(CAO) Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai có 11 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với diện tích gần 300 ha. Tuy nhiên, phần lớn đều trong tình trạng “khát” nhà đầu tư, nhiều nơi chưa có nổi một bóng doanh nghiệp.
Khi thành lập 11 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) đã chiếm đi một diện tích không hề nhỏ trong quỹ đất của địa phương, nhưng đến nay nhìn lại những con số mà phải giật mình.
Hiện đã có 7 cụm CN –TTCN tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng với quỹ đất hơn 133 ha, chiếm gần 45% diện tích. Số diện tích đất chưa đền bù chiếm hơn 55%. Diện tích đất đã được cho thuê và sử dụng đúng mục đích là 21,8 ha chỉ chiếm có 7,3 tổng diện tích. Còn lại 4 cụm CN – TTCN chưa tiến hành đền bù.
Cụm CN huyện Ia Grai cỏ dại mọc um tùm, rất khó biết đây là cụm CN vì không có biển
Khả quan nhất là cụm CN Diên Phú (TP Pleiku) có diện tích 40ha, hiện đã có 8 doanh nghiệp thuê đất; cụm CN Đắk Djrăng (huyện Mang Yang, 15ha) có 2 doanh nghiệp đăng ký; cụm CN huyện Chư Sê (51ha) hiện 1 doanh nghiệp thuê, 1 doanh nghiệp khác đang làm thủ tục đầu tư. Phần lớn còn lại các cụm CN – TTCN ở huyện Ia Grai, Chư Prông, Phú Thiện, Đăk Pơ…đều nằm trong tình trạng hoang vắng.
Lúc nghe có dự án cụm CN – TTCN được thành lập tại địa phương, người dân rất hồ hởi chờ đón. Những bậc làm cha, làm mẹ lâu nay chỉ biết đến cây cà phê, cây lúa, giờ họ mường tượng ra cuộc sống tốt đẹp hơn khi con em đi học về sẽ có công ăn việc làm ngay trên quê hương mình.
Nhưng chờ, chờ mãi, đất thu hồi đền bù vẫn nằm đó, còn xí nghiệp, nhà máy chẳng thấy đâu. Các hộ dân có đất trong quy hoạch trở về với thực tại là phải tiếp tục canh tác trên đất của mình để duy trì cuộc sống.
Một bên người dân vẫn trồng cây cà phê, một bên đất bỏ hoang
Chị Trần Thị Cẩm Thơ (Trú tại thôn 3, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho biết, gia đình chị có gần 0,7ha đất trồng cà phê nằm trong quy hoạch cụm CN của huyện, trước đây nghe nói sẽ giải phóng đền bù, nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Mới lúc đầu, bố mẹ chị nghe nói sẽ thu hồi đất, nên đã không dám đầu tư nhiều vào cây cà phê ở khu đất bị thu hồi. Mãi đến sau, chẳng thấy đền bù nên gia đình tiếp tục canh tác bình thường".
"Gia đình chị sẵn sàng nhường đất cho dự án nếu được đền bù. Còn hiện tại chưa thấy động tĩnh gì, phải lo canh tác bình thường để kiếm thêm thu nhập. Mới đây nhất, gia đình chị đã trồng thêm 300 cây cà phê trong đất quy hoạch, khi nào thu hồi đất thì tính tiếp, chị Thơ cho biết thêm.
Cụm CN huyện Mang Yang người dân tận dụng trồng hoa màu trong đất quy hoạch
Nguyễn Thị Cúc (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) chia sẻ: "Ở quê không có nhiều đất canh tác, thấy ở đây đất rộng lại bỏ hoang nên gia đình chị và người quen rủ nhau lên đây cải tạo đất để trồng hoa màu. Canh tác hơn 3 năm chị Cúc mới biết đây là đất quy hoạch dự án, nhưng cũng chẳng thấy ai nói gì nên chị lại tiếp tục gieo trồng trên mảnh đất này cho đến nay".
Theo Sở Công thương Gia Lai, các hạng mục hạ tầng trong cụm CN đầu tư trong nhiều năm chưa hoàn thiện đồng bộ, mặc dù đã được quy hoạch chi tiết nhưng chưa triển khai. Dẫn đến số lượng dự án đầu tư vào các cụm CN -TTCN là không nhiều. Nguyên nhân chính vẫn là do hạn chế về vốn.
Sở Công thương đã làm báo cáo kiến nghị UBND tỉnh xem xét cân đối nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn ngân sách của Trung ương tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong cụm CN - TTCN để đáp ứng nhu cầu về đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời, di dời các dự án đầu tư gây ô nhiễm, các dự án không đúng quy hoạch góp phần tăng hiệu quả hoạt động của các cụm CN - TTCN.