Hành trình đi tìm nhân vật trong bức ảnh lịch sử ‘Hai người lính’

Chủ Nhật, 14/05/2017 00:47  | Song Ngọc

|

(CAO) Năm 2007, triển lãm ảnh “Những thời khắc không thể quên” tại Bảo tàng Cách mạng (Hà Nội) và “Ký ức chiến tranh” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) lần đầu tiên công bố bức ảnh Hai người lính từng được ông bấm máy năm 1973.

Bức ảnh đặc biệt bởi hình ảnh hai người lính trẻ tuy ở hai chiến tuyên nhưng khoác vai nhau như những người bạn thân quen đã dành được sự quan tâm của rất nhiều người và giới báo chí. Đến năm 2015, kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, bức ảnh càng như một thông điệp mạnh mẽ mong muốn hòa giải, hòa hợp. Không chỉ bây giờ mà trước đó hàng chục năm hòa bình, hòa giải đã là mong ước của những người lính trẻ của cả hai bên.

BỨC ẢNH LỊCH SỬ TỪNG “NGỦ YÊN” HƠN 30 NĂM

Hoàn cảnh ra đời cũng quá trình đưa bức ảnh Hai người lính đã được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia cùng nhà báo Dương Phương Vinh hiện công tác tại báo Tiền Phong khá chi tiết, như vừa xảy ra ngày hôm qua. Ðó là khoảng cuối tháng 3-1973, Hiệp định Paris có hiệu lực, ông Thành khi ấy 29 tuổi, được cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cử vào Quảng Trị ghi lại hình ảnh trao trả tù binh giữa quân Giải phóng và quân đội Việt Nam cộng hòa. Ông đến mặt trận Long Quang, Cửa Việt thuộc xã Triệu Trạch, tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu khu vực giáp ranh- vừa có quân đội VNCH vừa có bộ đội đóng quân.

Bức ảnh Hai người lính. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành

“Tôi nhớ, giới tuyến hai phe được phân định bởi chiếc dây thừng. Bất ngờ, tôi nhìn thấy hai phía “địch ta” vẫy nhau, những người lính cộng hòa gạt dây thừng đi sang địa phận quân giải phóng, chuyện trò rôm rả. Một người lính trẻ Sài Gòn mặc bộ rằn ri, tươi cười bắt tay cô du kích xã Triệu Trạch. Anh bộ đội đứng cạnh thân mật quàng vai anh ấy. Xung quanh, người của hai phía đều vui vẻ, hồ hởi. Thú vị ngoài sức tưởng tượng nên tôi nhanh chóng lấy nét, bấm một kiểu trung cảnh. Ðột nhiên người lính Sài Gòn nói: Anh nhà báo, chụp cho em một kiểu với anh giải phóng đây. Tôi nghe vậy thích quá. Lúc bấm máy, tôi thực sự hồi hộp và xúc động nhận ra rằng: Ðến thời điểm những người lính Sài Gòn không muốn cầm súng nữa”, ông Thành nhớ lại.

Sau đó ông Thành về trụ sở Phân xã Quảng Trị tráng phim, thấy ảnh hiện lên rõ nét sáng sủa, bèn viết chú thích, gửi ảnh ra Hà Nội. Chú thích hơi dài, nhưng từ triển lãm ảnh cá nhân năm 2007, bức ảnh được đặt tiêu đề Hai người lính.

Bức ảnh chụp cùng thời điểm với Hai người lính. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành

Về lý do vì sao bức ảnh Hai người lính phải hơn 30 năm mới được công chúng biết đến, ông Thành cho biết, sau chuyến công tác, trở về Phân xã Nhiếp ảnh của TTXVN ở Hà Nội, khi xem lại các ảnh của mình do phòng Ðịa Phương dựng makert đã biên tập xử lý, thì thấy bức chụp hai người lính không được “lưu”, cũng không được “phát”. (Lưu tức là cắt phim, đánh số đưa vào kho lưu trữ để dùng lâu dài. Phát, tức là phóng ảnh rồi chuyển phát cho các báo sử dụng ngay). Lục tìm ở kho lưu trữ, trong đống phim bỏ đi, vẫn không thấy, tuy nhiên may mắn thấy tấm phim anh lính Sài Gòn bắt tay cô du kích.

Ông Thành xin mấy chị tổ Tư Liệu mẩu phim và bóc tấm ảnh mẫu Hai người lính từ maket đem về kẹp trong sổ công tác. Đến 2007, ông Thành làm hai triển lãm ảnh: Những thời khắc không thể quên tại Bảo tàng Cách mạng (Hà Nội) và Ký ức chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TP.HCM thì Hai người lính mới lần đầu được biết đến và được báo chí cùng nhiều người quan tâm.

SỐ PHẬN ĐỜI THỰC HAI NGƯỜI LÍNH

Hành trình đi tìm các nhân vật Hai người lính là một câu chuyện dài, nhiều nhà báo đều muốn đi đến cùng của sự thật, liệu sau hơn 40 năm, hai nhân vật này có được hưởng trọn về niềm vui hòa bình mà hai người từng “tạm thời” được trải qua năm 1973?. Trong đó, có hai nhân vật tâm huyết, dày công xuôi ngược Nam – Bắc mong được gặp lại hai nhân vật lịch sử này là chính tác giả của bức ảnh nổi tiếng – nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và nhà báo Dương Phương Vinh (Trưởng ban văn nghệ Báo Tiền Phong).

Cựu binh Nguyễn Huy Tạo. Ảnh: Nhà báo Dương Phương Vinh

Đầu tiên phải kể việc lần tìm nhân vật anh Bộ đội giải phóng. Một số báo đã tiếp cận với ông Phan Tư Kỳ, xã đội trưởng xã Triệu Trạch, Quảng Trị năm 1972-1973. Ông Kỳ xác định bối cảnh bức ảnh là nơi Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320 của ta đóng quân, với 5 đại đội thuộc 2 tiểu đoàn rải quân, chốt dọc ranh giới của quân đội hai bên, dài hơn 2km. Sau đó, xuất hiện hai nhân chứng của Ðại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48. Một là ông Ðỗ Bê, nguyên Ðại đội trưởng Ðại đội 5 khẳng định anh bộ đội trong ảnh là lính của mình. ông Ðỗ Thành Chấm, cho rằng anh bộ đội đó vừa là đồng đội vừa là bạn thân ông, người thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội tên là Dương Minh Sắc, sinh 1954. Tuy nhiên ông này đã mất 6-7 năm trước.

Thế nhưng tháng 5-2015, một người đàn ông tìm gặp ông Chu Chí Thành tại nhà riêng, để ôn lại kỷ niệm ở mặt trận Long Quang, Cửa Việt năm 1973. Sau vài phút trò chuyện, vị khách xác nhận Ông chính là anh bộ đội trong bức ảnh Hai người lính, cựu binh Nguyễn Huy Tạo hiện đang sinh sống tại Hà Nội.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành – Tác giả bức ảnh Hai người lính. Ảnh: Xuân Lâm

Qua ông Tạo, bối cảnh bức ảnh lịch sử lại được tái hiện từ nhân vật chính của nó. Ông Tạo kể: “Năm 1973, cuộc trao trả tù binh mà anh Chu Chí Thành chứng kiến, diễn ra ở sông Thạch Hãn, còn chỗ chúng tôi đóng chốt là mặt trận Long Quang, Cửa Việt, cách sông Thạch Hãn mấy chục cây số. Nơi hai phía địch ta đồn trú ở Long Quang chỉ cách nhau 50 mét, mỗi bên cắm cờ của mình. Hiệp định Paris có hiệu lực, hai bên vui mừng ôm lấy nhau, sau đó sang nhau chơi nói chuyện hỏi han về gia đình của nhau. Phía quân đội Sài Gòn thường chủ động sang bên chúng tôi. Họ tỏ ra tò mò về những người lính Bắc Việt. Hồi ấy chúng tôi đều trẻ trung, đa số học xong tú tài (lớp 10 cũ) hoặc đang học đại học”.

Ông Tạo cũng kể thêm: "Trước khi anh Thành đến, hai phía đã có một số buổi gặp gỡ chuyện trò. Ðặc sản lính được mang ra đãi trong các cuộc gặp là kẹo Hải Hà, thuốc lào Tiên Lãng..., còn bọn họ có thuốc lá Ruby, sô cô la, kẹo cao su... Tôi 20 tuổi, là Trung sĩ Tiểu đội trưởng. Anh lính Sài Gòn chụp ảnh cùng cũng trạc tuổi tôi, cũng Trung sĩ nhưng là Trung sĩ tâm lý chiến. Anh cho biết trước khi đi lính, anh là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Anh có nói tên nhưng rất tiếc lâu quá tôi quên mất. Việc anh chủ động đề nghị anh Thành chụp ảnh không ngẫu nhiên. Trước đó chúng tôi đã biết nhau, trò chuyện vài lần rồi. Rồi được biết cũng vì gấp rút báo động mà lựu đạn gài của phía họ phát nổ, có lẽ do ai đó chạy chệch hướng qui định. (Lựu đạn gài là một loại vũ khí sát thương nhanh, chỉ Mỹ có còn quân ta không có). Hôm sau tôi đứng bên này hỏi vọng sang bên kia về người lính đã chụp ảnh cùng mình thì được biết anh ấy đã chết do không may vấp phải lựu đạn gài".

Ông Bùi Trọng Nghĩa (bìa trái) kể về tấm ảnh Hai người lính với PV báo CATP

Một sự thật khá nghiệt ngã, hai con người chỉ vừa hạ súng, khoác vai nhau được vài ngày, giờ phải nghe mất mạng vì lựu đạn khiến ông không muốn tin là sự thật, bởi ông Tạo còn nhiều điều muốn tranh luận với người lính này. Nhà báo Dương Phương Vinh vừa hồ hởi khi gặp được cựu binh Nguyễn Huy Tạo thì lại xót xa khi hay tin sẽ không có cuộc hội ngộ của hai người lính khi đất nước thật sự được hòa bình.

Nhưng có lẽ như được xếp đặt, những câu chuyện cảm động thường có kết hậu. Nhà báo Dương Phương Vinh vẫn theo đuổi đề tài này, vẫn muốn tìm ra tông tích người lính còn lại. Cô vẫn âm thầm theo dõi những thông tin mới nhất thậm chí từ mạng xã hội. Tình cờ vào Facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn, bức ảnh nổi tiếng Hai người lính được ông chia sẽ với nội dung: “Hãy để mỗi 30/4 là thêm một cột mốc người Việt siết chặt tay nhau hơn…có bài viết kể người lính Nam đã chết ngay sau đó. Nhưng tôi không muốn tin điều khắc nghiệt ấy”. Hy vọng lại lóe lên, trong hàng trăm bình luận ở FB Trần Đăng Tuấn, một dòng ngắn ngủi rằng người lính còn lại trong bức ảnh còn sống. Bằng chứng là một thẻ căn cước cũ và một chứng minh nhân dân được làm sau năm 1975 mang tên Bùi Trọng Nghĩa. Nhưng rất tiếc, ông Nghĩa không muốn xuất hiện.

Tôi nhận được điện thoại của chị Dương Phương Vinh, chị nói sẽ vào TP.HCM để tìm bằng được ông Nghĩa. Những thông tin sơ bộ về người này được chị chia sẽ để làm manh mối đi tìm người đàn ông giữa thành phố gần 10 triệu dân này. Nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người (chúng tôi xin mạn phép giấu tên) thì được biết Ông Nghĩa tên đầy đủ là Bùi Trọng Nghĩa (sinh ngày 2-8-1954, quê quán Bình Định), trước đây sinh sống tại quận Phú Nhuận với mẹ ruột (ông Nghĩa là con một), vì bệnh nặng mẹ ông bán nhà về ở tại Thủ Thiêm rồi quận 4, sau đó lại về Hóc Môn. Đến năm 2010 thì mẹ ông mất.

Đến ngày 5-5-2017, chúng tôi có mặt trước một căn nhà cấp bốn ở quận 12, một người đàn ông ngoài 60 tuổi ra mở cửa, nhà báo Dương Phương Vinh thốt lên: “Đúng rồi! Đúng ông ấy rồi…”. Khá dè dặt nhưng ông Nghĩa đoán ra chúng tôi là ai, nhưng bất ngờ vì không nghĩ ai đó có thể tìm đến tận nhà của ông: “Có nhiều nhà báo, cả đài truyền hình gọi quá trời! Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn gì nữa đâu mà nói chứ!”

Nhưng rồi cảm xúc về ký ức ngày xưa như bất ngờ quay về với ông Nghĩa: “Tôi đi lính năm 1972, vừa huấn luyện xong thì được điều ra Quảng Trị. Được vài tháng thì tôi bị thương vì B40, nhưng không nặng lắm. Từ đó chúng tôi rút dần về Đà Nẵng đến gần giải phóng thành phố này thì tôi ra đầu hàng. Đi cải tạo vài tháng rồi tôi trở về Sài Gòn sống một cuộc sống dân thường bao năm qua”

Khi được cho xem bức ảnh lịch sử Hai người lính, ông tỏ ra không ngạc nhiên vì đã được thấy hơn một năm về trước và cũng vì nó mà cuộc sống của gia đình ông bị ảnh hưởng ít nhiều: “Nhiều người muốn gặp tôi, kể cả ở hải ngoại. Thậm chí là muốn giúp đỡ về vật chất, nhưng tôi đều chối từ vì không muốn nhiều chuyện phức tạp. Lúc đó tôi là hạ sĩ thuộc tiểu đoàn số 6 (Thần ưng) đóng quân tại Long Quang – Cửa Việt, cách nơi trao trả tù bình hàng chục cây số. Không khí lúc đó không giống như chiến tranh, hai bên đều rất thân thiện với nhau, thường xuyên qua lại nói chuyện, chia sẽ đồ ăn thức uống cho nhau dù cách đó không xa thỉnh thoảng vẫn có vài xung đột giữa lính dù và quân giải phóng. Xem đoàn văn công biểu diễn thì tôi được xem hai lần, các cô ấy rất đẹp và trắng. Người chụp hình chung (ông Tạo) chúng tôi đã gặp vài lần, có trò chuyện hỏi thăm về gia cảnh nhau. Lần cuối, tôi hẹn mai đem cà phê, còn anh ấy góp đường để cùng uống. Nhưng rất tiếc là cà phê hôm sau chỉ mình tôi uống.”. Chi tiết góp đường uống cà phê chung được cựu binh Nguyễn Huy Tạo xác nhận khi nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với ông Nghĩa: “Hôm đó không gặp anh để đưa đường pha cà phê vì tôi được lệnh rút ra bắc…”

Ngoài ra, rất nhiều chi tiết khác không chỉ liên quan đến bức ảnh nổi tiếng mà cuộc sống hàng ngày trong thời gian đó đều được hai người lính nhắc lại, dù là ngắn ngủi qua điện thoại. “Lúc đó tôi nghĩa hòa bình rồi, mình được sống rồi. Chứ có ai muốn cầm súng ra nơi chỉ có nắng, gió và những trận đánh khốc liệt như ở mặt trận Quảng Trị.”

Qua 44 năm, hai nhân vật trong bức ảnh Hai người lính cuối cùng cũng được tìm ra, càng vui hơn khi có một thông tin nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành sẽ có cuộc triển lãm ảnh nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, và cả ba con người ấy sẽ có cuộc hội ngộ đầu tiên trong hòa bình sau gần nửa thế kỷ bức ảnh Hai người lính ra đời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang