(CAO) Sau khi báo CATP lên tiếng phản ánh vụ hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) kêu cứu vì phải ký hợp đồng (HĐ) gấp gáp với nhiều điều khoản bất lợi, không rõ ràng, Ban quản lý (BQL) chợ đã chịu tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của các tiểu thương.
Sáng nay (31-12), các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Bến Thành vui mừng nhận được công văn số 64/BQL do ông Cao Trung Tín - Phó trưởng BQL chợ Bến Thành ký cho biết đã bổ sung, chỉnh sửa dự thảo HĐ sử dụng sạp Bến Thành theo những góp ý của tiểu thương.
Tiểu thương chợ Bến Thành phấn khởi vì được BQL chợ chịu lắng nghe ý kiến
BQL chợ Bến Thành cho biết tính đến 18 giờ ngày 29-12-2016, BQL chợ Bến Thành đã nhận được 515 phiếu góp ý kiến của tiểu thương về dự thảo HĐ sử dụng sạp – chợ Bến Thành. Sau khi tổng hợp các ý kiến, BQL chợ đồng ý bỏ việc giới hạn TAND cấp quận, huyện là nơi giải quyết sau cùng các tranh chấp. Thay vào đó, tiểu thương có quyền khởi kiện đến TAND các cấp theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều từ ngữ trong các điều khoản của HĐ cũng được BQL chỉnh sửa theo góp ý của của các hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, nhìn vào bản dự thảo HĐ mới được chỉnh sửa, chị N.T.B – một tiểu thương đang kinh doanh cho rằng vẫn còn một số điều khoản “đá nhau” và chưa rõ ràng. Cụ thể, điểm c, khoản 2, Điều 4 của hợp đồng quy định về quyền của bên A (BQL chợ Bến Thành – P.V) ghi “được quyền đơn phương chấm dứt HĐ theo quy định tại Điều 6 của hợp đồng này”.
Trong khi đó, Điều 6 có hai khoản “chấm dứt hợp đồng” và “đơn phương chấm dứt hợp đồng”. “Nếu chặt chẽ thì điểm này phải ghi rõ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo “khoản 2, điều 6” của hợp đồng chứ không thể ghi một cách chung chung bao trùm luôn cả điều 6 như vậy được”, chị B nói.
Văn bản tiếp thu ý kiến của BQL chợ Bến Thành
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Hồ Minh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng điểm c, khoản 2, Điều 4 trong HĐ này có thể bị hiểu là “bao trùm” luôn cả việc BQL chợ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với các tiểu thương khi hết thời hạn 5 năm hoặc khi Nhà nước có chủ trương, quy hoạch phát triển mới được quy định trong khoản 1 của điều 6 trong hợp đồng. Điều này trái với tinh thần tiểu thương được quyền ưu tiên tái ký lại khi HĐ hết hạn. Do đó, để tránh những rủi ro không đáng có thì nên chỉnh sửa lại cho chặt chẽ, tránh bị hiểu sai lệch.
Ngoài ra, luật sư Thanh cũng cho rằng do trong HĐ này quy định tiểu thương được quyền ưu tiên tái ký lại HĐ khi hết hạn nhưng tại điểm đ, khoản 1 của Điều 4 ghi rất chung chung “tùy theo nhu cầu thực tế hai bên có thể thỏa thuận tái ký HĐ” là chưa chặt chẽ. Bỡi lẽ nếu BQL chợ không có nhu cầu cho thuê nữa thì tiểu thương mất quyền lợi hay sao?! Do đó, điều này phải chỉnh sửa thành “nếu bên B (tiểu thương-P.V) tiếp tục có nhu cầu thì hai bên có thể thỏa thuận tái ký HĐ”.
Trước đó trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Thiện – Trưởng BQL chợ Bến Thành cho biết việc triển khai ký HĐ mới là nhằm xác định tính pháp lý tại quầy sạp và bảo vệ quyền lợi cho các tiểu thương. Do đó, nếu tiểu thương nào thấy các điều khoản trong HĐ chưa phù hợp thì có thể gửi kiến nghị, đề xuất đến BQL chợ để chỉnh sửa cho phù hợp.