Ứa nước mắt khi nhắc đến Tết
Ngồi trong Khoa chạy thận nhân tạo, vẻ mặt đượm buồn, chàng thanh niên Nguyễn Tấn Thiện (SN 1991, quê Đồng Tháp) cho biết: "Em đã mang căn bệnh suy thận 8 năm, trong khoảng thời gian đó, em xem bệnh viện như là ngôi nhà thứ 2, bởi ngoài thời gian ở nhà, thì em phải vô bệnh viện chạy thận".
Đôi mắt chàng thanh niên Nguyễn Tấn Thiện đượm buồn khi nhắc đến Tết. Ảnh: NĐ
Mang căn bệnh hiểm nghèo từ khi mới 17 tuổi, lúc dó Thiện đang là cậu hịc sinh lớp 11. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhà có 6 người, Thiện là đứa con thứ 5 trong nhà, Thiện còn một đứa em.
Từ khi mắc bệnh, Thiện phải vào bệnh viện điều trị, sức khỏe dần suy giảm nên em không thể đế trường được, đành nghỉ học, gác lại giấc mơ trở thành một kĩ sư về công nghệ thông tin.
Em Thiện cho biết, một tuần em phải vào bệnh viện 3 lần để chạy thận. Ngoài các khoản được BHYT chi trả, em còn phải đóng thêm 3 triệu đồng mỗi tháng.
Vì thời gian ở BV nhiều như vậy, nếu cứ đi đi về về thì tiền tàu xe, ăn ở quá tốn kém nên ba em cũng lên Sài Gòn, thuê một chỗ ở rồi hằng ngày bán cà phê cóc mưu sinh. Em Thiện ngoài thời gian nằm viện chạy thận thì về phụ ba bán cà phê.
Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy mang quà của mạnh thường quân tặng cho
bệnh nhân nghèo bệnh nặng không về quê đón Tết. Ảnh: NĐ
Hỏi Tết này em với ba có về quê chơi Tết không?, Thiện cười buồn nói: "Em cũng không biết nữa, một tuần em phải chạy thận 3 buổi, nếu về em cũng chỉ về được 2 ngày rồi cũng quay lên thôi. Nhiều năm, em đón Tết trong bệnh viện luôn, em quen rồi...".
Đôi tay đen nhẻm, xù xì, thỉnh thoảng lại đưa lên lau vội giọt nước mắt, là chồng của bệnh nhân HNhăng Byă (SN 1984, dân tộc Ê Đê). Anh cho biết vợ anh bị suy thận, điều trị ở BV Chợ Rẫy gần 1 tháng qua.
Chồng bệnh nhân HNhăng Byă khóc khi nhắc đến bệnh tình của vợ. Ảnh: NĐ
Chị HNhăng Byă và anh có với nhau 2 đứa con, một đứa đang học lớp 8 và một đứa đang học lớp 6. Nhà nghèo, ai thuê gì chị làm nấy, còn chồng chị thì làm bốc vác để kiếm sống. 6 tháng trước, chị phát bệnh, khó khăn càng thêm khó khăn. Những ngày nằm viện, anh chị phải nương nhờ vào suất cơm từ thiện của bệnh viện.
Vì mang căn bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài nên HNhăng Byă cũng không biết có được về nhà đón Tết không. Chị nằm trong danh sách những bệnh nhân nghèo bệnh nặng đón tết tại bệnh viện.
Không để bệnh nhân nghèo buồn tủi
Tết là thời khắc gia đình sum vầy, các thành viên ở đâu cũng náo nức trở về nhà, chung vui với nhau bên mâm cơm ấm cúng. Nhưng với không ít bệnh nhân, đó lại là giấc mơ quá xa vời. Tết của người bệnh là tiếng máy móc đều đặn từng ngày, là gánh nặng về chi phí qua mỗi giai đoạn điều trị.
Bà Lê Tuyết Hồng (75 tuổi, Mỹ Tho, Tiền Giang), bà Hồng đi nuôi em chồng là Nguyễn Thị Ít đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân nằm tại ICU đều là những ca thập tử nhất sinh.
Mái tóc bạc phơ, đôi mắt khô cằn, bà Hồng cho biết: "Em chồng tôi không có gia đình, sống đơn chiếc một mình. Trong một lần đi trên đường, bị xe cán nhưng họ bỏ chạy mất, được người ta đưa đi bệnh viện chữa trị; nhưng bị chấn thương nặng quá nên phải chuyển lên Chợ Rẫy".
Bà Hồng đi nhận quà Tết cho bệnh nhân Ít, đang nằm điều trị tại Phòng ICU. Ảnh: NĐ
"Cổ có một thân một mình không ai nuôi, nên tôi đi theo để nuôi. Nhà khó khăn, không có tiền để chữa trị nữa, cũng may nhờ có Hội từ thiện và các mạnh thường quân giúp đỡ".
Bà Hồng thở dài cho biết: "Còn mấy bữa nữa đâu là Tết rồi, không biết có khỏe lên được để về quê không, hay là phải ở lại bệnh viện đón Tết".
Hay như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thanh Phong, mắc bệnh tim. Mẹ em phải vào viện nuôi em những ngày giáp tết này, bà thở dài: "Không biết có kịp về nhà ăn Tết không?".
Hầu như bệnh nhân nào phải nằm viện dịp Tết cũng đều có tâm trạng giống nhau. Ai cũng mang một nỗi buồn rười rượi, bệnh nhân thì nằm đau, người nhà thì đi nuôi bệnh cũng đầy tâm sự, không chỉ lo cho kẻ nằm đau, mà còn nghĩ về cái tết ở quê nhà.
Nghe những cụm từ "hay là...", "chưa biết được..." của những thân nhân, bệnh nhân mà xót lòng. Bởi họ cũng không biết họ có chiến thắng được bệnh tật, chạy đua được với thời gian để có thể cùng gia đình sum vầy trong dịp Tết hay không nữa. Những cái Tết xa nhà luôn khiến cho người ta cảm thấy buồn, huống hồ chi lại phải đón Tết trong bệnh viện với tình trạng sức khỏe yếu đuối.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, dịp cận tết hàng năm, bệnh viện Chợ Rẫy luôn chuẩn bị các phần quà, suất ăn từ thiện để hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo. Phương châm của bệnh viện là luôn làm những gì có lợi nhất cho người nghèo, không để bệnh nhân nghèo đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, càng không thể để cho bệnh nhân nghèo buồn tủi trong dịp Tết.
Về quê ăn Tết, giấc mơ xa xỉ của nhiều bệnh nhân. Ảnh: NĐ
Mới đây, ngày 13-1, BV đã phát 200 phần quà (gồm 200 ngàn đồng tiền quà và 800 ngàn đồng tiền mặt) cho những bệnh nhân nghèo, bệnh nặng, có nguy cơ phải ở lại BV đón Tết. Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh khác nhau, người nuôi vợ, người nuôi chồng, người nuôi con, người chạy thận, người mắc bệnh tim, người bị tai nạn giao thông,... Ngày 24-1, tức 27 tết, BV sẽ cùng các mạnh thường quân tiếp tục trao thêm 200 phần quà nữa cho các bệnh nhân nghèo phải ở lại BV đón Tết.
Đón Tết trong bệnh viện là điều không ai mong muốn, những phần quà và những lời thăm hỏi, những bữa cơm từ thiện ấm áp tình người khiến cho bệnh nhân và thân nhân ấm lòng, vơi đi nỗi nhớ nhà, nỗi buồn tủi vì bệnh tật.
Câu nói mang đầy tính nhân văn của PGS TS Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy luôn làm cho những bệnh nhân nghèo bế tắc về tiền bạc cảm thấy được ấm lòng, giúp họ có thêm nghị lực để đương đầu với bệnh tật: “Đừng để những bệnh nhân nghèo phải bán đi 'cái bàn thờ' chỉ vì bế tắc trong tiền bạc".
(CAO) Trong khi nhiều gia đình đang tất bật chuẩn bị chu đáo cho một cái tết sum vầy, hạnh phúc thì vẫn còn không ít hoàn cảnh khó khăn không có nổi một mái ấm hay phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật mà không có tiền thuốc thang, chữa chạy.