Trà Vinh: Hàng tỷ đồng thực hiện dự án, đề tài khoa học đi về đâu ?

Kỳ cuối: “Rút ruột” ngân sách có hệ thống

Thứ Tư, 15/03/2017 11:08  | Thiện Thảo

|

(CAO) Ba năm trước, Thanh tra Nhà nước tỉnh có kết luận đề nghị xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Diệp Văn Sơn, Giám đốc Sở Khoa học Và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Trà Vinh cùng nhiều cán bộ có liên quan rút ruột 33 đề tài khoa học nhưng ông Diệp vẫn tại vị tiếp tục thực hiện nhiều dự án (DA) không hiệu quả.

Theo hợp đồng thực hiện DA “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẫu sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Trà Vinh”, đến tháng 3-2016, DA kết thúc. Sau khi nghiệm thu cấp tỉnh thành công do ông Diệp Văn Sơn, giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu xếp loại đạt loại khá, Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh ký hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự.

Cụ thể, tháng 1-2016, sở ký quyết định điều động ông Trần Hồng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN (gọi tắt là Trung tâm Ứng dụng) nhận nhiệm vụ Chánh thanh tra sở. Ông Trần Thanh Phục, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng kiêm Chủ nhiệm DA được điều động Phó giám đốc Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN; ông Trần Văn Nhàn, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành được sở phân công Giám đốc Trung tâm Ứng dụng. DA trên được Hội đồng nghiệm thu cấp Trung ương đồng ý.

Dư luận đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý theo đúng pháp luật bởi tiêu cực tại Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh một lần bị “chìm xuồng”. Năm 2013, Thanh tra Nhà nước tỉnh Trà Vinh có kết luận sai phạm tại sở này. Qua kiểm tra 38 đề tài nghiên cứu khoa học trong tổng số 99 đề tài do Sở KH&CN quản lý, đã phát hiện nhiều sai phạm.

Nhiều lớp đào tạo, tấp huấn được kê khống rút tiền ngân sách

Thời điểm thanh tra chỉ có 4 đề tài đã nghiệm thu, quyết toán, nhưng gần 8% kinh phí quyết toán là kê khống; có 10 đề tài không quyết toán được do chi khống với số tiền lớn. Trong đó, việc chi khống xảy ra ở hầu hết các đề tài nghiên cứu, dù hoàn thành hay chưa, tại nhiều khâu, nhưng chủ yếu ở khâu khảo sát và tổ chức thực hiện, như: kê khống chi phí lấy mẫu, điều tra, kiểm tra, các hợp đồng thực hiện với nông dân, chi phí công tác...

Tại hai đề tài nghiên cứu việc thử nghiệm nuôi bò sữa chất lượng cao và sử dụng một số bò ngoại cao sản để cải tiến năng suất, với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Cán bộ thực hiện đề tài mua mấy chục con bò về giao cho nông dân thử nghiệm mà không kiểm tra, hậu quả là một số bò bị bệnh chết, một số bò không sinh sản được nên nông dân tự đem bán cho thương lái mổ lấy thịt...

Đề tài sản xuất lúa giống chất lượng cao với kinh phí được cấp gần 1,2 tỷ đồng, nhưng chọn lúa giống sai chủng loại để cấp cho nông dân thử nghiệm. Đề tài đánh giá thực trạng nguồn nhân lực sử dụng hết 200 triệu đồng nhưng có đến 64% chi khống cho công tác điều tra nên không có giá trị để triển khai.

Riêng đề tài sản xuất thử nghiệm dây chuyền chế biến vỏ sò làm thức ăn nuôi tôm, trong quá trình thực hiện với một dây chuyền sản xuất trị giá gần 300 triệu đồng được giao cho DNTN Thành Lộc (tại xã Long Hữu, H.Duyên Hải) sản xuất thử, do không có kết quả doanh nghiệp này đã bán thanh lý được... 15 triệu đồng

Qua thanh tra 33 đề tài khoa học, số tiền chưa quyết toán lên đến gần 4,3 tỷ đồng do chưa hoàn thành hoặc thực hiện không đúng đề cương, có những đề tài kéo dài nhiều năm không thể nghiệm thu và quyết toán được. Tổng số tiền sai phạm gần một tỷ đồng.

Người dân hy vọng, DA sẽ cung cấp nuôi tôm càng xanh toàn đực nhưng không hiệu quả

Đặc biệt, cán bộ sở cứ có đề tài, DA tìm cách rút ruột. Ngân sách thất thoát, cán bộ giàu sụ. Kỹ sư Nguyễn Văn Truyền, nguyên Phó giám đốc Sở KH&CN làm chủ nhiệm đề tài “Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” với tổng dự toán đề tài hơn 1,7 tỷ đồng, kinh phí đã cấp gần 1,2 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai đề tài những người thực hiện đã không trao đổi, không nắm rõ việc sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Ngày 12-11-2009, sở ký hai hợp đồng với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long mua lúa cùng chủng loại, cùng số lượng nhưng chênh lệch gần 67 triệu đồng. Việc mua phân bón, chế phẩm sinh học không đúng với đề cương.

Ban chủ nhiệm đề tài mua 9.000 túi nhựa yếm khí và 9.000 bao nylon với số tiền gần 130 triệu đồng nhưng không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Lúa giống được thử nghiệm lại không cùng chủng loại với đề tài đã đăng ký.

Thanh tra đề nghị không chấp nhận thanh toán với số tiền hơn 300 triệu đồng. Đề tài “Nghiên cứu đề xuất khoa học và các giải pháp để ổn định bờ biển Trà Vinh” do tiến sĩ Hoàng Văn Huân, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, làm chủ nhiệm với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Qua kiểm tra, chủ nhiệm đề tài chỉ đạo cán bộ chuyên môn lập chứng từ khống để thanh toán khi đi khảo sát.

Các cơ quan chức năng kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm những cá nhân có liên quan như ông Nguyễn Văn Truyền, nguyên Phó giám đốc; ông Lê Văn Quang, nguyên Giám đốc; ông Diệp Văn Sơn, giám đốc và ông Lê Văn Hồng Anh, Phó giám đốc Sở KH&CN nhưng ông Sơn vẫn còn đương chức và tiếp tục thực hiện DA gây dư luận xấu. Vụ việc sẽ xử lý ra sao ? Báo CATP tiếp tục theo dõi và thông tin các số báo sau.

Bình luận (0)

Lên đầu trang