Uống rượu đến chết: Vẫn nhậu vì... sĩ diện?

Thứ Năm, 09/02/2017 02:08

|

(CAO) Nhiều người được bạn bè “nể” không phải do có nhiều tiền hay có địa vị xã hội, mà quan trọng là “đô nhậu” cỡ nào. Nhiều người uống rượu còn vì sĩ diện, sợ mất mặt, mất lòng...

Không thể thống kê được có bao nhiêu vụ bợm nhậu chết do té xe, té sông, hay chết từ từ do rượu, vì con số này quá nhiều. Tuy nhiên, chuyện “so tài cao thấp” trên bàn nhậu, uống nhiều rượu đến chết do ngộ độc rượu không còn là chuyện hiếm.

Nhậu đến chết

Do uống rượu liên tục trong mấy ngày liền, một người đàn ông 47 tuổi tại Thạch Thất (Hà Nội) đã phải đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tổn thương não và ngừng tim vì ngộ độc rượu.

Trước đó, ông T. được chuyển lên Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từ một bệnh viện địa phương. Khi nhập viện, ông T. trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim. Sau nỗ lực cấp cứu cho tim đập trở lại, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, điều trị rối loạn suy thận.

Người đàn ông thiệt mạng vì uống rượu 4 ngày liên tục
 

Mặc dù được lọc máu, dùng các thuốc giải độc và phụ thuộc tất cả các máy trợ tim mạch nhưng kết quả đánh giá cho thấy bệnh nhân không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa nên gia xin đưa ông T. về nhà.

Người nhà bệnh nhân cho biết, trong 3-4 ngày trước đó, ông T. nhậu liên tục bởi dự đám cưới và tự mua uống. Khi thấy ông T. có biểu hiện lạ, gia đình đưa vào viện nhưng quá muộn.

Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu tăng nhanh trong dịp lễ tết

Việc lạm dụng rượu, ngộ độc rượu dẫn đến tử vong không phải là trường hợp hi hữu; mặc dù liên tục được cảnh báo, nhưng hầu như dịp lễ tết nào cũng có nhiều trường hợp nhập viện vì ngộ độc rượu.

Theo nghiên cứu đánh giá do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành về tình hình sử dụng, lạm dụng bia rượu tại Việt Nam hiện nay chỉ ra rằng: Người Việt Nam tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia, hơn 300 triệu lít rượu mỗi năm, tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. 63% người uống rượu bia là cánh mày râu, trong đó nhóm trí thức có tỷ lệ sử dụng cao nhất.

Nhiều người được bạn bè “nể” không phải do có nhiều tiền hay có địa vị xã hội, mà quan trọng là “đô nhậu” cỡ nào. Ai nhậu khỏe, ngồi dai, không “cho chó ăn chè”, không kiếm chuyện sau cuộc nhậu... đương nhiên được bạn bè nể phục. Nhiều người uống rượu còn vì sĩ diện, sợ mất mặt, mất lòng: "Không biết uống rượu thì về nhà mặc váy đi...".

Việc nhậu vốn không thể bỏ hay cấm, điều quan trọng là mỗi người cần tự nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Ảnh minh họa

Người ta có thể nhậu trong mọi dịp, từ đám cưới, đám giỗ, đám ma, đám thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, thăng chức, mất chức, hoặc chỉ cần đẹp trời (hoặc trời mưa) cũng là cái cớ tốt để rủ nhau đi nhậu. Thậm chí, khi gặp khủng hoảng trong cuộc sống, người ta sẵn sàng nhậu nhẹt cho đến chết, quên đi mọi thứ xung quanh.

Nhậu từ lai rai đến nhậu “tới bến”, say xỉn, mất tự chủ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Không thể thống kê được có bao nhiêu vụ bợm nhậu chết do té xe, té sông, hay chết từ từ do rượu, vì con số này quá nhiều. Tuy nhiên, chuyện “so tài cao thấp” trên bàn nhậu, uống nhiều rượu đến chết do ngộ độc rượu không còn là chuyện hiếm.

Theo các chuyên gia y tế, nhậu nhẹt kéo dài dẫn đến vô vàn tác hại. Uống quá nhiều rượu bia sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho sức khỏe như tim mạch, huyết áp, thậm chí chứng vô sinh ở nam giới. Đó là chưa kể đến việc gây ra những hành động mất kiểm soát không mong muốn. Không chỉ “rượu vào lời ra”, nói lời thiếu tôn trọng người khác mà còn tăng sự liều mạng trong mọi hành động. Nhậu nhẹt, say xỉn là con đường ngắn nhất dẫn đến tội ác.

Theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là nguyên nhân giám tiếp của 200 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh: ung thư (miệng, họng, thanh quản, đại trực tràng, gan, ung vú ở nữ) và uống mức độ nào cũng có nguy cơ gây ung thưu và càng uống nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng tăng.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng ngộ độc rượu xảy ra khi chúng ta uống quá nhiều hoặc ở những người nhạy cảm, dễ phản ứng với rượu. Có bệnh nhân uống từ 500 - 1000ml rượu trong nhiều năm cho đến lúc mắc bệnh thập tử nhất sinh. Nhưng cũng có bệnh nhân tìm đến cái chết rất nhanh do ngộ độc methanol có trong rượu. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc methanol.

Rượu bia là thành phần không thể thiếu trong tiệc tùng vì tạo không khí vui vẻ, thân thiện, cởi mở, nhưng để ngăn ngừa ngộ độc rượu, nên uống vừa để vui, biết dừng đúng lúc.

Việc nhậu vốn không thể bỏ hay cấm. Điều quan trọng là mỗi người cần tự nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, bài trừ bệnh sĩ diện trên bàn nhậu. Rượu bia chỉ đơn thuần là thứ đồ uống, không phải thước đo để khẳng định bản ngã của cá nhân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang