Chuyện tình lãng mạn của các chàng trai Campuchia với những ‘sơn nữ’ vùng Tây Nguyên

Thứ Sáu, 27/01/2017 07:17  | Chí Dũng

|

(CAO) Ở dọc các huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, có nhiều câu chuyện tình yêu xuyên biên giới đẹp như cổ tích. Các cặp đôi đã vượt qua mọi rào cản địa lý, văn hóa và ngôn ngữ để cùng nhau viết lên một cái kết tốt đẹp cho câu chuyện của mình.

Thiếu nữ Gia Lai hút hồn các chàng trai Campuchia

Cơn mưa nhỏ ngày cuối năm khiến những con đường tại xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) thêm lầy lội như cố níu chân người ở lại. Trong căn nhà sàn còn đượm mùi gỗ, anh Châu Sóc Khên (30 tuổi, quốc tịch Campuchia) tỉ mẩn pha cà phê của nhà tự trồng, tự chế biến.

Vợ anh là Chị Rơ Mah H’Deh (27 tuổi, làng Nú, xã Ia Nan) gắp từng viên đá lạnh giúp chồng pha cà phê mời khách. Anh Khên nhấp ly cà phê đặc quánh đậm chất cao nguyên. Quá khứ về chuyện tình lãng mạn của 2 vợ chồng quá khứ cứ ùa về như mới xảy ra ngày hôm qua.

Hồi đó, anh Khên từ Campuchia qua làng Nú làm thuê cho một xưởng gỗ. Một lần đi làm, Khên thấy H’Deh gùi trên lưng bó củi, gương mặt lấm lem mồ hôi nên chạy đến phụ giúp. H’Deh dù ngại ngùng nhưng cũng gật đầu đồng ý nhận sự giúp đỡ từ chàng trai lạ. Từ buổi gặp đầu tiên, chàng trai Campuchia và cô thiếu nữ người dân tộc Jrai ở Việt Nam đã dành cho nhau những thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên.

Cuộc sống hạnh phúc của chàng trai Campuchia và cô gái Việt Nam

Mấy ngày sau, đêm nào Khên cũng trằn trọc muốn qua nhà H’Deh chơi, nhưng rồi lại thôi. Khên vẫn mặc cảm mình là chàng trai ngoại quốc, liệu H’Deh và gia đình có chấp nhận mình. Nhưng con tim và lý trí cứ thôi thúc, Khên lấy hết can đảm, tay cầm bó hoa trên tay tiến thẳng đến nhà H’Deh. Tuy nhiên mọi thứ không như Khên nghĩ, khi gia đình cô bạn gái mình thầm thương trộm nhớ rất hiếu khách. Cứ như thế, sau những ngày lao động vất vả, đêm đến chàng trai Campuchia lại cầm bó hoa của núi rừng đến nhà cô gái chơi.

Cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với chàng trai lãng mạn. Một ngày đẹp trời, gia đình Khên bên Campuchia qua thưa chuyện và đám cưới đã được tổ chức theo phong tục của người dân tộc Jrai. Do chịu thương, chịu khó nên 2 vợ chồng đã có được căn nhà sàn, một mảnh vườn cà phê xanh tốt và một cuộc sống rất hạnh phúc.

Cũng phải lòng cô gái Việt ngay từ cái nhìn đầu tiên, anh Rơ Mah Thuêng (SN 1982, Campuchia) đã bị cuốn hút bởi cô gái có đôi mắt sáng trong của Ksor Lel (SN 1987, làng Kom II, xã Ia O, huyện Ia Garai, tỉnh Gia Lai). Hai người gặp nhau trong một lễ hội tại địa phương. Xuất hiện trong lễ hội với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, Kssor Lel đẹp như một đóa hoa rừng. Kết thúc lễ hội, để có động lực, chàng trai Campuchia đã uống hết cả hũ rượu cần nhằm lấy lại tự tin theo Lel về nhà. Tuy nhiên vừa về đến nhà, Lel đã đóng sập cái cửa không cho vào nhà. Tưởng như mối lương duyên này sẽ nhanh chóng vỡ vụn, khi Thuêng nhận ra Lel không hề quan tâm đến anh.

Hiện nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới vẫn chưa làm giấy kết hôn

Tuy nhiên, cứ đến lúc nản lòng nhất, anh Rơ Mah Thuêng lại không thể quên được ánh mắt như có ma lực của chị Ksor Lel. “Lấy đó làm động lực, mình ngày đêm lân la tại nhà Lel để bắt chuyện, có lúc thì lẽo đẽo theo cô gái lên rẫy để tỉa bắp, hái rau… Sau 1 năm kiên trì, bố mẹ cô ấy biết chuyện cũng động viên ủng hộ mình.

Một ngày đẹp trời, khi những đóa hoa dã quỳ khoe sắc vàng khắp các triền đồi, mình lẳng lặng cầm đóa hoa quỳ đến cầu hôn. Thật bất ngờ, Lel không từ chối mà nhận bó hoa. Vì vui mừng, ngày cưới nhau, vợ chồng mình làm con gà, con heo để mời 2 bên gia đình đến uống rượu 1 ngày 1 đêm”, anh Thuêng say sưa kể.

Tình yêu sẽ đẹp hơn khi được pháp luật công nhận

Theo Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai, vào 6- 2016, Hội phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức buổi truyền thông về hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại các xã biên giới ở Đức Cơ, Ia Grai... Có 57 cặp vợ chồng đến dự. Trong đó có 1 cặp vợ là người Campuchia, chồng Việt Nam, còn lại là chồng Campuchia, vợ Việt Nam. Có 21/57 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn. Trong số đó có 6 cặp đã có giấy tờ nhưng chưa làm, nhưng sẽ làm được. 15 cặp không làm được vì người chồng có quốc tịch Campuchia nhưng không có giấy tờ tùy thân nào.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Trưởng ban chính sách luật pháp, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: “Hội đề xuất Sở Tư pháp làm việc với ngành Tư pháp huyện, xã xem xét những trường hợp nào làm được giấy kết hôn thì làm sớm cho họ. Chúng tôi cũng chỉ đạo Hội phụ nữ các huyện biên giới trong quá trình triển khai công tác hội cần có sự quan tâm và hỗ trợ đến các trường hợp phụ nữ người dân tộc ít người kết hôn với người Campuchia; tập trung các nguồn lực nhằm giúp các hộ từng bước thoát nghèo như hỗ trợ vốn vay, triển khai các đề án, dự án, tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, về chăm sóc sức khỏe sinh sản”.

Vợ chồng anh Kpuih Bỗ và chị Siu H’Găng hạnh phúc bên nhau

Để có được tình yêu chân thành đã khó, để có được một tình yêu đậm sâu xuyên biên giới còn khó hơn nhiều. Tình yêu đó phải vượt qua mọi rào cản về văn hóa, địa lý, những quan niệm, hủ tục,… và hơn cả đó là sự hoài nghi, lo lắng trong mỗi người.

Ngoài ra, những tình yêu xuyên biên giới đẹp hơn khi được pháp luật của 2 bên công nhận bằng những giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang