Việt - Mỹ đạt thỏa thuận ban đầu về thuế quan

Thứ Sáu, 04/07/2025 06:52

|

(CATP) Việc Việt Nam đạt thỏa thuận thuế quan thương mại với Mỹ được dư luận quốc tế đánh giá cao, vì Việt Nam là đối tác thứ 3 sau Vương quốc Anh và Trung Quốc đạt thỏa thuận này. Việt Nam phải trả mức thuế 20% cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế 40% cho hàng hóa được vận chuyển (transshipping) qua Việt Nam từ các quốc gia khác, trong khi hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam với thuế suất 0%.

Cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam

Theo TTXVN, lúc 20 giờ ngày 02/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ - Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc 2 đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết giành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ, trong đó có ôtô phân khối lớn. Ông khẳng định, Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên. Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.

Ngành da giày Việt Nam sẽ "dễ thở" hơn với thuế suất xuất khẩu vào Mỹ 20%, nhưng vẫn chưa phải là thuế suất hợp lý Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump cũng đã trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tới. Hai nhà lãnh đạo thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại lời mời Tổng thống Donald Trump và phu nhân thăm Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn sớm gặp lại Tổng thống Trump trong thời gian tới. Tổng thống Trump trân trọng cảm ơn lời mời của Tổng Bí thư và bày tỏ mong muốn sớm được gặp lại Tổng Bí thư.

Ngay sau đó, theo thông tin từ website của Chính phủ, lúc 10 giờ 25 sáng 02/7 (giờ địa phương của Mỹ), Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng, ông vừa có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam: "Tôi vô cùng vinh dự thông báo rằng mình vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau cuộc trao đổi với Tổng Bí thư Tô Lâm".

Trước đó, vào tháng 4/2025, Tổng thống Trump đã công bố loạt mức thuế mới áp dụng với nhiều đối tác thương mại, nhưng đã tạm hoãn thực thi đối với nhiều nước trong vòng 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho đàm phán với các đối tác, mức thời gian tạm hoãn đến ngày 09/7.

Chính quyền Tổng thống Trump đặt mục tiêu đạt được 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, tuy nhiên ông Trump cũng nhấn mạnh rất khó có được thỏa thuận riêng với từng đối tác vì "có hơn 200 nước và chúng ta không thể đối thoại với từng nước trong số đó”.

Việc đạt thỏa thuận thuế quan thương mại với Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao, vì Việt Nam là đối tác thứ 3 sau Vương quốc Anh và Trung Quốc đạt thỏa thuận này.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam "dễ thở" hơn

Dù Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội: "Tôi vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Các chi tiết sẽ được cung cấp sau", nhưng theo POLITICO (một công ty truyền thông chuyên về chính trị và chính sách của Mỹ, có trụ sở tại Arlington, Virginia), Việt Nam sẽ phải trả mức thuế 20% cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế 40% cho hàng hóa được vận chuyển (transshipping) qua Việt Nam từ các quốc gia khác. Đổi lại, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ với mức thuế 0%.

Các chuyên gia đánh giá, với thông tin này, những ngành xuất khẩu chính từ Việt Nam qua Mỹ như: may mặc, thủy sản, đồ gỗ... đã "dễ thở" hơn. Mức thuế 20% vẫn là một gánh nặng, nhưng ít nhất Việt Nam vẫn giữ được quyền tiếp cận thị trường Mỹ và có thời gian xoay xở dành cho các doanh nghiệp. Đây là bước đi được đánh giá là hợp lý trong lúc khó khăn, khi ngày 09/7 cận kề.

Đây mới là thỏa thuận ban đầu, không giống như các thỏa thuận thương mại tự do toàn diện, nó không bao gồm nhiều ngành công nghiệp, với nhiều điều khoản chi tiết hay các hiệp ước. Các chuyên gia thương mại mô tả đây chỉ là thỏa thuận "khung", nêu rõ một số thay đổi cụ thể, như giảm một số mức thuế quan, các vấn đề chi tiết khác sẽ được đàm phán trong thời gian tới.

Fox News đăng tin về thỏa thuận thuế quan thương mại Việt - Mỹ

Điều đó cũng dễ hiểu, ví dụ thỏa thuận mà chính quyền Mỹ công bố với Anh vào tháng 5 đã bãi bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm và nêu chi tiết một số cam kết. Nhưng nó cũng còn rất nhiều điểm chi tiết cần phải được đưa ra sau các vòng đàm phán khác.

Báo New York Times dẫn lời của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam: "Mức thuế quan vẫn còn khá cao so với dự kiến của chúng tôi và nhiều chi tiết quan trọng về quy tắc xuất xứ hàng hóa cho các mức thuế quan khác nhau vẫn chưa rõ ràng".

Trong khi đó, ông Matt Priest (Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ) cho biết, thuế quan đối với Việt Nam sẽ làm tăng giá giày dép với người tiêu dùng Mỹ. "Việt Nam là quốc gia quan trọng đối với chuỗi cung ứng giày dép của Hoa Kỳ, đặc biệt là giày thể thao", ông nói. "Nhiều đôi giày trong số này đã chịu mức thuế 20%, đặc biệt là những mẫu giày thể thao phổ biến. Việc chồng thêm mức thuế mới lên trên mức đó không chỉ là không cần thiết - mà còn là cách làm kinh tế tệ hại. Chính quyền nên nhận ra đã có mức thuế giày, dép cao và tránh gây thêm căng thẳng cho chi tiêu của các gia đình và doanh nghiệp Hoa Kỳ”.

Việc xác định thuế suất 40% cho hàng trung chuyển cũng đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi về xuất xứ hàng hóa. Việt Nam cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng hầu hết hàng xuất khẩu của mình, đặc biệt là liên quan đến các công ty đa quốc gia như Nike, Samsung và Apple, đều tuân thủ các quy tắc quốc tế về xuất xứ, tạo thêm đủ giá trị cho các sản phẩm có linh kiện nước ngoài để được dán nhãn "Made in Vietnam" một cách phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sau khi thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ được thông tin, dù Tổng thống Trump không cung cấp thêm thông tin về nội dung thỏa thuận nhưng kênh CNBC cập nhật những thông tin lạc quan: "Chỉ số S&P 500 tại thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm. Cổ phiếu của Nike - công ty sản xuất khoảng một nửa số giày dép tại Việt Nam và Trung Quốc, đã tăng 3% sau thông báo này". Các công ty khác như: Columbia Sportswear tăng 1,5%, Lululemon tăng 0,7%, VF Corporation - công ty mẹ của The North Face và Vans - tăng 2,4%.

Với việc đạt thỏa thuận tạm thời về thuế quan với Việt Nam - một quốc gia có khoảng 100 triệu dân (gần bằng 1/3 dân số Mỹ), nền kinh tế Mỹ cũng được hưởng lợi với những tín hiệu tích cực, vì với việc áp các mức thuế cao với nhiều quốc gia, Mỹ cũng chịu nhiều tổn thất.

Cùng ngày, thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực sau khi báo cáo mới nhất của công ty xử lý bảng lương ADP cho thấy khu vực tư nhân của nước này đã mất 33.000 việc làm trong tháng 6/2025. Đây là lần sụt giảm trong tháng đầu tiên trong báo cáo việc làm của ADP kể từ tháng 3/2023. Việc thỏa thuận thuế quan với một số quốc gia, các nhà kinh tế Mỹ dự đoán số việc làm ở Mỹ sẽ tăng thêm 100.000 lao động.

Vấn đề còn lại là các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam sẽ hưởng mức thuế với Mỹ là bao nhiêu. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang cạnh tranh với nhiều quốc gia, trong đó trên lĩnh vực may mặc là Bangladesh, Ấn Độ...; nông sản là Thái Lan, các mặt hàng đồ gỗ là Malaysia... Hiện một số quốc gia khác ở Châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia... và cả Liên minh Châu Âu (EU) vẫn đang tiếp cận, tiến hành đàm phán với Mỹ về thuế quan. Mức thuế quan áp dụng cho các quốc gia, vùng lãnh thổ này là bao nhiêu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang