Tàn phá rừng đầu nguồn Hòa Bắc

Thứ Bảy, 03/06/2017 12:27  | Hoàng Quân

|

(CAO) Sau nhiều giờ vật vã đường rừng, PV đến khu rừng phòng hộ đầu nguồn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) và chứng kiến cảnh tàn phá rừng nghiêm trọng.

“Rút ruột” rừng đầu nguồn ở khe Đương

Đi theo cung đường độc đạo vào xã Hòa Bắc với nhiều ổ voi, ổ gà, khói bụi chằng chịt do lượng lớn xe tải chở vật liệu qua lại, PV cùng đồng nghiệp đến được đường mòn để vào khe Đương. Con đường “hành xác” này từng là nỗi ám ảnh của các PV khi tiếp cận khu vực rừng này trong nhiều năm qua. Nhiều đoạn, chúng tôi phải cài xe máy số 1, 2 rồi dắt bộ lên dốc. Mặt đường gồ ghề đá, đất sét pha cát khiến xe ngã túi bụi, trượt xuống dốc. Khó khăn lắm chúng tôi mới dựng xe được và đẩy lên dốc.

Gỗ rừng tự nhiên bị khai thác

Thỉnh thoảng, sự yên bình trong rừng xanh bị xé toang bở những tiếng gầm rú của động cơ. Đó là những chiếc xe máy đã được “độ” của những người dân địa phương đang đi vào rừng. Những người này nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại, nghi ngờ. Mất gần 2 giờ đồng hồ leo qua nhiều con dốc dựng đứng, đường đá lởm chởm, chúng tôi cũng đến được khu vực rừng tại thuộc khoảnh 6, tiểu khu 29 rừng Hòa Bắc do Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Bông Sen Vàng) làm chủ rừng.

Một gốc cây lớn bị đốn

Từ khu nhà lán của Công ty Bông Sen Vàng, có một lối mòn với dốc gần dựng đứng dẫn lên phía trên. Đi một đoạn nữa, chúng tôi gặp 3 người mang theo “hành lý” từ trong rừng ra. Các công nhân của Công ty Bông Sen Vàng nhận ra những người quen vì họ thường vào rừng khai thác gỗ. “Hôm nay có thể đã bị “động” nên họ rút ra khỏi rừng. Thông thường khi có cán bộ, cơ quan chức năng hay báo chí đi vào khu vực khe Đương là có người làm nhiệm vụ cảnh giới ở bên ngoài thông báo cho những người khai thác gỗ ở bên trong để họ án binh, rút lui, tìm cách đối phó”, một công nhân cho biết.

Rừng đầu nguồn Hòa Bắc bị tàn phá nghiêm trọng

Tiếp tục đi ngược lên đỉnh núi gần với tiểu khu rừng 27, PV ghi nhận có nhiều lối mòn xuyên vào rừng. Theo các lối mòn này có nhiều cây gỗ lớn bị khai thác từ nhiều năm trước. PV tiếp tục khảo sát ở 3 ngọn đồi nữa nằm giữa tiểu khu 27 và 29 và phát hiện các “công xưởng” khai thác gỗ giữa rừng. Những cây gỗ gụ, kền kền… được lâm tặc dùng cưa máy hạ xuống, xử thành phách sau đó vận chuyển đưa ra khỏi rừng.

Hiện trường cho thấy việc khai thác gỗ vừa được thực hiện chỉ trong 1 vài ngày trở lại khi mùn cưa, các phách gỗ còn tươi mới, nhiều lá còn xanh khắp nơi, cơm, nước ngọt vương vãi khắp nơi.

Đặc biệt khu vực rừng ở tiểu khu 29 bị “rút ruột” nghiêm trọng khi nhiều gốc cây vừa bị triệt hạ, gỗ được xử thành phách, thành khúc còn nằm ngổn ngang, chưa kịp vận chuyển ra ngoài. Nhiều gốc cây vẫn còn chảy mủ, nhựa tươi rói. Ở một con suối gần đó có lán trại của lâm tặc, vẫn còn nhiều vật dụng như quần áo, nồi niêu, nước ngọt, bánh trái... Một số khúc gỗ lớn, phách gỗ được che giấu bằng cành, lá cây.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi gỗ được khai thác trong rừng, được xẻ thành phách sau đó vận chuyển ra bìa rừng, đưa lên xe máy “độ” rồi chở ra nơi tập kết. Mỗi ngày, một lâm tặc có thể đem được 2-3 phách gỗ ra khỏi rừng, bán với giá 400-600 nghìn đồng mỗi phách.

Xác minh, điều tra ai phá rừng

Khu vực rừng bị phá gần tiểu khu 27 là rừng tự nhiên đầu nguồn có chức năng rừng phòng hộ. Còn rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 29 do Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng làm chủ rừng. Đơn vị này đã được UBND TP.Đà Nẵng giao đất giao rừng theo Quyết định số 2188 ngày 21-4-2017 về việc thu hồi rừng giao cho Công ty Bông Sen Vàng để trồng rừng, quản lý bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh. Công ty này được giao 21ha đất rừng. Điều đáng nói, đơn vị này chỉ vừa được giao đất giao rừng nhưng đã đầu tư trang thiết bị, máy móc để thực hiện các công đoạn thăm dò khai thác khoáng sản (chủ yếu là vàng) từ 3 năm nay.

Gỗ bị khai thác từ trước

Ông Phạm Văn Mạnh, người phụ trách tại hiện trưởng của Công ty Bông Sen Vàng cho biết, Công ty đang chờ thủ tục được cấp phép để thực hiện thăm dò khai thác khoáng sản và thực hiện các yêu cầu của chính quyền địa phương. Về tình trạng phá rừng trên diện tích đất rừng đã được giao, ông Mạnh cho biết: “Chúng tôi thừa nhận chỉ chặt một vài cây làm lán trại để cho người trông nom diện tích đất rừng, đẩy đuổi những người khai thác vàng trái phép xâm nhập. Việc phá rừng là do người dân địa phương (lâm tặc) thực hiện. Hàng ngày, lâm tặc thường đi đến khu vực rừng này và khai thác gỗ sau đó vận chuyển ra bên ngoài tiêu thụ. Ngoài ra, một nhóm người khai thác vàng trái phép trong diện tích đất của công ty cũng phá rừng. Mục đích của họ là mong muốn chính quyền, các cơ quan kiểm tra, xử lý trách nhiệm xảy ra phá rừng trên diện tích đất của chúng tôi để họ có điều kiện, có thêm thời gian để khai thác vàng trái phép trước khi công ty được cấp phép hoạt động”.


Clip: Tàn phá rừng đầu nguồn Hòa Bắc

Sáng 3-6, bà Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Nhận được thông tin có khai thác gỗ tại khu vực trên, UBND xã và Hạt kiểm lâm huyện Hòa Vang đã vào cuộc kiểm tra thực tế. Chúng tôi ghi nhận có tình trạng phá rừng. Hiện đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản và đang làm báo có gửi UBND huyện”.

Theo báo cáo ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang đến UBND huyện Hòa vang cho thấy, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 13 gốc cây bị chặt mới, có đường kính từ 0,3 - 0,6m, trong đó có 8 gốc cây bị chặt mới nằm trong khu vực rừng được giao cho Công ty Bông Sen Vàng.

Trao đổi với PV, ông Đặng Phú Hành - phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hòa Bắc và Hạt kiểm lâm huyện Hòa Vang kiểm tra thực tế; đồng thời đến ngày 10-6, các đơn vị phải hoàn tất báo cáo gửi UBND huyện để có cơ sử xử lý vụ việc. Quan điểm của huyện là xử lý dứt điểm, sai đến đâu xử lý đến đó đối với hành vi phá rừng. Nếu có dấu hiệu và đủ cơ sở về hành vi hủy hoại rừng thì sẽ khởi tố vụ án. Khu vực rừng bị khai phá do Công ty Bông Sen Vàng làm chủ nhưng trách nhiệm về quản lý, bảo vệ thuộc về UBND xã Hòa Bắc và Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang