Chờ một phép màu
Chị Vũ Thị Huề (32 tuổi, ngụ tại Đắk Nông) cho biết, chị bị suy thận mạn giai đoạn cuối, đang chạy thận nhân tạo định kỳ từ tháng 6-2014 đến nay. Chị là con thứ 3 trong một gia đình có 5 người con. Cha đã qua đời, chị còn có mẹ.
Chị Huề lập gia đình và sinh được 2 cháu. Một cháu 10 tuổi và một cháu 5 tuổi.
Chị cho biết, khi mang thai đứa thứ 2, chị bị tuột huyết áp, phải sinh non khi con mới 8 tháng tuổi. Từ đó chị thấy sức khỏe mình suy yếu dần.
Cách đây hơn 2 năm, chị phải vào viện vì suy thận. Từ đó đến nay, chị phải chạy thận đều đặn 3 lần/tuần để duy trì cuộc sống.
Chị Vũ Thị Huề chia sẻ câu chuyện của mình. Ảnh: NĐ
Chị Huề cho biết: "Một tuần em phải chạy thận 3 ngày, em coi như bệnh viện là nhà luôn rồi, con cái đâu có chăm sóc được, một mình ba nó phải chăm sóc. Vì bệnh tật, em cũng không có đi làm được".
Thấy con quá khổ vì bệnh tật, bỏ bê cả gia đình, con cái. Nên mẹ chị, bà Nguyễn Thị Huế (58 tuổi) mới quyết định hiến thận để cứu con mình.
PGS TS BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: "Mặc dù được mẹ ruột đồng ý hiến thận theo tinh thần nhân đạo. Tuy nhiên, các xét nghiệm cho thấy thận người cho và người nhận không hòa hợp. Các kháng thể người nhận chống lại người cho nên nguy cơ thải ghép sau mổ là rất cao nên dù đã có nguồn thận cho nhưng vẫn chưa thể ghép được cho bệnh nhân".
Tương tự là trường hợp của chị Lê Thị Ánh Hồng (31 tuổi, ngụ tại Kiên Giang). Chị Hồng cũng bị suy thận mạn giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo tại BV Chợ Rẫy định kì từ tháng 4-2015 đến nay.
Chị Lê Thị Ánh Hồng. Ảnh: NĐ
Chị Hồng là con đầu trong gia đình có 3 người. Chị Hồng mất cha, mẹ đang theo dõi u vú.
Chị Hồng lập gia đình và có 2 con, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi. Vì phải chạy thận định kì nên chị cũng không thể đi làm kiếm tiền được, chỉ ở nhà nội trợ.
Thương con riêng của vợ phải mang bệnh tật khi tuổi còn trẻ, cha đượng chị Hồng là ông Trương Ngọc Xuân (51 tuổi) đã đồng ý hiến thận cho chị.
PGS TS BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: "Tương tự như trường hợp của bệnh nhân Huề, các xét nghiệm cho thấy thận người cho và người nhận không hòa hợp. Các kháng thể người nhận chống lại người cho nên nguy cơ thải ghép sau mổ là rất cao".
Cha mẹ hai gia đình đổi thận cho nhau để cứu 2 con
PGS TS BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: "Để giảm nguy cơ thải ghép sau mổ, Hội đồng khoa học của bệnh viện đã họp và thống nhất ý kiến lựa chọn tốt nhất cho 2 bệnh nhân này là nên đổi chéo ghép, tức là lấy thận của người cho bệnh nhân Huề ghép cho bệnh nhân Hồng và ngược lại".
Các kết quả xét nghiệm theo hướng hoán đổi cho thấy, thận người cho và người nhận hòa hợp về mặt miễn dịch, kháng thể không chống lại kháng nguyên.
Theo BS Sâm, kỹ thuật hoán đổi người cho thận là một phương pháp được nhiều trung tâm ghép trên thế giới lựa chọn. BV đã giải thích cho 2 bệnh nhân và người nhà và may mắn là họ đã đồng ý theo phương án trên.
Ngay sau khi người bệnh và người nhà đồng ý, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy thận người cho và ghép cho người nhận.
2 cuộc đời được tái sinh nhờ phép màu hoán đổi. Ảnh: NĐ
Hiện tại, sau gần 1 tháng, sức khỏe của 2 bệnh nhân đã hồi phục, trở về bình thường. Ảnh: NĐ
PGS TS BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: "Ngày 11-1-2017 ca phẫu thuật được tiến hành. Hai cuộc mổ lấy thận qua nội soi được tiến hành song song bởi 2 ê kip, bắt đầu từ lúc 8 giờ và kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày. Tương tự, 2 cuộc mổ ghép cũng được tiến hành song song bởi 2 ê kip và kết thức lúc 14 giờ cùng ngày".
Ê kip lấy thận. Ảnh: BV cung cấp
"Kết quả thành công tốt đẹp, 2 thận ghép đều hoạt động ngay sau khi tháo clamp mạch máu. Chức năng 2 thận trở về bình thường chỉ sau 2 ngày ghép. Hai bệnh nhân ổn định và xuất viện sau mổ 7 ngày. Hiện tại, sau gần 1 tháng, sức khỏe của 2 bệnh nhân đã hồi phục, trở về bình thường", BS Sâm cho hay.
Chị Vũ Thị Huề vui mừng chia sẻ: "Sau gần 1 tháng được ghép thận, cuộc sống của em trở lại bình thường. Em thật sự cảm ơn các bác sĩ đã cứu em, cảm ơn ba mẹ 2 bên đã hiến tặng một phần thân thể để hồi sinh cuộc đời em một lần nữa".
Chị Vũ Thị Huề
Chị Lê Thị Ánh Hồng cũng vui mừng khôn xiết chia sẻ: "Mặc dù là sự ngẫu nhiên, nhưng thật may mắn. Em đã trở lại cuộc sống bình thường sau bao ngày phải chạy thận nhân tạo. Em hi vọng những người bệnh đang phải chạy thận nhân tạo như em trước đây cũng sớm tìm được phép màu như em".
Chị Lê Thị Ánh Hồng
PGS TS BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy cho biết: "Kỹ thuật đổi chéo trong ghép thận đã được thế giới thực hiện đầu tiên vào năm 1991. Lý do đổi chéo: Người hiến và người nhận không cùng nhóm máu; phản ứng chéo giữa người hiến và người nhận dương tính; người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên người hiến, quá mẫn cảm.
Việt Nam thực hiện ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, khởi đầu với thận hiến từ người cho sống.
PGS TS BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy
Vấn đề chính hiện nay là khan hiếm nguồn tạng hiến, không chỉ là thận. Tại BV Chợ Rẫy, vẫn còn trên trăm người đang chờ để được ghép thận.
Nhiều phương pháp đã được mở rộng để có nguồn thận hiến như lấy từ người chết não, ngưng tim. Đối với người cho sống thì tăng độ tuổi người hiến thận, đổi chéo người hiến thận, ghép không cùng nhóm máu.
Vấn đề về kỹ thuật ghép thì các bác sĩ chúng ta đã làm chủ được, nhưng về nguồn tạng hiến tặng thì vẫn khan hiếm, người dân vẫn chưa có thói quen khi cho hiến tạng.
Do đó, chúng tôi chia sẻ thông tin về 2 trường hợp vừa đổi chéo, một mặt nhằm thông báo kết quả 2 cặp ghép thận trao đổi chéo đầu tiên tại BV Chợ Rẫy nói riêng cũng như trên cả nước. Qua đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng việc thực hiện mô hình trao đổi chéo nhằm đem sức khỏe cuộc sống tốt hơn cho những bệnh nhân đang mắc căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.
(CAO) Chấp nhận hiến tạng của người thân, gia đình người xấu số đã dũng cảm vượt qua nỗi đau và những quan niệm truyền thống. Có những gia đình bị hàng xóm dị nghị là bán nội tạng người thân lấy tiền, có người mẹ bị từ mặt vì hiến nội tạng con và có những gia đình đã từ chối hiến tạng ngay trong giây phút cuối cùng của người bệnh.