Xài tiền tỷ như… lá me lá mít!
Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Gia Lai xôn xao trước thông tin, cơ quan KTNN vừa có văn bản gửi HĐND, UBND tỉnh Gia Lai về báo cáo kiểm toán công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2013-2015 tại Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Gia Lai do KTNN khu vực XII thực hiện. Các đơn vị này mua sắm trang thiết bị trị giá hàng tỷ đồng một cách tràn lan rồi kê khống để trục lợi.
Bệnh viện đa khoa Gia Lai. Ảnh: Vĩ Đồng
Cụ thể, Sở Y tế tỉnh Gia Lai mua một gói trang thiết bị y tế cho BV Tâm thần, kê khai với giá 16,7 tỷ đồng, nhưng KTNN xác định giá trị thực chỉ có 5,6 tỷ đồng, bị chênh lệch đến hơn 11 tỷ đồng. Gói mua sắm máy thở BVĐK tỉnh Gia Lai kê khai 10,1 tỷ đồng, nhưng KTNN xác định giá mua thực tế chỉ 6,5 tỷ đồng. BV huyện Chư Pứh mua sắm thiết bị y tế giá trị thực là 9,5 tỷ đồng, nhưng kê giá lên đến 22,1 tỷ đồng.
Gói thiết bị y tế mà Sở Y tế đặt mua cho BV lao và phổi có giá 12,1 tỷ đồng nhưng nâng thành 22,3 tỷ đồng. Đây là các gói nằm trong bảy gói thầu của nguồn vốn đầu tư phát triển. Cả bảy gói thầu đều bị nâng khống giá trị. Với tổng giá thành mua là 78,9 tỷ đồng, nhưng Sở Y tế quyết toán thành 117,3 tỷ đồng, số tiền chênh lệch bị phát hiện hơn 37,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2015, BVĐK tỉnh Gia Lai do ông Phạm Bá Mỹ làm giám đốc đã mua kính hiển vi phẫu thuật thần kinh cột sống, giá trị 16,3 tỷ đồng, tuy nhiên thiết bị tiền tỉ này chỉ mới được sử dụng cho 4 bệnh nhân và chỉ duy nhất… một bác sĩ biết sử dụng. Qua kiểm toán kính hiển vi này thì ai cũng bất ngờ bởi giá trị kính hiển vi phẫu thuật chênh lệch hơn 8,7 tỷ đồng so với giá thị trường.
Sở Y tế Gia Lai. Ảnh: Vĩ Đồng
Nhiều máy móc BVĐK tỉnh Gia Lai mua sắm dễ dãi đến mức không thể hiểu nổi. Chẳng hạn mua thiết bị tiền tỉ nhưng không yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng. Mua trang thiết bị Trung Quốc hết hạn. Nhiều trang thiết bị Sở Y tế tỉnh Gia Lai do giám đốc Mai Xuân Hải “chỉ đạo” dùng ngân sách nhập về hàng tỷ đồng nhưng không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí.
Cụ thể tại BV Lao và bệnh Phổi tỉnh Gia Lai, 55 thiết bị chưa đưa vào sử dụng do bệnh nhân quá ít, còn 49 thiết bị khác không hoạt động hết công suất. Ngoài ra có đến 10 thiết bị khác BV lao phải đề nghị trả lại và có một số thiết bị cán bộ không biết sử dụng. Tại BV Ayun Pa, Sở Y tế mua máy móc Trung Quốc cấp về nhưng hết hạn sử dụng.
Quá trình sử dụng bị trục trặc kỹ thuật, liên tục cho ra kết quả không chính xác. Khi phải sửa, phía sản xuất và cung ứng máy (Trung Quốc) yêu cầu bệnh viện phải mua hóa chất sử dụng cho thiết bị thì mới chịu trách nhiệm cài đặt, vận hành. Giá trị của máy móc, thiết bị được xác định lãng phí lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Khu điều trị nội tổng hợp 100 giường bệnh tại BVĐK có tổng mức đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ ngày 16-4-2013. Tuy vậy, 4 năm nay không hiểu nguyên do gì, Sở y tế tỉnh Gia Lai không thể quyết toán. KTNN đã yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai báo cáo kết quả khắc phục, xử lý sai phạm tại Sở Y tế và BVĐK Gia Lai trước ngày 31-3.
Được biết, ông Mai Xuân Hải trước khi làm Giám đốc Sở Y tế từng làm Giám đốc BVĐK Gia Lai. Khi nguyên giám đốc Sở y tế Gia Lai Phùng Xuân Quýnh bị bắt vì hành vi cùng 8 thuộc cấp sai phạm trong đấu thầu thuốc tây, ông Hải lên thay.
Những “con sâu” ngành y bất chấp luật pháp
Trước đó, năm 2011, dư luận tại tỉnh Gia Lai và cả nước đã một phen xôn xao, bất bình vì kiểu xài tiền chùa vô tội vạ, xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai. Sau hơn 3 năm các cơ quan chức năng tiến hành vào cuộc điều tra, truy tố, xét xử, 9 bị cáo gồm: Phùng Xuân Quýnh (nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai), Nguyễn Công Nhân (nguyên phó Giám đốc Sở Y tế), Lê Khánh Lân (nguyên cán bộ Phòng kế hoạch - tài vụ) bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đặng Đức Châu (nguyên phó Giám đốc Sở Y tế), Đoàn Cường (nguyên Phó trưởng phòng Nghiệp vụ dược), Phan Minh Hiếu (nguyên Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y), Nguyễn Thị Kim Liên (nguyên dược sĩ, phòng nghiệp vụ dược), R'Mah Plih (nguyên Trưởng phòng kế hoạch - tài vụ) và Bùi Ngọc Thư (nguyên Phó Trưởng phòng kế hoạch - tài vụ) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cùng thuộc cấp hầu tòa. Ảnh: Vĩ Đồng
Theo cáo trạng, trong 3 năm (2008-2010), dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Quýnh, các thành viên trong tổ đấu thầu thuốc và những người có liên quan đã có rất nhiều hành vi sai trái trong việc mời thầu, đấu thầu và trúng thầu các mặt hàng thuốc tây, gây thiệt hại ngân sách nhà nước gần 8,6 tỷ đồng. Năm 2011, KTNN vào cuộc kiểm toán đã phát hiện ra sai phạm của họ.
Tại bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai ngày 26-4-2013, các bị cáo Phùng Xuân Quýnh, Nguyễn Công Nhân, Lê Khánh Lân, Rmah Plih, Bùi Ngọc Thư chỉ từ 18 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đoàn Cường, Phan Minh Hiếu, Đặng Đức Châu, Nguyễn Thị Kim Liên từ 36 tháng tù đến 45 tháng tù giam. Các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho ngân sách.
Tuy nhiên sau đó, BC Quýnh và một số BC khác kêu oan, số còn lại cho rằng án phạt nặng vì bản thân họ có tình tiết được giảm nhẹ, như: gia đình có công với cách mạng, thành khẩn khai báo… Ngày 23-8-2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã sửa một phần bản án sơ thẩm, giữ nguyên mức án với đa phần các bị cáo, chuyển án tù giam thành án treo với 2 BC Đặng Đức Châu và Nguyễn Thị Kim Liên.
Bản án trên một lần nữa gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận. Tháng 5-2014, Chánh án TAND Tối cao quyết định kháng nghị toàn bộ các bản án, cho rằng, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng không đúng quy định của pháp luật, chưa thể hiện tính nghiêm minh và bản án được tuyên gây dư luận không tốt trong xã hội. Hành vi của các BC có khung hình phạt từ 3 đến 20 năm tù. Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sau đó xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm, yêu cầu điều tra, xét xử lại từ đầu.
Ngày 9-9-2015, sau 3 ngày xét xử, TAND tỉnh Gia Lai bất ngờ trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, điều tra lại vụ án. Đến nay, vụ án vẫn chưa được xét xử lại. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, chính kiểu xét xử không nghiêm của hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai và TAND Tối cao tại Đà Nẵng khiến những “con sâu” ngành y tỉnh này “lờn thuốc”, bất chấp luật pháp?.