(CAO) Chỉ trong mấy ngày nghỉ Tết mà có hàng chục trẻ em phải nhập viện vì bị gãy xương hàm, chủ yếu do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt gây ra. Nhiều trường hợp nặng, bé phải nằm viện theo dõi, đến nay vẫn chưa được về nhà để nhập học.
Gãy xương hàm ngày mùng 1 Tết
Đó là trường hợp của bé trai N.Q.H. (13 tuổi, ngụ tại Phú Yên). Mẹ của bé cho biết, chiều mùng 1 Tết, bé H. đi chơi với bạn bằng xe đạp điện. Trên đường về nhà thì xe đạp điện hết pin nên cả hai dùng chân đạp. Tuy nhiên, khi còn gần 100m nữa thì đến nhà thì tai nạn bất ngờ ập đến. Một chiếc xe máy chạy ngược chiều lại đã tông trúng bé.
Ngay sau tai nạn, bé té xuống đường bê tông, mặt mày bê bết máu, môi rách; gia đình đưa bé nhập bệnh viện tỉnh. Nhận thấy bé bị chấn thương khá nặng nên chuyển đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp tục điều trị.
BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, kết quả CT cho thấy, bé bị vỡ xương chính mũi, gò má, ổ mắt; vỡ xoang hàm, trong xoang hàm tụ đầy máu. Tình trạng chấn thương khá nặng, nên bé không ăn uống được.
Hiện tại, bé vẫn đang được đuều trị tại BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, phẫu thuật sắp lại xương hàm, chưa trở về nhà để nhập học cùng bạn bè.
Xương hàm tách làm 2 phần vì tai nạn giao thông
BS Nguyễn Văn Đẩu cho biết, chỉ trong dịp nghỉ Tết vừa qua, BV đã tiếp nhận điều trị 11 ca trẻ bị chấn thương hàm mặt, trong đó 9 ca do tai nạn giao thông và 2 ca do tai nạn sinh hoạt.
Trường hợp nặng là của bé gái N.N.T.T. (15 tháng tuổi, ngụ tại Tiền Giang). Bé bị tai nạn giao thông khi được gia đìhn chở đi chơi Tết bằng xe máy. Vụ va chạm khiến cháu bé ngã văng khỏi xe, đập mặt xuống đường.
BS Đẩu cho biết, kết quả chụp CT cho thấy, bé bị gãy răng, gãy xương hàm, xương hàm tách làm 2 phần chồng lên nhau. Ngoài ra, 2 cổ lồi cầu bị gãy cụp vào bên trong.
Do bé còn quá nhỏ, chưa thể phẫu thuật ngay, bệnh nhi phải nhập viện, nằm theo dõi suốt Tết và liên tục dùng thuốc giảm đau. Khi thể trạng bé ổn định mới được phẫu thuật xếp lại xương hàm.
BS Nguyễn Văn Đẩu thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: NĐ
Kết quả hồi phục đối với các bệnh nhi bị ngã gãy xương hàm phụ thuộc mức độ nặng nhẹ, vị trí gãy, tình trạng vết thương.
"Không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mĩ là để lại sẹo, mà tai nạn gây chấn thương vùng mặt còn để lại di chứng về chức năng. Cụ thể là cấu trúc phần mềm trên gương mặt như xệ mắt, nụ cười không cân đối. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương vùng mặt, nếu làm gãy răng đã thay, thì trẻ phải chịu lắp răng giả", BS Đẩu nói.
BS Nguyễn Văn Đẩu. Ảnh: NĐ
BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt khuyến cáo, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng khi đưa trẻ đi chơi. Nếu đi bằng xe máy thì đội mũ bảo hiểm cho trẻ, nếu đi bằng ô tô thì thắt dây an toàn. Điều khiển phương tiện đúng luật. Nếu trẻ đi chơi một mình, cần lưu ý cẩn trọng cho trẻ. Mật độ giao thông ngày càng tăng, trẻ đi ra đường hay băng ngang đường phải hết sức lưu ý.
(CAO) Trong lúc chơi, bé trai 9 tuổi bị bạn xô té, đập mặt vào trụ xi măng khiến gương mặt gãy xương nhiều chỗ, nhập viện trong tình trạng bê bết máu.