Người cho sự sống, người hồi sinh phép màu

Thứ Ba, 01/07/2025 12:10

|

(CATP) Một đêm trắng ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định không phải là chuyện hiếm. Nhưng đêm 28 rạng sáng 29/6/2025, ánh sáng trong bệnh viện không chỉ đến từ dãy đèn chiếu sáng hành lang hay ánh chớp của các thiết bị y tế, mà đó là thứ ánh sáng đến từ lòng nhân ái, tình người, sự hy sinh âm thầm nhưng vĩ đại của một phụ nữ đã nằm lại - và người thầy thuốc vẫn lặng lẽ "viết tiếp" những nhịp tim từ một trái tim đã ngừng đập.

Chị N.V.B.T (46 tuổi), sau tai nạn xe máy được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân (BVND) Gia Định trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng cuối cùng chị không qua khỏi, được chẩn đoán chết não sau 3 lần hội chẩn. Trong khoảnh khắc tang thương nhất của cuộc đời, gia đình đã chọn một quyết định không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đưa ra: hiến tạng.

Ngay trong đêm, toàn bộ hệ thống bệnh viện được kích hoạt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TS.BS Mai Phan Tường Anh (Phó Giám đốc BVND Gia Định), mọi khâu - từ pháp lý, chuyên môn đến hậu cần, truyền thông - được vận hành nhịp nhàng và khẩn trương như một cỗ máy chính xác. Tất cả chỉ có một mục tiêu: giữ gìn, chuyển giao và cấy ghép những tạng quý giá cho người đang chờ đợi.

Sau thủ tục tri ân, các bác sĩ BVND Gia Định chạy đua với thời gian để đem sự sống cho 3 bệnh nhân khác

Từ Phòng Kế hoạch tổng hợp đến Phòng Công tác xã hội, từ đội điều dưỡng đến ê-kíp mổ, từ các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - tất cả đã không ngủ. Họ làm việc như chạy đua với thời gian, với từng nhịp đập đang yếu ớt ngoài kia, đang cần một quả tim mới, một quả thận lành lặn để tiếp tục sống.

Lễ tri ân được tổ chức lúc 4 giờ sáng - ngay trước khi ca mổ bắt đầu. Một nghi lễ nhỏ, nhưng lặng sâu và thiêng liêng. Không tiếng khóc lóc ồn ào, không ánh hào quang, chỉ có những cái cúi đầu thành kính và nước mắt của đồng nghiệp, bác sĩ trước người hiến - người anh hùng âm thầm. Họ không chỉ là y bác sĩ, mà còn là những người chứng kiến từng khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng giữa cái chết và sự sống. Trong ánh sáng lạnh lẽo của phòng mổ, có một thứ ấm áp len lỏi: đó là lòng biết ơn, là ý chí nối dài sự sống, là niềm tin rằng mỗi trái tim ngừng đập vẫn có thể tiếp tục yêu thương, tiếp tục đập trong một thân thể khác, một cuộc đời khác.

Lúc 5 giờ 13 phút, trái tim chị T. được đặt vào thùng bảo quản, chuẩn bị hành trình ra sân bay Tân Sơn Nhất, bay đến Bệnh viện Trung ương Huế. Đến 8 giờ 58, tim người được ghép đập lại. Một nhịp đập, một phép màu, một cuộc đời mới bắt đầu. Hai quả thận - lấy lúc 5 giờ 8 và 5 giờ 16 - được ghép ngay tại BVND Gia Định vào trưa cùng ngày, cứu sống 2 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ba người, ba phận người, ba hành trình hồi sinh bắt đầu từ một nguồn duy nhất: tình yêu và sự sẻ chia của một gia đình, một người chị, một người con. Nhưng đằng sau những ca phẫu thuật ấy là bao nhiêu khối óc, con tim, là sự kiên định về chuyên môn, là y đức được hun đúc qua bao thế hệ. Người ta thường nói bác sĩ là nghề cao quý vì cứu người. Nhưng trong những giờ phút như thế này, họ còn là "người gieo ánh sáng". Những bàn tay ấy không chỉ cầm dao mổ, mà còn nâng niu sự sống, trân trọng từng mạch máu, từng tế bào mang hy vọng.

Để ca hiến - ghép thành công, các bác sĩ phải làm việc trong điều kiện khắt khe nhất, bảo đảm tạng không bị tổn thương, không để thời gian vượt quá giới hạn vàng cho cấy ghép. Mỗi giây trôi qua là một cơ hội sống được giữ lại - hay mất đi. Không ai cho phép mình lơ là. Không ai cho phép mình sai sót. Không chỉ bác sĩ, mà cả điều dưỡng, nhân viên hành chính, kỹ thuật viên, bảo vệ, tài xế, Công an dẫn đường - tất cả đều là một phần không thể thiếu của bức tranh nhân đạo này.

Hiến tạng không chỉ là hành động y học. Đó là biểu tượng của lòng trắc ẩn, là điểm gặp gỡ giữa đạo lý truyền thống và y học hiện đại. Ở đó, mỗi người hiến là một "người hùng không danh", là người gieo mầm cho sự sống của những người xa lạ. Trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống gấp gáp dễ khiến con người trở nên thờ ơ, thì hành động hiến tạng - một quyết định lặng thầm nhưng vô cùng dũng cảm - lại trở thành ngọn đèn soi rọi tình người. Chính những tạng được hiến ấy đã cứu lấy người bệnh khỏi bờ vực tử thần, giúp họ có thêm một ngày được thức dậy, được hít thở, được yêu thương, được sống như bao người bình thường khác.

Các diễn biến đều được ê-kíp bác sĩ theo dõi sát sao

Nhưng đâu chỉ có người hiến, mà đằng sau những phép màu hồi sinh ấy còn có biết bao bàn tay của đội ngũ y tế tận tụy. Những đêm trắng miệt mài, những ca trực nối dài, những đôi mắt thâm quầng vì thức xuyên đêm - tất cả để giữ gìn, kết nối, chuyển giao từng bộ phận quý giá như thể đang nâng niu chính sinh mệnh của người thân mình. Hành lang bệnh viện không chỉ lưu dấu bước chân vội vã của bác sĩ mà còn in hằn niềm tin, sự hy vọng của người bệnh và gia đình.

Sự kiện đêm 28/6 tại BVND Gia Định không chỉ là một ca hiến - ghép tạng thông thường. Đó là biểu tượng của sự phối hợp thần tốc, chính xác và nhân văn giữa các đơn vị y tế hàng đầu, từ TPHCM đến Huế. Đó là tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cao nhất của người thầy thuốc - những người luôn mang trên vai không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn cả gánh nặng lương tâm, trách nhiệm và tình người.

Gia đình chị T. - những người trong phút giây đau đớn nhất vẫn đủ tỉnh táo để trao đi phần thiêng liêng của người thân - đã thực sự trở thành tấm gương của lòng nhân ái và sự hy sinh. Họ không chỉ mất đi một người thân yêu mà còn lựa chọn để nỗi mất mát đó trở thành nguồn sống cho người khác. Trong tận cùng nỗi đau, họ chọn sẻ chia. Trong hoang mang tột độ, họ chọn niềm tin. Và từ đó, ánh sáng của lòng tốt lan tỏa như những vòng tròn đồng tâm, chạm tới trái tim biết bao người đang sống.

BVND Gia Định tin rằng nghĩa cử cao đẹp ấy rồi sẽ được lan tỏa mạnh mẽ. Khi những câu chuyện như thế được kể lại, được tôn vinh, thì ý nghĩa của hiến mô, hiến tạng sẽ dần thấm sâu vào ý thức cộng đồng. Không còn là điều xa lạ, không còn là ranh giới đầy định kiến giữa sự sống và cái chết, mà sẽ là sự chuyển tiếp tự nhiên của lòng trắc ẩn, của nhân sinh quan sâu sắc. Sự sống - khi được sẻ chia - sẽ không bao giờ dừng lại. Và người hiến - dù đã nằm xuống - vẫn mãi mãi hiện diện trong hình hài, nhịp tim, từng hơi thở của những cuộc đời được cứu sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang