(CAO) Mặc dù được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn từ cuối năm 2015, thế nhưng đến nay ở trường mầm non xã Hùng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vẫn đang trong tình trạng thiếu phòng học, các cháu phải đi học nhờ ở nhà văn hóa thôn.
Hệ lụy thách cưới biến tướng
Mặc dù đã bước qua tuổi trăng tròn, chị Ksor H'Sướt (27 tuổi, ở buôn Blăk, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai) vẫn như đóa hoa rừng còn khoe sắc. Dù xinh đẹp nhưng chị lại lận đận chuyện tình duyên chỉ vì tục lệ thách cưới của dân tộc mình. Chuyện là, khoảng 1 năm về trước H’Sướt quen Nay Trung (ở buôn Djrông, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa) trong dịp lễ hội của buôn.
H’Sướt thướt tha trong trang phục truyền thống, đã lọt vào con mắt xanh của chàng trai Nay Trung. Ưng cái bụng của nhau, hai bên hẹn hò, qua lại. Ban đầu, Nay Trung và H’Sướt còn đi chung với đám bạn, sau tách ra hẹn hò nhau đầu suối.
Những lần hẹn hò giữa H’Sướt và Nay Trung cứ kéo dài lên. Đến mùa “con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước…”, Nay Trung lấy hết can đảm ngỏ lời yêu H’Sướt. Mặc dù còn chút e thẹn, nhưng cô gái của đại ngàn lấp ló bên nhánh hoa rừng khẽ gật đầu đồng ý.
Kể đến đây, khuôn mặt H’Sướt bắt đầu chuyển sang sắc thái khác. Lấy chiếc khăn lau giọt mồ hôi trên má, H’Sướt kể tiếp: “Mọi người thường nói, nghèo không có tội, nhưng nó lại không đúng với trường hợp của mình. Gia đình mình nhờ ông mai qua nhà Trung đặt vấn đề bắt Trung về làm chồng. Oái ăm là nhà trai thách cưới 60 triệu, 6 con bò cùng quần áo thổ cẩm… Nghe thách cưới, gia đình mình phát hoảng. Nhà mình làm quần quật may ra chỉ đủ ăn thì lấy đâu tiền, bò mà nộp.
Mẹ H’Sướt khóc, nói dù thương con nhưng nhà nghèo không biết lấy tiền đâu. “Hồi xưa tao bắt bố mày có bị thách cao thế đâu, thấy nhà bố mẹ tao nghèo nên nhà bố mày không đòi gì hết, chỉ “đốt” con bò mời cả làng ăn thôi. Giờ nhà mình nghèo quá mà họ lại thách cao quá thì làm sao?” mẹ H’Sướt chỉ biết ôm còn vào lòng.
Mình cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên không trách, chỉ biết tựa vào mẹ khóc”, H’Sướt kể lại: “Cũng ý thức việc không đủ tiền bắt chồng, mình quyết định từ bỏ mối tình. Giờ mình sống với mẹ. Hàng ngày đi làm thuê lấy tiền trang trải cuộc sống. Chồng hụt mình bây giờ đã bị cô gái khác bắt làm chồng rồi. Anh ta giờ đã có cuộc sống riêng”, H’sướt nói.
Hơn 2 năm trôi qua kể từ ngày bắt chồng không thành cô thôn nữ này phải sống trong cảnh tủi nhục, bởi những lời ra tiếng vào của dân làng. Theo phong tục của người Jrai ở vùng Krông Pa, một người con gái khi đã sang nhà trai hỏi bắt chồng, đồng nghĩa với việc đã qua một đời chồng. Nếu bắt chồng không được, dân làng cho rằng đó là một đứa con gái hư. Sau này người con gái này muốn đến với người con trai khác là một điều rất khó chấp nhận.
Nhà nghèo không có tiền bắt chồng
Khi mà việc thách cưới được phía nhà trai coi trọng thì chuyện tình cảm chỉ là chuyện riêng của đôi lứa, các cặp đôi có nên duyên vợ chồng hay không lại là một chuyện khác. H’Sướt là một trong nhiều trường hợp phải gánh chịu do sự biến tướng ngày càng tiêu cực của tục lệ này. Điều đó, đã khiến những sơn nữ như H’Sướt và nhiều cô gái khác đành ngậm ngùi để tuổi thanh xuân trôi qua vì không có sính lễ bắt chồng.
Trong con ngõ vắng, chị Rơ Ô H’Plút (ở xã Ia Rmok) vẫn lủi thủi một mình lấy tấm tôn che lại căn nhà bị gió tốc tối qua. Thấy có khách, chị H’Plút kéo vội chiếc ghế nhựa mời khách. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên khi ngôi nhà vắng tanh, chị H’Plút chia sẻ: Nhà có 4 chị em, trong đó có 3 gái. Mồ côi bố mẹ từ khi cô em út còn bú sữa mẹ, 4 chị em H’Plút lớn lên trong sự đùm bọc của buôn làng với những bữa cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Hàng ngày, mấy chị em phải đi làm thuê, làm mướn cho người dân trong làng để đổi lấy gạo, đồ ăn.
Cũng vì gia cảnh quá nghèo khó nên chỉ có cô em út H’Chruêng và cậu em trai may mắn có đôi có cặp, còn chị đầu H’Plút và H’Choéch đến nay vẫn chưa bắt được chồng. Chị H’Plút dù đã tuổi 50, đầu đã hai thứ tóc nhưng chị chưa từng một lần nghĩ đến chuyện yêu ai chứ chưa dám nói đến chuyện đi “bắt chồng” chỉ vì sợ người ta thách cưới cao, không có gì để đáp ứng.
“Thời con gái mình cũng có thương một người con trai nhưng chỉ là yêu “đơn phương” chứ không dám nói với người ta mà cũng không dám bắt người ta. Giờ người ấy đã có vợ và có con lớn rồi. Nếu gia đình mình có trâu, bò, có của cải thì cũng muốn yêu, bắt người ta về làm chồng nhưng vì nghèo nên mình đành cam chịu”, chị H’Plút ngại ngùng nói.
Cũng như người chị gái của mình, dù đã bước sang tuổi 30 nhưng người em Rơ Ô H’Choéch vẫn chưa có một ai theo đuổi cũng như chưa từng dám yêu một ai. Hàng ngày, ngoài việc đi làm mỗi khi có người thuê, H’Choéch chỉ quanh quẩn trong bếp núc hay đi chăn bò, cho heo ăn… chứ không đi chơi với bất kỳ người con trai nào.
“Cũng vì nghèo nên chị mình mới không dám “bắt chồng” nên mình cũng không dám nghĩ đến việc “bắt chồng” đâu. Tiền ăn, tiền mặc còn không đủ thì lấy đâu ra tiền để đi “bắt chồng” chứ? Mình sẽ ở dậy với chị H’Plút thôi!..”, H’Choéch bộc bạch.
Già Nay Ge (70 tuổi, già làng ở thôn Blắk, xã Ia Rmok) cho biết, tục bắt chồng và thách cưới của người Jrai có tự bao giờ, chẳng ai còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng, đến tuổi cập kê, trai gái hò hẹn trên nương, trên những sườn núi 4 mùa bung nở đủ các loại hoa rừng. Tháng 3 là mùa con ong đi lấy mật cũng là thời điểm trai gái ở vùng này hẹn hò.
Khi tình yêu đủ chín, người Jrai sẽ làm lễ cưới nhưng trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, các cặp đôi người Jrai sẽ phải trải qua một “nghi lễ” hết sức đặc biệt là thách cưới. Tuy nhiên, ngày nay lễ vật thách cưới đã bị biến tướng, khiến nhiều cô gái phải ở giá suốt đời.
Già đã làm ông mai cho hàng trăm cặp, trong đó có khoảng 10% không nên duyên đôi lứa chỉ vì nhà trai thách cưới quá cao. “Chứng kiến những đôi trai gái mến nhau mà chia lìa đôi ngả thì già cũng buồn và đau cái đầu. Già đêm hôm trăn trở làm sao để dân làng hiểu việc thách cưới quá cao là sự biến tướng tục bắt chồng, gây nhiều hệ lụy buồn. Cũng vì nghĩ thế nên lúc rảnh rỗi, già một mình xuống làng trực tiếp gặp dân để khuyên nhủ, tuyên truyền cho họ hiểu. Đáng mừng là sau những buổi tuyên truyền, ý thức của dân làng đã có sự thay đổi”, già Nay Ge kể.