Sự thực về việc kêu cứu của tiểu thương chợ Bảo Lâm

Thứ Ba, 17/01/2017 09:13  | Ngọc Hà

|

(CAO) Những ngày qua, đường dây nóng báo Công an TP.HCM nhận được nhiều cuộc gọi từ một số tiểu thương chợ Bảo Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) phản ánh về việc, họ bị Ban quản lý chợ o ép, phá dỡ lều quán, không cho bán hàng dù ngày Tết cận kề.

Cùng với đó là lá đơn kêu cứu do đại diện một số tiểu thương viết và cùng ký tên gửi đến tòa soạn báo. Thực hư sự việc ra sao?

Các tiểu thương bức xúc

Ngày 12-1-2017, PV báo CATP.HCM đã có mặt tại chợ Bảo Lâm, tiếp xúc với các tiểu thương và làm việc với Ban quản lý chợ (BQL), chính quyền địa phương để có được những thông tin đa chiều.

Vừa gặp phóng viên, một số tiểu thương (xin được giấu tên) khóc, trình bày, họ là những người bán hàng rong tại hành lang và xung quanh chợ mới Bảo Lâm với thu nhâp bình quân 2-3 triệu đồng/tháng; nếu ế ẩm thậm thì chỉ đủ cho gia đình rau cháo qua ngày. Họ đã buôn bán tại chợ này từ vài ba năm nay, có người bán đến hàng chục năm, từ khi chợ Bảo Lâm chưa xây mới (năm 2006).

Vào 3 ngày liên tiếp: 9,10,11-1-2017, BQL chợ Bảo Lâm thuộc Công ty TNHH Liên Phước (viết tắt: Cty Liên Phước, trụ sở tại TP.Bảo Lộc) thuê hàng chục thanh niên, đổ bộ trên 2-3 chiếc taxi từ TP.Bảo Lộc (cách đó 15km) đến nạt nộ, túm áo đánh các tiểu thương, đẩy đuổi, không cho họ tiếp tục bán hàng. Đỉnh điểm là ngày 11-1 vừa qua, nhóm thanh niên khoảng 50 người do BQL chợ thuê bất ngờ ập đến, tiếp tục đuổi đánh bà con, đập phá tài sản, không cho họ bán hàng.

Một trong số lều, quán tạm của tiểu thương bị cưỡng chế

Một số tiểu thương có sạp, lều tạm bị nhóm người này dùng xà beng, mã tấu phá lều quán, ném tài sản của họ không thương tiếc, mặc dù các tiểu thương đã khóc lóc, xin để họ tự tháo dỡ, nhưng không được chấp thuận. Một tiểu thương tên T. đấm ngực khóc không thành tiếng: “Tôi ức quá, tài sản của tôi bị phá, hư hỏng trị giá khoảng 20 triệu đồng”. Tiểu thương này đưa ra nhiều hình ảnh, clip liên quan đến việc bị BQL chợ cho người cưỡng chế việc bán hàng của họ.

Các tiểu thương kể thêm, họ đã nhiều lần xin BQL chợ, thậm chí trước đó mấy ngày, họ đến UBND huyện, nhưng không gặp được lãnh đạo mà gặp nhân viên văn phòng ở đây, trình bày xin được cho họ bán đến chiều 30 tết, họ sẽ tự nguyện tháo dỡ quầy sạp, dù, trả lại mặt bằng cho Cty Liên Phước.

Thế nhưng, cán bộ văn phòng ở đây nói họ không có quyền. “Chúng tôi ấm ức là vì chỉ còn 2 tuần nữa là tết. Cả năm buôn bán chỉ trông chờ vào dịp tết, họ nỡ lòng nào cưỡng chế của chúng tôi như vậy. Nếu đây là chủ trương của nhà nước, chúng tôi chấp hành, còn đằng này, chúng tôi nghĩ, Cty Liên Phước sau khi đuổi chúng tôi đi, sẽ xây dựng quán, sạp, bán lại cho những người khác lấy được nhiều tiền. Trước đó chúng tôi đã đặt mua nhiều hàng hóa, đồ đạc dự trữ để bán tết.

Ban quản lý chợ Bến Thành đồng ý tiếp thu nhiều góp ý của tiểu thương
 

Nay sự việc xảy ra, hàng hóa không bán được, chúng tôi rơi vào cảnh nợ nần, cuộc sống bế tắc vì đây là công việc mưu sinh, nuôi sống gia đình chúng tôi nhiều năm qua. Tâm nguyện của chúng tôi là được BQL chợ cho trải bạt, che dù tạm bán đến chiều 30 tết. Hoặc nếu không, xin bồi thường lại cho chúng tôi giá trị tài sản bị đập phá, hư hỏng…. Chúng tôi mong muốn các ban ngành can thiệp làm sáng tỏ sự việc, tạo điều kiện cho bà con có cuộc sống ổn định”, họ cho biết.

Một số tiểu thương cung cấp cho PV phiếu thu phí chợ, theo đó, mỗi tiểu thương buôn bán các mặt hàng từ trái cây, quần áo, đồ chơi… mỗi ngày phải đóng cho BQL chợ từ 10.000 đồng đến 45.000 đồng/ngày. Có những hộ sang lại lều, quán của người khác giá đến vài triệu đồng.

Những người có trách nhiệm nói gì?

Chiều cùng ngày, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Lục – Trưởng BQL chợ Bảo Lâm. Thật bất ngờ, ông Lục đưa ra rất nhiều văn bản, công văn, thể hiện chủ trương buộc giải tỏa các lều, quán tạm của các tiểu thương này từ cấp UBND tỉnh, đến cấp huyện, thị trấn, kéo dài từ… tháng 4-2012.

Theo các cấp chính quyền địa phương, việc Cty Liên Phước và BQL chợ để cho các tiểu thương tự ý làm lều quán tạm, lấn chiếm không gian lối đi, hành lang chợ, là sai quy hoạch, làm mất trật tự mỹ quan đô thị, ảnh hưởng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), vệ sinh môi trường… Do Cty Liên phước và BQL chợ Bảo Lâm để kéo dài, không xử lý dứt điểm nên UBND huyện liên tục ra các công văn, chỉ đạo, giao UBND thị trấn Lộc Thắng, Phòng Kinh tế - hạ tầng, Cty Liên Phước thực hiện, gia hạn đến 4 lần, hạn cuối cùng là ngày 30-12-2016 phải thực hiện.

Nội dung công văn gần nhất, ngày 5-12-2016, do chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm ký, giao Tổ dân phố 8, Cty Liên Phước thông báo cho các hộ dân có công trình vi phạm tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng, cảnh quan cho khu chợ. Nội dung công văn yêu cầu, các ban ngành đoàn thể tuyên truyền, giải thích cho các hộ có công trình vi phạm, hiểu về chính sách pháp luật liên quan để tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Ông Lục cho biết: “Chúng tôi vận động các hộ tiểu thương tự nguyện dỡ bỏ các quầy, sạp lấn chiếm, trả lại mặt bằng thông thoáng cho khu chợ, với nhiều hình thức, như: gửi văn bản thông báo đến từng hộ, phát loa tuyên truyền, vận động, nhưng trong số gần 50 hộ, có hơn 10 hộ chống đối, không chấp hành. Suốt 5 năm qua đã nhiều lần lập biên bản, tổ chức gặp gỡ các tiểu thương, yêu cầu họ cam kết tự tháo dỡ, nhưng sự việc không được giải quyết dứt điểm dẫn đến việc cưỡng chế diễn ra ngày 11-1-2017 vừa qua. Tôi khẳng định, có nhiều hộ rất ngoan cố, quá khích, không tự tháo dỡ công trình sai phạm dù có vận động, giải thích thế nào đi nữa. Chúng tôi vì tình cảm đã để thời gian kéo dài. Dịp Tết, mọi công tác về PCCC, mỹ quan bộ mặt chợ cần đảm bảo nên BQL chợ và Cty Liên Phước đã cử người đến cưỡng chế chứ không có chuyện thuê giang hồ đến vô cớ đập phá tài sản, hành hung bà con như tố cáo”.

Trước đó, một số cán bộ BQL chợ vì muốn tạo điều kiện cho bà con mưu sinh nên đã làm ngơ để bà con tự dựng lều quán tạm, dựng dù kinh doanh là sai. Sau khi tiến hành giải tỏa, tháo dỡ các công trình vi phạm, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng siết chặt công tác quản lý kinh doanh, buôn bán; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại chợ Bảo Lâm. Bên cạnh đó, BQL chợ sẽ chấn chỉnh, sắp xếp lại vị trí để các tiểu thương kinh doanh buôn bán một cách phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. “Nếu có chuyện xây dựng các quầy hàng quanh khu chợ để tạo điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh, chúng tôi cam kết sẽ ưu tiên cho các tiểu thương vừa giải tỏa, chấp hành tốt các quy định pháp luật” - ông Nguyễn Xuân Lục cho biết thêm.

Được biết, chỉ riêng năm 2016, Cty Liên Phước đã bị các cơ quan chức năng: Phòng Cảnh sát PCCC công an tỉnh, Cảnh sát môi trường, công ty đô thị… phạt trên 500 triệu đồng về các hành vi: không đảm bảo công tác PCCC, vi phạm vệ sinh môi trường – thực phẩm, mỹ quan đô thị. Đáng kể, tại biên bản họp các hộ dựng lều quán tạm tại chợ Bảo Lâm của BQL chợ vào ngày 10-6-2016, có 13 hộ tham gia, thống nhất chủ trương tự tháo dỡ, trong thời hạn từ ngày 11-6 đến ngày 30-6-2016.

Đến ngày 11-6, thêm 7 tiểu thương khác tham gia ký kết vào biên bản, đều chấp thuận sẽ tự nguyện tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế và không được quyền khiếu nại đến các cơ quan pháp luật. Trong số này, có tên hầu hết các tiểu thương đã điện thoại, ký đơn kêu cứu đến báo CATP.

Làm việc với đại diện UBND huyện Bảo Lâm, chúng tôi được cung cấp nhiều văn bản, tài liệu thể hiện việc xóa bỏ tình trạng buôn bán tạm tại hành lang, quanh khuôn viên chợ Bảo Lâm là chủ trương của các cấp chính quyền địa phương, đã được thông báo, vận động đến các tiểu thương nhiều lần.

Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương giao phó hoàn toàn việc này cho Cty Liên Phước, BQL chợ với những cách làm chưa thấu tình, đạt lý đã dẫn đến những hiểu lầm, phản ứng của bà con. Mong rằng đây là việc địa phương cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để nhận được sự đồng tình, hiệu quả hơn nữa. Đâc biệt, khi tết Đinh Dậu đã cận kề, đây là dịp buôn bán tốt nhất đối với tiểu thương, mong các đơn vị chức năng cần linh hoạt giải quyết vấn đề một cách hợp tình hợp lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang