Thế nhưng qua tìm hiểu một số DA, ĐTKH tại Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh dưới thời ông Diệp Văn Sơn làm giám đốc có nhiều khuất tất. Hàng tỷ đồng ngân sách dành cho các DA, ĐTKH phục vụ dân sinh bị xà xẻo.
VỪA ĐÁ BÓNG VỪA THỔI CÒI
Nhằm góp phần tăng cao giá trị sản xuất, phát triển nghề nuôi tôm càng xanh và khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước nuôi thủy sản trên cả ba vùng ngọt, lợ và mặn, tháng 4-2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (gọi tắt là Trung tâm Ứng dụng) thuộc Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh triển khai và thực hiện DA “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẫu sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Trà Vinh”.
Theo đó, thời gian thực hiện DA 36 tháng (từ tháng 4-2013 đến tháng 3-2016). Tổng kinh phí thực hiện 4 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 2,6 tỷ đồng còn lại ngân sách địa phương. Chủ nhiệm DA là kỹ sư Trần Thanh Phục, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (gọi tắt là Viện Nghiên cứu), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì chuyển giao công nghệ.
Tại buổi ra mắt DA, lãnh đạo địa phương không giấu phấn khởi khi nghe Ban quản lý DA cho rằng, DA là “bệ phóng” phát triển đời sống người dân tỉnh Trà Vinh. Mô hình sản xuất giống Tôm càng xanh toàn đực lớn nhanh và mang hiệu quả kinh tế.
Năm 2010, Trung tâm Ứng dụng đã tiếp nhận công nghệ sản xuất giống Tôm càng xanh toàn đực do Viện Nghiên cứu chuyển giao. Năm 2013, trung tâm tiếp nhận công nghệ vi phẫu chuyển đổi giới tính tôm càng xanh tạo nguồn do Viện Nghiên cứu chuyển giao để khép kín quy trình, làm chủ công nghệ, chủ động sản xuất được con giống tôm càng xanh toàn đực, phục vụ kịp thời về nhu cầu cấp thiết của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
DA được thực hiện, ai cũng mừng thầm. Không bao lâu, người dân tỉnh Trà Vinh tiếp nhận một ứng dụng KH để đổi đời. Đến khi kết thúc DA, nhiều vấn đề không bình thường.
Trong 3 năm thực hiện, DA 4 lần thay đổi giám đốc Trung tâm Ứng dụng, 5 lần thay đổi kế toán do thuyên chuyển công tác. Do đó, Ban chỉ đạo cũng như thành viên của Ban quản lý DA cũng nhiều lần thay đổi theo. Đặc biệt, ông Diệp Văn Sơn, giám đốc Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh tỏ ra hết sức nhiệt tình.
Ngày 30-9-2013, ông Diệp Văn Sơn với tư cách là giám đốc sở ký hợp đồng với Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi, Bộ KH&CN để thực hiện DA trên. Sau đó, ông Sơn lại giao cho Trung tâm Ứng dụng, đơn vị mình trực thuộc để thực hiện DA. Và khi nghiệm thu DA, ông Sơn lại chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh.
“Theo tôi, ông Sơn không tham gia nghiệm thu DA là hợp lý. Bởi ông Sơn chỉ đạo, giám sát DA nhưng lại nghiệm thu là không khách quan. Đúng ra, Hội đồng mời một cá nhân độc lập để nghiệm thu DA thì hợp lý”, một nhà khoa học nhận định.
BÁO CÁO KẾT QUẢ “KHỐNG”
Do ông Sơn “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên báo cáo kết quả DA thu kết quả ngoài... mong đợi. Để tất toán số tiền 4 tỷ đồng, báo cáo tổng kết kết quả “màu hồng” để được nghiệm thu lấn cuối.
Theo đó, DA tập huấn, đào tạo 12 kỹ thuật viên cơ sở về công nghệ vi phẫu tại Trung tâm thực nghiệm Thủ Đức thuộc Viện Nghiên cứu. Số lượng tôm vi phẫu trong 13 đợt là 31.300 con, số lượng tôm còn sống sau 24 giờ vi phẫu là 28.502 con, đạt tỷ lệ sống sau 24 giờ vi phẫu là 95,17%.
Những tôm đã chuyển thành tôm cái giả được thả vào giai lưới đặt trong ao để nuôi vỗ tích cực thành tôm mẹ phục vụ sản xuất giống tôm toàn đực. Dự án phối hợp với các phòng Nông nghiệp huyện, cung cấp con giống cho các hộ dân để huyện xây dựng mô hình nuôi.
Tổng số có 14 mô hình phân bổ ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú và Duyên Hải với số lượng tôm giống thả nuôi là 260.000 con. Trên tổng diện tích là 3.960m2. Trong một vụ nuôi, sau khi trừ các khoảng chi phí, lợi nhuận của 14 mô hình hơn 332 triệu đồng/năm. DA đã ứng dụng công nghệ sản xuất 5.000 con tôm cái giả và 3 triệu con tôm giống toàn đực để nhân rộng mô hình sản xuất đối tượng nuôi mới.
Theo ông S., nhân viên trung tâm, đàn tôm bố mẹ được tạo ra từ kết quả triển khai DA là 5.000 con giả cái tôm càng xanh chết nhiều. Số còn sống chỉ hơn 100 con. “Phát hiện tôm bố mẹ chết, tui có gọi điện thoại báo cho cho lãnh đạo trung tâm biết. bản thân tôi có làm báo cáo tuần gởi về trung tâm. Tôm bố mẹ chết, tôm vi phẫu cũng chết”, S. khẳng định.
Các kỹ thuật viên tham gia lớp đào tạo nhưng bị cắt quyền lợi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 12 kỹ thuật viên được đào tạo, 5 người được ghi tên khống vào danh sách đào tạo để hợp thức hóa nghiệm thu DA. Kỹ thuật viên Q. thừa nhận: “Em không có tham gia khóa học nhưng được ghi tên vô. Ban giám đốc sở nói ghi đại để làm thủ tục. Về kỹ thuật vi phẫu, em không biết do không tham gia học”.
Một kỹ thuật viên bất bình trước danh sách đào tạo có tên mình nhưng đành câm nín sợ ảnh hưởng công việc. Thật bất ngờ ngày 20-4-2015, Viện Nghiên cứu đã khen thưởng, khích lệ 12 học viên với số tiền hơn 10 triệu đồng bằng cách chuyển vào tài khoản cá nhân.
Theo điều tra của chúng tôi, sau đó các kỹ thuật viên trên rút đúng số tiền trên nộp lại cho Chủ nhiệm DA với số tiền hơn 120 triệu đồng. Khi mới thực hiện DA, nhiều cán bộ được mời tham gia không khỏi bất bình. Lãnh đạo trung tâm đưa ra nguyên tắc, nhân viên đồng ý nhận chức danh kỹ sư chỉ đạo và kỹ thuật viên thì chỉ nhận 30% số tiền thực lãnh.
Năm 2015, kỹ sư và kỹ thuật viên tham gia DA bị trích lại số tiền được hưởng gần 70 triệu đồng. Trước động thái khó hiểu của Chủ nhiêm DA, học viên không giấu bất bình. Một kỹ thuật viên đề nghị: “Người không được đào tạo lại được ghi tên vào. Người được đào tạo lại bị cắt tiền khen thưởng dù danh sách công khai. Tụi em học 30 ngày tại Thủ Đức, TP.HCM tham gia lớp tập huấn. Theo quy định tụi em phải được hỗ trợ số tiền từ kinh phí DA. Đằng này, tất cả đều do chủ nhiệm DA quyết định”.
Lần theo danh sách 14 hộ nuôi tôm thương phẩm thí điểm từ DA, chúng tôi ghi nhận nhiều bất ngờ. Báo cáo kết quả DA, 14 hộ nuôi tôm mô hình có lợi nhuận hơn 332 triệu đồng. Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm gặp những hộ dân trên.
Theo thống kê, 14 hộ có 2 hộ không đạt kết quả do tôm chết; 12 hộ còn lại, tôm nuôi thu được nhiều lợi nhuận. Tiếp xúc với chúng tôi, ông N. lắc đầu ngao ngán: “Chính quyền địa phương đến vận động, tôi mới đồng ý. Cán bộ khoa học (tức Ban quản lý DA-PV) đến nhà hướng dẫn đưa mấy cuốn sách rồi thôi. Tôi không nhớ ngày xuống giống. Họ kêu tôi ký vào biên bản, tôi ký.
Ít lâu sau, họ đến nhà kêu tôi ký vào biên bản thu hoạch có lợi nhuận. Lúc đó, tôi không chịu. Nhưng cán bộ nài nỉ ký để làm thủ tục hồ sơ quyết toán. Thực ra, nuôi không hiệu quả”. Tương tự, hộ ông T. thừa nhận, thời gian thử nghiệm mô hình xong không có cán bộ nào tìm đến nhà. Hồ nuôi tôm bỏ dỡ. Nghe hỏi kỹ thuật nuôi cũng như lợi nhuận khi nuôi thử nghiệm.
Ông T. khẳng định, mô hình không có lợi nhuận. “Cán bộ đến đây nói nuôi thử nghiệm, tôi giúp. Thực ra, tôi không biết lời lỗ thế nào. Theo báo cáo, tôi ký vào biên bản thu hoạch để giúp cán bộ quyết toán”. Tiếp xúc với các hộ dân còn lại, họ đều khẳng định, thử nghiệm nuôi tôm thương phẩm không thu lợi nhuận. Và nhiều điều bất hợp lý trong lúc triển khai DA đã được “ém nhẹm”. Để rồi, DA với số tiền đầu tư ngân sách 4 tỷ đồng lại không hiệu quả.
(Còn tiếp)