Đây là nơi người dân tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất với chính quyền địa phương, và cũng chính tại đây, chất lượng sống được cảm nhận rõ nhất, từ ánh sáng của con hẻm, tiếng ồn ban đêm, sự an toàn trên đường, cho đến việc có một nơi nghỉ chân, một bữa cơm giá rẻ hay một không gian chơi cho trẻ em. Những điều đó không nằm trong tầm tay của các chiến lược cấp vĩ mô, mà thuộc về khả năng tổ chức và quan tâm của chính quyền cơ sở.
MỖI TỔ DÂN PHỐ LÀ MỘT “TẾ BÀO TỰ QUẢN”
Kế hoạch tổ chức và nâng cấp chất lượng sống cấp phường/xã được xây dựng với một tinh thần hoàn toàn mới - không đi từ mệnh lệnh quản lý, mà bắt đầu từ quan sát cuộc sống, từ sự lắng nghe những nhu cầu thầm lặng và cụ thể của người dân. Ở đó, chính quyền không còn là người đứng ra "cấm đoán" hay "giám sát", mà trở thành một thực thể biết tổ chức, kết nối và dẫn dắt sự tham gia của cộng đồng trong việc kiến tạo không gian sống tử tế, công bằng và đầy nhân văn. Ba nguyên lý nền tảng được đặt ra trong tư duy thiết kế quy chế này, gồm: một là, phải đặt đời sống con người làm trung tâm, không thiết kế quy chế chỉ để quản lý hành chính; hai là, phường phải chuyển từ mô hình kiểm soát sang mô hình hỗ trợ, trở thành nơi giúp người dân an cư, lập nghiệp, sống có phẩm giá; ba là, mọi yếu tố từ an ninh, giao thông, vệ sinh môi trường đến y tế, văn hóa, sinh kế... đều cần được tích hợp trong một hệ thống sống liền mạch, nơi các dịch vụ công không còn rời rạc mà bổ trợ lẫn nhau để nâng cao chất lượng sống một cách toàn diện.

Lực lượng Công an và dân quân tự vệ tổ chức tuần tra đêm
Từ đó, mô hình đề xuất một hướng tiếp cận sâu sắc: phường không còn chỉ là cấp hành chính giữ trật tự, mà là một đơn vị phát triển năng động, vừa chăm lo đời sống dân sinh, vừa điều tiết môi trường xã hội, vừa tổ chức không gian sống cộng đồng. Mỗi tổ dân phố không chỉ là nơi cư trú, mà là tế bào của sự tự quản, tự tổ chức, tự nâng cấp đời sống. Những chuyển biến này không diễn ra trong lý thuyết, mà gắn chặt với thực tế. Khi người dân được tham gia, được lắng nghe và được đóng góp, thì chính họ sẽ là người bảo vệ và phát triển chính nơi mình đang sống. Trên cơ sở đó, mô hình mới sẽ xác lập 5 chuyển hóa chiến lược trong tư duy tổ chức cấp phường: chuyển từ “giữ trật tự” sang “nâng chất lượng sống”; từ “cưỡng chế” sang “đồng thuận”; từ “cấp hành chính” sang “đơn vị phát triển”; từ “chỉ tiêu” sang “chỉ số sống đo lường được”; và từ “một chiều” sang “tương tác đa chiều với cộng đồng”.
Một ví dụ dễ hình dung là việc tổ chức lại không gian công cộng tại khu dân cư: từ những điểm tập kết rác cũ, các hẻm nhỏ thiếu ánh sáng, hay các khoảng đất trống bỏ hoang, có thể hình thành các điểm sinh hoạt cộng đồng đa chức năng - nơi có thư viện mini, chỗ nghỉ cho người cao tuổi, sân chơi trẻ em an toàn, hoặc trạm y tế di động. Thay vì để người dân sống trong tâm lý đề phòng, thiếu tin cậy và bị động trước không gian sống, thì chính quyền cơ sở có thể chủ động thiết kế lại nơi chốn, sao cho mỗi con hẻm, mỗi tổ dân phố đều có sức sống và có khả năng nâng đỡ người yếu thế. Không dừng lại ở đó, đề cương còn chú trọng tới những vấn đề vốn âm thầm nhưng ảnh hưởng sâu xa như y tế tâm thần cộng đồng, hỗ trợ sinh kế vỉa hè, dịch vụ công ban đêm, tổ phản ứng nhanh về xã hội, hệ thống tiếp nhận phản ánh qua QR hay Zalo, tổ y tế cộng đồng do người dân làm nòng cốt... Những mô hình như vậy không đòi hỏi chi phí lớn, không cần thay đổi bộ máy, nhưng yêu cầu một tư duy mới về phục vụ: linh hoạt, gần dân, và hành động thực tế.
Về con người, mô hình phường/xã mới không thể dựa vào cách tổ chức cứng nhắc của một bộ máy hành chính thụ động, mà cần một đội ngũ cán bộ có năng lực điều phối mềm, biết lắng nghe và dẫn dắt cộng đồng. Họ không chỉ “làm đúng quy trình”, mà cần “làm đúng vấn đề”, không né tránh việc khó, không sợ đổi mới, và nhất là phải đủ sự tử tế để đối thoại với người dân trong mọi hoàn cảnh. Đội ngũ này cần được lựa chọn, bồi dưỡng và trao quyền theo tiêu chí thực chất, gắn với các chỉ số hài lòng, sáng kiến cộng đồng, hiệu quả vận hành chứ không chỉ dựa trên tuổi đời, bằng cấp hay thâm niên công tác.
CẦN CƠ CHẾ VẬN HÀNH LINH HOẠT
Cùng với con người, cơ chế vận hành của phường/xã cũng cần được thiết kế lại theo hướng mở, tích hợp và phân quyền có kiểm soát. Phường cần có ngân sách linh hoạt hơn để giải quyết những việc nhỏ nhưng sát dân như sửa điện hẻm, lắp camera, hỗ trợ chỗ gửi rác, chăm sóc người già cô đơn hay tổ chức phiên chợ cộng đồng. Đồng thời, cần xây dựng khung pháp lý cho phép phường vận hành mô hình "quỹ cộng đồng", có sự giám sát và đóng góp của chính người dân, để từng bước hình thành một nền tài chính vi mô tại chỗ, bền vững và minh bạch. Không thể thiếu là hệ thống phối hợp liên ngành, liên cấp - một điểm yếu cố hữu trong cách vận hành chính quyền hiện nay. Phường/xã cần được nhìn nhận như một điểm chạm, nơi hội tụ các dịch vụ công của nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy, cần có cơ chế gắn kết trực tiếp với y tế, giáo dục, môi trường, lao động, công an, văn hóa... Cần chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc hoạt động rời rạc giữa các cơ quan, để xây dựng một hệ thống "chăm sóc toàn diện" từ dưới lên. Chính từ sự thống nhất trong điều hành, kết nối dữ liệu và chia sẻ nguồn lực, chất lượng sống tại địa bàn mới có thể nâng lên một cách thật sự.

Trẻ em vui chơi tại công viên nước ở xã Ngãi Giao, TPHCM
Mô hình cũng mở ra hướng phát triển bền vững khi gắn các nội dung quản trị đời sống với xu hướng chuyển đổi số, phát triển xanh và kinh tế cộng đồng. Những ý tưởng như “dữ liệu sống khu phố”, “ứng dụng phản ánh nhanh”, “bản đồ sáng kiến cộng đồng”, “chợ không tiền mặt”, hay “trung tâm chia sẻ công nghệ vi mô” không chỉ là đổi mới kỹ thuật, mà là công cụ hỗ trợ một chính quyền gần dân, biết học hỏi từ thực tế và tăng cường minh bạch trong vận hành. Chính sự rõ ràng, nhanh nhạy và công bằng trong từng thao tác dịch vụ công sẽ quyết định chất lượng của một chính quyền thực sự phục vụ.
Về an sinh xã hội, mô hình nhấn mạnh vai trò của phường/xã trong việc bảo vệ người yếu thế, người nghèo đô thị, trẻ em, người già neo đơn, người lao động phi chính thức, phụ nữ đơn thân, người tạm cư và những nhóm dễ bị tổn thương khác. Chính quyền địa phương không chỉ thực hiện chính sách an sinh trên giấy, mà phải chủ động tổ chức các tổ công tác cộng đồng, vận hành các điểm chăm sóc khẩn cấp, nhà ở chuyển tiếp, quỹ y tế cộng đồng và các không gian hỗ trợ tâm lý xã hội. Phường trở thành người bạn đồng hành, biết nhận diện sớm những rủi ro xã hội tiềm tàng, từ đó đưa ra phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, mang tính chữa lành và bao trùm.
Về chất lượng sống và không gian đô thị, mô hình tổ chức xác lập trách nhiệm cụ thể của phường/xã trong việc quản lý vệ sinh, chiếu sáng, tiếng ồn, rác thải, an toàn giao thông, khu vực công cộng và các điều kiện hạ tầng mềm gắn với đời sống hàng ngày. Mỗi hẻm, mỗi góc phố, mỗi công viên nhỏ đều được xem là một mắt xích trong tổng thể chất lượng sống, cần được chăm sóc và nâng cấp bằng sự kết hợp giữa nguồn lực Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng. Các mô hình như tổ môi trường, tổ an toàn, tổ dữ liệu sống, hay chợ nghĩa tình, bữa ăn cộng đồng, điểm vui chơi cho trẻ em... đều được khuyến khích phát triển như một phần không thể thiếu của “hệ sinh thái đô thị vi mô”.
Về cơ chế tổ chức và vận hành, mô hình và phương pháp vận hành mở ra không gian để chính quyền cơ sở chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành: từ phân quyền ngân sách nhỏ, sử dụng tài chính cộng đồng, xây dựng quỹ sáng kiến địa phương, đến việc ứng dụng chuyển đổi số, quản lý phản ánh nhanh, vận hành dữ liệu sống theo khu vực, hoặc tổ chức hội đồng cộng đồng với vai trò cố vấn cho lãnh đạo địa phương. Mọi chức năng hành chính không còn đơn tuyến, mà được tích hợp với chăm sóc con người, với tiêu chí rõ ràng, có thể đo lường, và gắn với trách nhiệm cụ thể.
Tất cả các điều khoản đều thống nhất theo một triết lý xuyên suốt: người dân không còn là đối tượng bị quản lý, mà là chủ thể tham gia kiến tạo không gian sống của chính mình; và phường/xã không chỉ là cấp quản lý, mà là “nơi tổ chức chất lượng sống tại chỗ” - gần dân, sát thực, nhân văn và có khả năng phối hợp đa ngành để giải quyết vấn đề tận gốc.
Phát triển đô thị không thể chỉ chạy theo các con số về hạ tầng kỹ thuật, diện tích sàn, hay mật độ dân số. Một xã hội vững mạnh được xây dựng từ chính sự an toàn, tử tế và gắn kết ở từng phường, từng khu phố, từng tổ dân cư. Mô hình tổ chức và nâng cấp chất lượng sống cấp phường/ xã theo tinh thần mới nếu được thực hiện đúng hướng, không chỉ là một sáng kiến cải cách hành chính, mà là một cuộc tái cấu trúc xã hội từ gốc rễ. Đó là nơi mà công quyền và cộng đồng cùng học cách sống chung, phát triển chung và giữ gìn những giá trị chung. Đó cũng là bước đi đầu tiên để thiết lập một nền đô thị mới, nơi không ai bị bỏ lại phía sau, nơi con người không chỉ tồn tại, mà còn được sống một cách đầy đủ, có phẩm giá và có tương lai trong chính không gian hàng ngày của mình.