(CAO) Trước đó, tác giả và cũng là nhà báo nổi tiếng của Na Uy là Tom Egaland đã đăng một bài viết trên Facebook, trong đó có nói về việc nhiếp ảnh có thể tác động thế nào đến các sự kiện diễn ra trên thế giới.
Trong số 8 bức ảnh ông đăng tải kèm thông điệp trên có bức ảnh của phóng viên ảnh Nick Út, chụp cô bé Kim Phúc vào tháng 6-1972. Khi đó, Kim Phúc mới 9 tuổi, ngôi làng của cô bị trúng bom napalm, sức nóng của quả bom đã gần như đốt cháy toàn bộ quần áo và da của Kim Phúc, cô vừa chạy vừa gào khóc.
Bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm"
Phóng viên Nick Út đã chụp lại khoảnh khắc trên, ông đã giành giải thưởng danh tiếng Pulitzer. Thế nhưng, Facebook đã "lọc bỏ" bức hình thông qua chương trình "kiểm duyệt nội dung nhạy cảm" mà trang mạng xã hội này trước đây vẫn từng làm.
Quyết định này của Facebook đã bị nhiều người Na Uy phản ứng, và họ liên tục đăng tải lại bức ảnh nhưng vẫn tiếp tục bị xóa. Đây không phải là trường hợp đầu tiên một tác phẩm nghệ thuật "bị vướng" bởi bộ lọc của Facebook. Đã có rất nhiều tranh, ảnh nghệ thuật "bị cấm" do cũng chứa nội dung được trang mạng xã hội này "đánh giá" là nhạy cảm.
Tác giả, phóng viên Nick Út bên bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm"
Tờ báo Dagsavisen đã liên lạc với nhân vật trong ảnh là bà Phan Thị Kim Phúc, hiện 53 tuổi, đang sinh sống tại Canada. Bà Kim Phúc vẫn giữ vai trò nhà hoạt động vì hòa bình, bà bày tỏ thái độ không vui với việc này.
Khi nhà báo Egeland chia sẻ đường dẫn tới bài của tờ Dagsavisen trên Facebook về chủ đề này, Facebook đã xóa bài viết và chặn tài khoản của ông trong vòng 24 giờ. Các tài khoản post ảnh này cũng sẽ bị tình trạng tương tự. Dù làn sóng phản đối đang khá mạnh mẽ nhưng đại diện Facebook hiện vẫn im hơi lặng tiếng.