Những ký ức rợn người về ‘đại hồng thủy’ năm 1964:

Kỳ 1 - Những người thoát chết hy hữu

Chủ Nhật, 27/11/2016 10:37  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những ngày qua, người dân miền Trung hứng chịu nhiều trận lũ liên tiếp gây tổn thất không nhỏ về người và tài sản.

Tuy nhiên, cơn đại hồng thủy tang thương nhất trong lịch sử được nhiều người, nhiều thế hệ nhắc nhớ nhất đến thời điểm hiện nay là trận lụt năm Giáp Thìn (1964) tại nhiều địa phương miền Trung, đặc biệt Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nhiều ngôi làng bị cuốn trôi, xóa sổ hoàn toàn, đặc biệt, tại huyện (Quảng Nam) thời bấy giờ có khoảng 3.000 người chết. Cũng trong trận lũ ấy, một ít người thoát chết hy hữu, giờ nhắc nhớ lại không ai có thể hiểu vì sao được sống…

Làng Đông An (nay thuộc xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) được xem là nơi thảm thương nhất. Lũ đã cuốn khoảng 1.500 người của làng, sau trận lụt vỏn vẹn chỉ còn 19 người sống sót (trong đó có gần nửa là người đi làm ăn, học hành ở xa nên thoát nạn).

Trong số hơn 10 người thoát chết hy hữu của làng Đông An, chúng tôi gặp ông Lương Mân (Bảy Mân, gần 80 tuổi) và một số người làng Đông An, những nhân chứng sống hiếm hoi. Được nghe kể lại về những ký ức kinh hoàng, sự thoát chết diệu kỳ khi trôi trong dòng nước lũ cuồn cuộn gần cả trăm cây số mà… lạnh gáy!

Thoát chết… trong gang tấc

Ông Bảy Mân hiện sống tại Phong Lục Tây (phường Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Sở dĩ ông sống ở quê vợ, là bởi sau trận đại hồng thủy 1964, làng ông đã bị xóa sạch.

Gia đình có 11 người, ông Mân là người thứ bảy, sau trận lụt, chỉ còn lại 3 người, trong đó người anh thứ 4 đi học ở Hội An nên thoát nạn. Bảy Mân và người anh hai nằm trong số 10 người thoát chết diệu kỳ của làng Đông An.

Hỏi về ký ức trận đại hồng thủy, ông Bảy Mân nhớ như in. Vào khoảng đầu tháng 10 Âm lịch năm Giáp Thìn (1964) trời miền Trung mưa như trút nước. Khoảng 18 - 19 giờ, khi mọi người đang tìm nơi tránh trú, Bảy Mân và anh hai đang chèo ghe đến nhà ông Tăng để đưa người nhà và những người dân khác đến đồi cao nhưng nước vẫn tiếp tục dâng cao.

Ông Bảy Mân kể về những thời khắc thoát chết diệu kỳ

Bỗng dưng từ phía trên núi, trên các quả đồi nước ào ào đổ xuống làng cuốn phăng tất cả. Một cảnh tượng kinh hoàng, người người chới với, tiếng kêu la, kêu cứu thảm thiết vang cả một vùng. Trong phút chốc, tiếng kêu cũng tắt dần, lịm dần theo dòng nước cuốn về hạ nguồn.

Ông Bảy Mân trong lúc bị nước cuốn thì may mắn bị đẩy vào một trong những cây mít to cao nhất làng chắn lại. Ông Mân nhanh tay bám vào, leo lên phía trên cao. Trong thời khắc ấy, ông Mân nghe tiếng kêu la, kêu cứu mà không thể làm gì được.

Lúc đó, có ông Dung và bà Quyễn, người trong làng cũng may mắn bám được vào cây mít gần trăm tuổi. Bảy Mân leo xuống một vài nhánh rồi kéo họ lên nhánh cao hơn. Càng lúc người lạnh cóng, ba người bu bám ở cây mít nhưng không ai nói với ai câu nào.

Một lúc sau, câu nói của bà Quyễn khiến đời kiếp này ông không bao giờ quên: “Tui chết trướng ông Dung hỉ”, rồi rơi tỏm xuống nước. Một tiếng sau, đang trong đêm thanh vắng, ông cũng nghe thêm tiếng “tỏm”, biết là ông Dung không còn sức chịu đựng. Lúc bấy giờ, Bảy Mân còn một mình thì sự lo lắng càng lên tột độ. Khoảng 4-5 giờ sáng hôm, bất ngờ cây mít lại gãy đôi, Bảy Mân bị cuốn phăng giữa dòng nước lũ, mặc cho số phận…

May thay, trôi được một quãng dài, thì Bảy Mân vướng vào cây gạo cao to nhất làng nằm ở gò Võ (nơi giao lưu đấu võ của làng). Dùng hết sức bình sinh, Bảy Mân leo lên cây gạo. Cảm giác rùng rợn khác kéo đến khi phía trên cây gạo tập trung hàng ngàn con rắn, rít,… bủa vây khắp nơi. Bảy Mân chủ động hạ độ cao, gần mực nước lũ để rắn rít sợ nước khỏi trườn xuống.

Bám trụ được một lúc thì có anh Xân (con ông Rân) ở trong làng cũng bị nước lũ tấp vào. Có thêm người, Bảy Mân vơi chút lo lắng. Nhưng để chống cự với lũ rắn rít thì không thể trụ được, Bảy Mân và anh Xân tìm cách thoát khỏi cây gạo. Nhưng Xân không đồng ý, nói đợi một chút thì cha ông sẽ đi ghe tới vớt (ông Rân làm nghề sông nước).

Bảy Mân nghĩ giờ còn ai sống mà cứu nên quyết định tự cứu lấy mình. Khoảng 13 giờ cùng ngày, Mân quyết định cởi hết áo quần dài, chỉ mặc cái quần đùi rồi nhắm đích là Hội thánh Tin lành ở phía bên xa khoảng nửa cây số để bơi sang (Bảy Mân giỏi bơi từ nhỏ). Vì ở bên đó nằm trên gò đất cao, dễ cơ hội sống sót hơn…

Chưa dừng lại ở đó, khi bơi nửa đường thì Bảy Mân không còn đủ sức, người lịm đi. Nước lũ hung dữ đẩy Bảy Mân lướt đi, rồi lại vướng vào cây cổ thụ từ trên nguồn cũng đang trôi dạt. Thấy lờ mờ, Bảy Mân với tay bám được vào nhánh rễ của cây (sau này ông nhớ lại câu có đường kính 3 m, còn bộ rễ phải lên đến 10 m).

“Bám trên cây cổ thụ to thế mà lũ cũng cuốn phăng, chứng tỏ lũ năm Thìn - 1964 kỷ lục ở mức nào. Chỉ khoảng gần một tiếng sau, nước lũ đẩy cây cổ thụ về tới chợ La Nghi - Hội An, nơi cách xa làng Đông An gần cả trăm cây số. Lúc này, tôi mới biết mình sống sót nhưng vì đói lạnh nên lịm đi. Được người dân ứng cứu đưa vào bệnh viện, và qua khỏi cơn nguy kịch không lâu sau đó”, ông Bảy Mân nhớ lại.

Chống chọi giữa cơn đại hồng thủy

Cụ Huỳnh Tấn Châu (89 tuổi, thôn Đông An), vị cao niên may mắn sống sót trong thảm họa năm Giáp Thìn. Bản thân ông Châu khi đó đang giữ chức xã đội Phước Khánh (nay là xã Quế Phước), có vợ và 8 người con, đứa nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi.

Ông Châu kể lại những ký ức đau buồn

Khi lũ về, ông cũng cẩn thận dắt vợ con đi trú nhờ nhà của người thân trong một khu đất cao nhưng cũng không thoát. Chỉ trong tích tắc, nước cuồn cuộn đổ về cuốn phăng đi tất cả. Ông cùng vợ hốt hoảng, ôm lấy những đứa nhỏ, đứa lớn được yêu cầu bám theo người ông. Nhưng ngoảnh lại, từng đứa một rơi rụng, bản thân ông đành bất lực nhìn con chới với trong nước rồi mất hút.

Vợ ông không đủ sức chịu đựng cũng đành thả tay buông xuôi… Ông cũng đuối quá rồi lịm đi. Không ngờ sau đó, nước lũ đẩy vào một đồi cao ở làng bên. Chờ nước lũ rút đi, ông tìm về lại làng với hi vọng tìm được vợ con, nhưng chẳng còn ai…

Bà Trương Thị Lục (80 tuổi, ngụ cùng làng) và đứa con 6 tháng tuổi cũng là một trong những trường hợp sống sót hy hữu. Năm 1964, bà Lục lấy chồng ở cùng làng Đông An. Gia đình bà có 6 người nhưng cộng 2 bên nội ngoại lên đến 17 người.

Bà Lục không quên được trận đại hồng thủy năm nào

Do bà có con nhỏ nên người hàng xóm cho lên chiếc ghe nhỏ của gia đình mình, được cột vào một cây to ở giữa làng. Những người còn lại, thấy lũ về, ai nấy trèo lên mái nhà để ngồi nhưng nước lên cao quá nên đến phút cuối hầu hết đều buông xuôi.

“Nhìn thấy khắp làng, người nào cũng leo hết lên nóc nhà. Nhưng chỉ sau đó ít phút, bắt đầu xuất hiện những tiếng kêu la xé màn đêm, khi các ngôi nhà cũng bắt đầu đổ sập, rồi trôi đi. Nhà của bà Lục với 15 con người cũng vậy. Ngay cả chiếc thuyền nhỏ mà mẹ con bà trú nhờ cũng chao đảo theo dòng nước lũ. Lúc đó, bà chỉ biết nhắm ghiền mắt, dùng tay áo quấn chặt đứa con vào người rồi chờ điều xấu nhất. Chiếc thuyền đứt dây neo, bị cuốn phăng. Thế nhưng, chính nhờ như vậy mà bà Lục thoát chết bởi thuyền trôi dạt, mắc vào 1 gò đất cao. Còn không thì cũng bị cây đổ quật chết”, bà Lục nhớ lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang