Họp báo thông tin vụ phá rừng biên giới do Báo Công an TP.HCM phản ánh

Thứ Ba, 18/04/2017 16:05  | Chí Dũng

|

(CAO) Sáng 18-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo thông tin về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung Báo Công an TP.HCM từng phản ánh “Phá nát rừng vùng biên” ở huyện Ngọc Hồi.

Buổi họp báo

Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Tấn Liêm, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: Sau khi báo chí phản ánh, đoàn kiểm tra gồm kiểm lâm, Công an huyện Ngọc Hồi, Đồn Biên phòng Đắk Xú, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi tiến hành kiểm tra, xác minh tại các điểm do phóng viên cung cấp gồm: Tiểu khu 164, 165, 170 và 171 ở 2 xã Đắk Xú và Đắk Nông. Đoàn kiểm tra phát hiện 102 gốc bị chặt. Trong đó có 13 gốc mới tương đương với 10,41m3, và 89 gốc cũ được xử lý năm 2016.

Đối với số gỗ cũ bị chặt xảy ra tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi tiến hành kỷ luật 5 cá nhân và 2 tập thể. Cụ thể kỷ luật cảnh cáo 3 cá nhân, 2 cá nhân khác bị khiển trách, trong đó có Giám đốc lâm trường Sa Loong và Giám đốc lâm trường Dục Nông.

Cũng tại xã Đắk Nông từ ngày 4-3 đến ngày 5-3-2017, C47- Bộ Công an phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tình hình mua bán, kinh doanh cất giữ lâm sản của Công ty TNHH MTV Tuấn Sỹ, phát hiện hơn 101m3 khối gỗ không phù hợp với hồ sơ công ty xuất trình. Số gỗ trên đã được bàn giao lại cho Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Vấn đề dư luận và các phóng viên quan tâm về điểm nóng phá rừng ở huyện Ngọc Hồi sao chưa xử lý được, chỉ khi phóng viên cung cấp mới tìm ra? Ông Liêm xác nhận, Ngọc Hồi là địa bàn cửa khẩu nên phức tạp; không chỉ người dân Kon Tum phá rừng, còn nhiều người ở các tỉnh khác cũng đến đây khai thác.

Cận cảnh nhóm lâm tặc ngang nhiên phá rừng
 
Những gốc cây còn trơ giữa rừng

“Trong 165 vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh trong quý I-2017 có 6 vụ do báo chí cung cấp, kiểm lâm phát hiện 55 vụ, đoàn liên ngành 88 vụ, công an 5 vụ… Như vậy không thể nói lực lượng kiểm lâm làm ngơ trước các vụ phá rừng. Tôi chỉ cần các anh em phóng viên cung cấp được bằng chứng về sự tiếp tay của kiểm lâm, ngay hôm nay báo, ngày hôm sau tôi cho chuyển ngay”, ông Liêm trả lời.

Trước câu hỏi “Hình ảnh thực tế phóng viên ghi nhận tại hiện trường có rất nhiều cây gỗ bị chặt hạ (nếu cần sẽ cung cấp hình ảnh, clip) nhưng tại sao chỉ phát hiện có 102 gốc, trong đó có 10 gốc mới? Ông Nguyễn Trung Hải, Giám Đốc Sở NN&PTNT trả lời: “Đoàn liên ngành chỉ mới kiểm tra trong 3 ngày ra được kết quả trên. Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã làm việc với UBND huyện Ngọc Hồi để tiếp tục kiểm tra tiếp, trong đó có các bãi tập kết gỗ, khi nào có kết quả sẽ thông tin cho quý báo”.

Trước đó, như đã phản ánh, dù Thủ tướng đã có chỉ đạo “đóng cửa rừng”. Vậy nhưng, rừng ở huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) vẫn bị tàn phá không thương tiếc.

Từ con đường NT18 (thuộc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) đi khoảng 7km băng qua nhiều đồi trọc là đến rừng xã Đắk Xú và Đắk Nông. Tại đây, những cây gỗ lớn, nhỏ bị các lâm tặc cưa, đốn ngã xuống đất, có cây đường kính hơn 80cm và được xẻ ra thành các phách gỗ có chiều dài khoảng 2m, nhiều khúc, phách gỗ còn nằm ngổn ngang trong rừng. Càng đi, rừng bị tàn phá nham nhở với mật độ dày hơn, có điểm có 2,3 cây gỗ bị phá nằm sát nhau.

Sau khi Báo Công an TP.HCM phản ánh vụ việc, các nhóm lâm tặc đi trên xe máy độ chế kéo vào tàn phá rừng ở xã Đắk Xú và Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi), UBND tỉnh Kon Tum có văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh. UBND tỉnh Kon Tum giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ngọc Hồi và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh. Sau đó báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét.

Bình luận (0)

Lên đầu trang