Cánh cửa mới để vươn xa
Trong giai đoạn mới này, cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, chạm đến từng hộ, từng khu phố - không còn là nơi hành chính "giao nhiệm vụ" mà sẽ trở thành "nơi khơi mở cơ hội". Phường, xã chính là nơi người dân dễ gặp gỡ chính quyền nhất, dễ nói lên nhu cầu thật nhất, và cũng là nơi có thể giải quyết những vấn đề nhỏ nhất nhưng ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống hàng ngày: từ đường đi học không an toàn, rác không được thu kịp, đến sân chơi cho trẻ em bị lấn chiếm, hay một người tài giỏi không có cơ hội cống hiến chỉ vì "không thuộc biên chế". Bây giờ, cánh cửa đang mở ra. Không còn chờ đợi cấp trên ra quyết định. Phường, xã có quyền chủ động thử nghiệm mô hình mới. Không còn bị giới hạn bởi hồ sơ dày cộm hay những tiêu chí hình thức. Những người thực sự có năng lực sẽ được mời gọi, được trình bày ý tưởng, được phản biện công khai và nếu hợp lý, sẽ được thực hiện ngay, không cần xin - cho.

Các bạn trẻ say sưa trao đổi về dự án khởi nghiệp
Trong nhiều năm qua, việc thu hút và sử dụng người tài vẫn chủ yếu diễn ra ở cấp Trung ương hoặc cấp thành phố, trong khi phần lớn những con người thực sự có khả năng cống hiến lại đang sống, làm việc và va chạm với thực tiễn ở ngay các địa bàn dân cư nhỏ nhất. Họ có thể là một giáo viên tận tụy trong trường công lập nhỏ, một kỹ sư về hưu vẫn miệt mài sửa chữa điện nước cho khu phố, một sinh viên giỏi vừa về nước lập nghiệp, một cán bộ phường tâm huyết với cộng đồng, hoặc một doanh nhân trẻ có ý tưởng sáng tạo nhưng chưa có chỗ thể hiện. Những con người ấy, nếu không có cơ chế để nhận diện và phát triển, sẽ dần bị chìm trong hệ thống hành chính hình thức, bị đánh giá theo tiêu chí cũ kỹ và bị loại khỏi các cơ hội ảnh hưởng thật sự.
Chính vì vậy, việc mở rộng cho người tài cần được bắt đầu từ tư duy dân chủ thực chất ở cấp phường, xã. Nghĩa là mọi người dân - không phân biệt chức vụ, tuổi tác, hộ khẩu hay bằng cấp - đều có cơ hội được đánh giá công bằng, được lắng nghe ý tưởng và được trao quyền tham gia vào việc cải thiện chất lượng sống của chính khu phố mình đang ở. Một cán bộ khu phố nếu có sáng kiến tổ chức thu gom rác hiệu quả hơn, một nhóm phụ huynh nếu có ý tưởng cải tạo sân chơi trẻ em, một bạn trẻ nếu có mô hình học tập cộng đồng... thì họ không nên phải qua mấy tầng xin phép, mà chỉ cần có một quy trình minh bạch để trình bày, được phản biện, được thử nghiệm, và nếu hiệu quả, được công nhận và mở rộng.
TPHCM cần từng bước xây dựng một hệ thống đánh giá và sử dụng nhân tài từ cấp cơ sở, trong đó quyền đề cử, nhận xét và phản biện không chỉ nằm ở cấp trên, mà bắt nguồn từ cộng đồng địa phương - nơi những người sống cùng nhau hàng ngày hiểu rõ ai là người có năng lực, có trách nhiệm, có ý chí cải tạo thực tiễn. Mỗi phường, xã có thể thành lập nhóm công tác phát hiện và kết nối nhân tài, mời gọi những người có sáng kiến, kinh nghiệm hoặc năng lực chuyên môn tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các dự án thí điểm, hoặc các chương trình cố vấn, phản biện chính sách địa phương. Những cá nhân này không cần phải là công chức, cũng không cần có chức danh, nhưng họ có thể đóng vai trò như những "tư vấn cộng đồng", những người góp ý, dẫn dắt, hoặc hỗ trợ cán bộ phường trong việc hiểu dân hơn, phục vụ dân tốt hơn.
Song song đó, cần xây dựng một cơ chế trao quyền linh hoạt cho phường, xã trong việc sử dụng người tài. Thay vì chỉ làm đúng quy trình cứng nhắc, chính quyền cơ sở cần được phép linh hoạt huy động nhân lực từ ngoài hệ thống - miễn là có năng lực và có cam kết cụ thể - để thực hiện các công việc xã hội, cải tạo môi trường, nâng cao dịch vụ công, hỗ trợ dân sinh. Việc này cần đi cùng với một quỹ hỗ trợ cấp phường - xã, không lớn về ngân sách nhưng đủ để tài trợ cho các sáng kiến nhỏ, các mô hình cộng đồng, hoặc các nhóm hành động do người dân tự tổ chức, miễn là có kế hoạch rõ ràng và được giám sát minh bạch.

Thời kỳ mới, công nghệ được đặt lên hàng đầu
Tạo điều kiện cho người có năng lực
Trên hết, điều quan trọng là phải thay đổi cách đánh giá con người. Người tài không nên bị định nghĩa chỉ qua học hàm, bằng cấp, hay lý lịch hành chính. Họ cần được nhìn qua đóng góp cụ thể, qua khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn, và qua sự tin tưởng của cộng đồng. Khi đó, mọi người dù là cán bộ công chức, người dân địa phương hay chuyên gia độc lập, đều có thể tham gia vào công cuộc phát triển đô thị như những chủ thể bình đẳng, được đánh giá bằng năng lực thật và kết quả thật.
Hãy tưởng tượng một hệ thống chính quyền mà ở đó, bạn không cần "quen biết" mới được lắng nghe. Chỉ cần bạn có ý tưởng tốt, có kế hoạch rõ ràng và có mong muốn đóng góp, bạn sẽ được tiếp cận người có thẩm quyền, trình bày, đối thoại, và được phản hồi trong thời gian ngắn. Không phải sau sáu tháng, mà có thể chỉ trong một tuần; với sự đáng giá của cả người dân, chuyên gia và cán bộ địa phương. Và khi ý tưởng được thông qua, bạn không đơn độc thực hiện. Phường, xã sẽ là đơn vị đồng hành: hỗ trợ kết nối nguồn lực, cung cấp không gian, tạo điều kiện thủ tục và giúp theo dõi kết quả thực tế.

Du khách tham quan tại khu vực trung tâm TPHCM
Việc thành lập các "Tổ điều phối sáng kiến cộng đồng", các "Tổ kết nối nhân tài cấp phường", hay các "Quỹ sáng kiến địa phương" nhỏ, dù bắt đầu từ vài triệu đồng, vài mô hình thử nghiệm - nhưng chính là tiền đề để xây dựng một nền quản trị mới: biết tin tưởng vào con người, vào sáng kiến xã hội, và vào hiệu quả được đo bằng sự thay đổi cụ thể trong cuộc sống người dân. Chưa bao giờ trong lịch sử hành chính TPHCM, quyền đóng góp và tham gia lại gần với người dân như lúc này. Mọi ý kiến từ cộng đồng, nếu hợp lý sẽ được xử lý không qua trung gian phức tạp. Các vướng mắc, nếu thuộc thẩm quyền địa phương, sẽ được giải quyết ngay. Những điều vượt quá tầm, sẽ có cơ chế "chuyển tiếp nhanh" đến cấp cao hơn, kèm theo phản hồi minh bạch. Không còn cảnh người dân chờ đợi, gửi kiến nghị đi mà không biết đi đâu, rơi vào đâu, hoặc bị "ngâm" trong im lặng.
Trong một môi trường như vậy, người tài sẽ không còn thấy mình bị lạc lõng. Họ sẽ thấy tiếng nói mình được lắng nghe, ý tưởng được coi trọng, đóng góp được ghi nhận. Họ không cần phải rời khỏi nơi ở, nơi sinh sống, để "lên thành phố" mới tìm cơ hội. Ngay trong khu phố mình, họ có thể trở thành cố vấn, giám sát viên, người khởi xướng các chương trình cải thiện đời sống. Và chính sự hiện diện của họ - những con người tận tâm và hiểu việc - sẽ nâng tầm chất lượng vận hành của bộ máy cơ sở.
Mở rộng cho người tài, do đó, không chỉ là chiến lược nhân sự, mà là một cuộc cải cách văn hóa hành chính. TPHCM đang đứng trước cơ hội để làm điều đó, từ cấp nhỏ nhất, với từng con người cụ thể, bằng những hành động cụ thể. Đó chính là tinh thần của một thành phố văn minh, một vùng đất khai phóng, và một xã hội đang thật sự trưởng thành.
(CATP) Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển TPHCM, vai trò của phường, xã lại được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay. Ngày 01//7/2025, với việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, TPHCM không chỉ cải tổ về thể chế hành chính, mà còn mở ra một hướng tiếp cận hoàn toàn mới: phát triển từ cơ sở, xây dựng thành phố từ những tế bào sống - nơi mỗi phường, xã không còn là cấp "thực hiện", mà trở thành nơi "kiến tạo", "lắng nghe" và "hành động vì người dân".