(CAO) Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Nam Đàn (Nghệ An), dù được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng thế nhưng đến nay công trình đang bị bỏ hoang.
(CAO) Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai có 11 cụm
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với diện tích gần 300 ha. Tuy nhiên, phần lớn đều trong tình trạng “khát” nhà đầu tư, nhiều nơi chưa có nổi một bóng doanh nghiệp.
Với mục đích xây dựng Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề quy mô hiện đại, nhằm đảm bảo nhu cầu dạy nghề cho lao động trên địa bàn huyện Nam Đàn (Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở đào tạo Trung tâm dạy nghề vào ngày 17-8-2011.
Trung tâm dạy nghề xây dựng xong nhưng bỏ hoang
Theo đó, công trình có tổng diện tích 338.490 m2, gồm 2 tầng với 18 phòng học tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Chủ đầu tư là UBND huyện Nam Đàn. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 14,3 tỷ đồng, với diện tích xây dựng 5.761,6 m2, với nhiều hạng mục như phòng học, nhà xe, nhà hiệu vụ…
Ngày 22-6-2012, UBND huyện Nam Đàn đã ra quyết định khởi công xây dựng. Mới thực hiện dự án, công trình được triển khai rầm rồ, tuy nhiên, sau 10 tháng triển khai, dự án hoàn thành giai đoạn 1 với những hạng mục cơ bản thì bỗng nhiên dừng lại. Gần 4 năm sau, khi công trình bắt đầu được xây dựng trở lại, để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục thì một số hạng mục công trình xây dựng trước đó đã có dấu hiệu bị xuống cấp.
Phía trong sân là cỏ dại mọc, đất đá đổ hỗn độn khắp nơi
Theo quan sát của PV, nhìn từ phía ngoài cổng vào, trung tâm dạy nghề rất hoành tráng, với dãy nhà hai tầng khang trang. Ngoài ba bức tường bao quanh khuôn viên trường đã hoàn thiện, còn một bức tường gần mương nước bên cạnh trường chưa được xây dựng, nên ai cũng có thể vào trong.
Hiện nay, dãy nhà hai tầng, cổng trường, nhà bảo vệ, nhà xe giáo viên đã được xây xong; còn sân trường cỏ dại mọc um tùm. Bước vào khu nhà 18 phòng 2 tầng đã xuất hiện những vết nứt, gạch lát nền nhà nhiều nơi đã bong tróc, vỡ vụn. Các phòng học chưa có trang thiết bị nên đóng cửa im lìm.
Ở dãy nhà hai tầng nhiều viên gạch lát nền bị vỡ, phải trát lại bằng xi măng
Trái ngược với đó là Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Nam Đàn cũ. Hàng ngày, giáo viên và học sinh đang phải dạy và học trong các phòng học chật chội đã xuống cấp do được xây dựng từ nhiều năm trước, khiến nhiều người xót xa khi bỏ cả số tiền lớn để đầu tư cơ sở mới nhưng chưa thể sử dụng hiệu quả.
Một người dân sống gần trung tâm dạy nghề mới cho hay: “Lúc mới đi vào xây dựng, công trình thi công rầm rộ, liên tục. Người dân xung quanh ai cũng vui mừng vì sẽ có một nơi đào tạo nghề mới, khang trang cho con em địa phương theo học. Thế nhưng sau đó một thời gian thì việc thi công dừng lại và nghỉ hẳn. Cho đến nay, công trình này vẫn chưa thể chưa vào sử dụng được”.
Ông Đậu Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Đàn cho biết: “Công trình này đã được bàn giao cho Trung tâm từ tháng 4-2016 theo đề án sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện. Tuy nhiên, đến nay chưa thể đưa vào sử dụng vì nhiều hạng mục còn chưa hoàn thành nên không đảm bảo đủ điều kiện để dạy và học”.
Thiết nghĩ, một công trình được đầu tư hàng chục tỷ đồng, thế nhưng đến nay lại chưa thể đưa vào sử dụng dù đã được xây dựng từ lâu, gây sự lãng phí lớn về ngân sách của nhà nước, cũng như khiến công trình bi hư hại xuống cấp. Trong khi đó ở trường dạy nghề cũ hàng ngày học sinh và giáo viên vẫn phải dạy và học ở nơi chật chội. Vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành để công trình sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng, tránh sự lãng phí cũng như xuống cấp của một công trình trị giá hàng chục tỷ đồng.