Theo kết luận điều tra bổ sung lần thứ tư vào ngày 18-11 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ngoài tội “Tham ô tài sản”, Oanh còn bị đề nghị truy tố hai tội đặc biệt nghiêm trọng khác…
Nguyễn Thị Hoàng Oanh được bổ nhiệm làm Giám đốc (GĐ) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bến Thành, trụ sở đặt tại 195B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7- Q.3, TP.HCM (gọi tắt là Agribank BT) từ ngày 2-5-2008. Vừa ngồi vào ghế GĐ thì Oanh nghĩ ngay đế việc “mượn” vốn của ngân hàng để đầu cơ nhà đất kiếm lời.
MỘT NGÀY “ĂN” HƠN 36,5 KG VÀNG (!)
Biết căn nhà 225B-C Trần Quang Khải, P. Tân Định, Q1 rao bán, Oanh lên kế hoạch mượn tiền Agribank BT mua rồi cho chính đơn vị này thuê lại làm phòng giao dịch. Để có số vàng 2.360 lượng vàng SJC, Oanh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống nhiều hồ sơ vay đứng tên các cá nhân là người quen, thân của Oanh.
Dù không có tài sản bảo đảm nhưng biết đây là khoản vay của “sếp”, Nguyễn Quốc Việt (SN 1981 tại Đak Lak, ngụ Lê Văn Lương, P. Tân Quy, Q7) - Cán bộ tín dụng, sau lên chức Phó phòng giao dịch Viễn Đông thuộc Agribank BT, tìm mọi cách hợp thức hóa hồ sơ.
Ngày 22-8-2008 Oanh với tư cách GĐ Agribank BT ký liền ba hợp đồng tín dụng (HĐTD), cho ba cá nhân vay 970 lượng vàng SJC (hơn 36,5kg); trong đó 350 lượng đứng tên Phan Đình Việt; 360 lượng đứng tên Huỳnh Như Nguyệt và 260 lượng đứng tên Huỳnh Ngọc Thạch (SN 1982 tại Đak Lak, ngụ Trần Hưng Đạo, P2 Q5, con rể Oanh).
Được Trương Thế Thanh (SN 1960, em rể Oanh) - Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, sau lên chức Phó GĐ Agribank BT, ký xác nhận, cả ba hợp đồng đều được giải ngân trong ngày 22-8.
Sau khi giải ngân, Việt báo với thủ quỹ Agribank BT là Bùi Công Tiến (SN 1959, ngụ Nguyễn Thái Sơn, P3, Q. Gò Vấp) đây là khoản vay của “sếp” nên Tiến chi ngay vàng cho Oanh mà không cần chứng từ giải ngân (!).
Sau khi xảy ra vụ án, Agribank BT thông báo chuyển trụ sở đi nơi khác. - Ảnh: Văn Cương
Với những “công đoạn” tương tự, ngày 26-8-2008, GĐ Oanh ký hai HĐTD cho vay 700 lượng SJC, bao gồm Huỳnh Thanh Bình (355 lượng) và Bùi Thị Thanh Hậu (345 lượng). Ba ngày sau, Oanh ký tiếp hai HĐTD cho vay 300 lượng SJC, gồm Nguyễn Thị Huyền (220 lượng) và Huỳnh Ngọc Thạch (80 lượng). Đến ngày 8-9-2008 ký tiếp hai HĐTD cho vay 390 lượng, gồm Nguyễn Thị Huyền (110 lượng) và Trịnh Thị Thu Lan (280 lượng).
Oanh lấy số vàng trên mua căn nhà số 225B-C Trần Quang Khải và để con gái là Đoàn Thị Như Thiên đứng tên rồi cho Agribank BT thuê để làm Phòng giao dịch Viễn Đông với giá 5.800 USD/tháng. Tính đến ngày 5-4-2013, Agribank BT đã trả tiền thuê nhà cho Oanh hơn 5,62 tỷ đồng.
Đoàn Thị Như Thiên khai nhận với Cơ quan điều tra, việc giao dịch mua nhà 225B-C Trần Quang Khải là do mẹ thực hiện, Thiên chỉ đứng tên trong hồ sơ mua bán và cho thuê nhà theo sự chỉ đạo của Oanh. Toàn bộ số tiền cho thuê nhà do Thiên nhận, đưa lại cho Oanh sử dụng. Còn các cá nhân có tên trong hồ sơ vay vàng thì có chung lời khai không vay và cũng không được Oanh nhờ vay; chỉ khi Cơ quan điều tra mời làm việc thì họ mới biết bị bà GĐ mượn tên.
CHIÊU ĐẢO NỢ, RỒI… “MƯỢN” THÊM
Đến hạn trả nợ nhưng không có tiền, Oanh chỉ đạo Cao Bảo Hiếu (SN 1981 tại Đak Lak, ngụ đường số 4, P16, Q. Gò Vấp, TPHCM) - cán bộ tín dụng, sau lên chức Phó trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh Agribank BT, làm hai hồ sơ cho vay 2.490 lượng SJC; trong đó có 2.240,6 lượng đứng tên Công ty cổ phần Vận tải Liên Lục Địa (LLĐ) do Huỳnh Ngọc Thạch làm Tổng GĐ và 249,4 lượng đứng tên Nguyễn Minh Được (em trai Oanh).
Hiếu làm báo cáo thẩm định, soạn thảo HĐTD, hợp đồng bảo đảm tiền vay, biên bản định giá tài sản, rồi đưa cho Thạch và ông Được ký vào mục khách hàng. Sau khi được Trưởng phòng Trương Thế Thanh thông qua, Hiếu đem hồ sơ trình Oanh ký duyệt ngày 27 và 29-7-2009.
Tổng cộng Agribank BT đã giải ngân cho hai HĐ này là 2.480,8 lượng (Công ty LLĐ 2.231,4 lượng, ông Được 249,4 lượng), Thạch và ông Được là người ký giấy nhận nợ và giấy lĩnh tiền mặt nhưng thực tế số vàng trên không xuất ra khỏi ngân hàng mà được xử lý trên phần mềm quản lý của hệ thống Agribank Việt Nam (IPCAS) để thu nợ.
Ngày 30-7-2009, Oanh chỉ đạo một cán bộ tín dụng khác của Agribank BT là Hồ Đình Thanh (SN 1981 tại Đak Lak, ngụ Nguyễn Văn Luông, P12Q6) làm hồ sơ cho khách hàng Nguyễn Minh Nhân (là cháu Oanh, SN 1972, ngụ P24, Q .Bình Thạnh) vay 300 lượng SJC. Tài sản đảm bảo mà Oanh đưa cho Thanh để làm hồ sơ cho vay là “bản photo” giấy tờ căn nhà số 22/19 Huỳnh Đình Hai, P24, Q. Bình Thạnh (!).
Do “sếp” chỉ đạo nên Thanh làm ngay hồ sơ mà không cần kiểm tra, cho ông Nhân vay 300 lượng SJC, thời hạn 12 tháng để mua nhà ở rồi đưa cho Trưởng phòng Trương Thế Thanh xác nhận. Trình hồ sơ cho “sếp” nhưng còn thiếu chữ ký của khách hàng, Oanh “lệnh” cho Thanh: “Để hồ sơ đấy chị cho khách hàng ký sau, em cứ về làm thủ tục giải ngân trước”.
Thanh quay về giải ngân số vàng trên, khi Thanh nhận lại hồ sơ từ Oanh thì đã có chữ ký của ông Nhân do Oanh vừa “ký thay” (!)
Số vàng trên được Oanh sử dụng mua căn nhà liền kề phía sau nhà 225B-C Trần Quang Khải nhưng bất thành. Oanh không nhớ đã dùng 300 lượng vàng này vào việc gì (!) Ông Nhân khai không biết gì về khoản vay này, chữ ký trong HĐTD, giấy nhận nợ, giấy lĩnh tiền mặt... không phải do ông ký.
Như vậy, qua các lần vay, Oanh đã “gom” của Agribank BT tổng cộng 2.660 lượng vàng SJC, tương đương 100 kg!
“PHÙ PHÉP” KHU ĐẤT 318,8 TRIỆU THÀNH…52,67 TỶ ĐỒNG (!)
Theo chỉ đạo của Oanh, trong hai ngày 30-11 và 11-12-2009, Cao Bảo Hiếu làm thủ tục giải ngân 44,45 tỷ đồng (một lần 28,95 tỷ và một lần 15,5 tỷ) vào tải khoản của Công ty LLĐ trong khi chưa có HĐTD.
Oanh sử dụng toàn bộ số tiền này, đã trả được một phần nợ gốc và nợ lãi, đến cuối tháng 11-2010 còn dư nợ 37,93 tỷ đồng. Để đảo nợ, Oanh đã chỉ đạo Hiếu giải ngân cho Công ty cổ phần công nghệ Tam Phú vay 37,93 tỷ đồng. Không cần làm hồ sơ Hiếu đã giải ngân toàn bộ số tiền trên cho Công ty Tam Phú vào ngày 29-11-2010. Thực tế tiền không xuất ra khỏi Agribank BT mà được cấn trừ cho việc thu nợ của Công ty LLĐ.
Căn nhà 225B-C Trần Quang Khải, Q.1- Ảnh: Văn Cương
Để đảo nợ cho khoản vay 37,93 tỷ đồng của Công ty Tam Phú, ngày 13-12-2010, Oanh ký HĐTD cho Công ty LLĐ do Tổng GĐ Huỳnh Ngọc Thạch làm đại diện vay 37 tỷ đồng, thời hạn 60 tháng. Tài sản đảm bảo là thửa đất số 857 tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được Hiếu định giá hơn 52,67 tỷ đồng; sau đó đưa thêm nhà đất 225B-C Trần Quang Khải được Hiếu định giá 35,09 tỷ đồng.
Sau khi được giải ngân, Thạch ký ủy nhiệm chi chuyển 37 tỷ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Mỹ Dung (em ruột Oanh, vợ Trương Thế Thanh) mở tại Agribank BT. Oanh liền chỉ đạo cán bộ kế toán thực hiện giao dịch chi tiền mặt cho bà Dung; Hiếu làm thủ tục thu nợ của Công ty Tam Phú nhưng thực tế đây là việc cấn trừ, không có tiền xuất và nhập quỹ. Chữ ký trong giấy lĩnh tiền mặt không phải của bà Dung mà do Trương Thế Thanh ký.
HĐTD này cũng được Oanh dùng tiền cá nhân trả một phần nợ gốc và lãi; tính đến ngày 20-11-2012 còn dư nợ 34,32 tỷ đồng. Theo Hội đồng định giá tài sản thì thửa đất sổ 857 tại thời điểm thế chấp có giá trị 318,85 triệu đồng, hiện tại là 357,85 triệu; nhà 225B-C Trần Quang Khải có giá trị 14,913 tỷ đồng, hiện tại giảm xuống còn 12,152 tỷ. Tổng tài sản đảm bảo có giá trị là 12,51 tỷ đồng. Vậy mà Oanh và thuộc cấp “thổi” lên hơn 87,77 tỷ đồng.
Thấy chị vợ moi tiền quá dễ, Trương Thế Thanh cũng “ăn theo” bằng thủ đoạn tương tự. Thanh chỉ đạo Hồ Đình Thanh lập hai hồ sơ tín dụng đứng tên Nguyễn Minh Mẫn vay 7 tỷ đồng và Phạm Viết Thuý vay 6 tỷ đồng để sử dụng mục đích cá nhân. Lập xong, Thanh đưa cho Trương Thế Thanh xác nhận “đồng ý” rồi trình Oanh ký duyệt.
Ngày 31-7-2009, Oanh ký hai HĐTD cho vay 13 tỷ đồng như hồ sơ. Hai ông Mẫn và Thuý khai: được Thanh nhờ đứng tên vay dùm do là anh em họ hàng nên đã đồng ý, chứ không nhận tiền. Khoản vay 7 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là một căn hộ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM và lô đất ở Mỹ Phước, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương; còn khoản vay 6 tỷ, tài sản bảo đảm là thửa đất 168 ở P.Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak.
Hai khoản vay trên đã trả được một phần nợ gốc và lãi, tổng dư nợ còn lại là 12,118 tỷ đồng. Trong khi đó, toàn bộ tài sản đảm bảo được định giá là 3.666 tỷ đồng…
(còn tiếp)