Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức, kinh tế-xã hội trong nước của 6 tháng đầu năm ghi nhận những kết quả tích cực và tạo nên điểm sáng ấn tượng trong khu vực.
Theo số liệu vừa được Cục Thống kê công bố ngày 5/7, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, xác lập mức tăng trưởng cao nhất của nửa đầu năm trong suốt giai đoạn 15 năm, từ 2011 đến 2025.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, xác lập mức tăng trưởng cao nhất của nửa đầu năm trong suốt giai đoạn 2011-2025.
Tình hình quốc tế trong nửa đầu năm được đánh giá là tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Các yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu, tạo ra những thách thức không nhỏ cho mọi nền kinh tế, bao gồm cả Việt Nam.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết trong nửa đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và dự đoán, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ cũng như phản ứng của các nước. Bên cạnh đó, những bất ổn về địa chính trị và xung đột quân sự lan rộng ở nhiều quốc gia gia tăng. Trong khi, căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, bà Hương nhấn mạnh thêm các thách thức khác đang ngày càng gia tăng, đó là thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng. Thách thức đối với đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng. Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao so với mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương, khiến điều kiện thị trường tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm.
Thực tế này đã được phản ánh qua hàng loạt dự báo từ các tổ chức quốc tế uy tín. Nhiều tổ chức đã phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 so với các nhận định trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực đều chậm lại. Cụ thể, Philiphines đạt 5,3% (giảm 0,4 điểm phần trăm), Indonesia đạt 4,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 1,8% (giảm 0,7 điểm phần trăm). Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2024. Trong khi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra những dự báo tương tự: Philiphines đạt 5,5% (giảm 0,2 điểm phần trăm), Indonesia đạt 4,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 1,8% (giảm 0,7 điểm phần trăm), Malaysia đạt 4,1% (giảm 1 điểm phần trăm) và Việt Nam được dự báo đạt 5,4%, thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với năm ngoái. Tương tự, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng điều chỉnh giảm dự báo cho Việt Nam xuống còn 6,2% (thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với năm 2024), cùng với Philiphines là 5,6% và Thái Lan là 2,0%.
Trong bức tranh chung đó, kết quả tăng trưởng 7,52% của Việt Nam là một điểm sáng đồng thời cho thấy khả năng chống chịu bền bỉ của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, góp phần quan trọng vào thành công chung của 6 tháng là sự tăng trưởng vượt bậc của quý 2. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 ước tính tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng kỷ lục 8,56% của quý 2I/2022. Kết quả này là một con số hết sức ấn tượng nếu so sánh với các năm khác trong giai đoạn 2020-2025 (năm 2020: 0,34%; 2021: 6,55%; 2023: 4,34%; 2024: 7,25%).
Nhìn sâu vào động lực tăng trưởng 6 tháng đầu năm, con số tăng trưởng 7,52% là mức cao nhất trong chuỗi dữ liệu 15 năm (2011-2025), vượt qua cả những năm tăng trưởng tốt trước đại dịch như năm 2018 (7,43%) và 2019 (7,12%). Phân tích về đóng góp của các khu vực vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, có thể thấy sự tăng trưởng đồng đều và vững chắc. Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt với mức tăng 8,14%, đóng góp lớn nhất với 52,21%. Khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ đỡ vững chắc khi tăng 8,33%, đóng góp 42,2%. Khu vực nông-lâm nghiệp-thủy sản duy trì sự ổn định với mức tăng 3,84%, đóng góp 5,59% và là bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế.
Về sử dụng GDP, các yếu tố tổng cầu đều tăng trưởng mạnh mẽ. Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ, đóng góp tới 84,2% vào tốc độ tăng chung, điều này cho thấy động lực từ thị trường nội địa là rất lớn. Theo đó, tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%, thể hiện niềm tin đầu tư của doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại cũng rất sôi động với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17% và nhập khẩu tăng 16,01%.
Lý giải cho sự tăng trưởng ấn tượng này, bà Hương nhận định, yếu tố then chốt đến từ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
“Trong nước, với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, trong một thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn,” bà Hương nói.
Những nỗ lực này được thể hiện qua hàng loạt các hành động cụ thể và mang tính đột phá. Cụ thể là triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy Chính phủ. Sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền. Quyết liệt triển khai các Nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân.
“Cùng với việc theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra. Kết quả là kinh tế-xã hội quý 2 và sáu tháng đầu năm 2025 của nước ta đạt được kết quả rất tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra,” bà Hương cho biết.