(CAO) Họ sống ẩn hiện trên ốc đảo giữa lòng hồ thủy điện Sê San. Ban ngày họ đi kiếm con cá, con tôm ở lòng hồ. Đêm về trú ngụ trên những chiếc nhà nổi ngay giữa lòng hồ. Cứ như vậy, hàng chục hộ dân nghèo ở các tỉnh An Giang, Cà Mau, Thừa Thiên Huế… đã hội tụ về đây để hình thành nên ngôi làng ốc đảo trên cao nguyên.
Khai sinh làng chài trên núi
Trên chiếc thuyền cũ kỹ, ông Nguyễn Văn Triều (40 tuổi, được các hộ bầu làm tổ trưởng) đưa chúng tôi ra thăm làng chài hồ thủy điện Sê San (thôn 7, xã Ia Tươi, huyện Ia Hdrai, Kon Tum) vào một ngày cuối mùa khô của Tây Nguyên. Lòng hồ thủy điện lúc này mức nước khá thấp, để lộ ra những vách đá lởm chởm. Chiếc thuyền chầm chậm luồn qua những khe núi dựng đứng, trùng điệp. Sau một hồi lênh đênh, ông Triều lau giọt mồ hôi trên má và chỉ tay về phía xa xa có gần 30 chục nóc nhà đang nhô lên trên mặt nước và nói: “Đây là làng chài ốc đảo, chắc các chú rất hiếm gặp ở Tây Nguyên này”.
Ông Triều người sáng lập ra làng chài
Thấp thoáng phía sau những ngọn núi được phủ một màu xanh, dần xuất hiện những mái nhà được kết lại trên những chiếc bè nằm sát nhau, lưng tựa vào núi. Một khung cảnh yên bình và đẹp đến mê hồn hiện ra trước mắt. Xung quanh được núi bao bọc, không gian yên bình của làng chài trên biển như một bức tranh thủy mặc được khắc họa rõ nét đến từng chi tiết.
Ông Triều tự mình lái thuyền đưa khách đi dạo quanh làng chài. Chiếc thuyền rẽ nước lướt bồng bềnh trên mặt sông. Càng lại gần, cả ốc đảo náo nhiệt bởi tiếng thuyền máy chạy xình xịch, tiếng ngư dân gõ thuyền đuổi cá và cả tiếng sóng vỗ. Đến nhà nào, ông Triều giới thiệu vanh vách danh sách 26 hộ với khoảng 87 nhân khẩu … Trong số đó, hộ sống lâu nhất cũng đã được 7-8 năm.
Một góc làng chài trên ốc đảo
Lời của ông Triều cứ rù rì như tiếng vọng từ buổi hồng hoang: “Quê tôi ở tận An Giang. Năm 2009 mất mùa dữ lắm, miếng ăn cũng thiếu, nói gì cho con cái học hành. Có người bảo tôi lên Tây Nguyên mà sống. Thú thực, tôi chỉ hình dung Tây Nguyên hoang sơ, kỳ bí lắm. Nhưng khi đến đây, mọi thứ không như tôi nghĩ, người dân thì hiền hòa, thiên nhiên thuận lợi”.
“Các chú cứ uống rượu, ăn cá đi đã, rồi thong thả Triều kể chuyện tiếp cho mà nghe” – người đàn ông đứng đầu làng chài “khà” một tiếng rồi nói tiếp: “Hồi đặt chân đến, hồ rộng lớn và hẻo lánh đến kỳ lạ. Ban đầu gia đình tôi được một số hộ dân trên bờ cưu mang, nhưng sau này tôi mới dựng căn nhà nổi ở mặt hồ. Nhà dựng cũng tạm bợ nên lúc gió hoặc sóng vỗ vào là cứ dập dềnh, rung lắc rất nguy hiểm. Bù lại khu này nhiều cá, tôm. Hễ thả lưới xuống là cá dính đen lưới, sướng lắm. Từ đó, tôi xác định đây là quê hương mới của tôi rồi”.
Ngoài thuyền, thì những chiếc ghe bằng máy chính là phương tiện đi lai nơi đây
Thấy ông Triều làm ăn được, 13 hộ dân nghèo đồng hương của ông Triều cũng lên đây theo ông. Sau này, có thêm nhiều hộ ở các tỉnh khác đến để mưu sinh ở khu vực hồ thủy điện. Một làng chài giữa bốn bề rừng núi mọc lên.
Giấc mơ định cư
Sau câu chuyện về thuở khai hoang lập địa của làng chài, ông Triều dùng chiếc thuyền chở chúng tôi đến căn nhà nổi của anh Nguyễn Thành Nhân (quê An Giang). Anh Nhân dẫn chúng tối thăm 1 vòng quanh khu vực nuôi cá lồng. “Giờ xây dựng được cơ ngơi như thế này cũng vất vả lắm các chú ạ. Lúc mới lên đây, các anh em ở đây như người không có lai lịch, phải chạy trốn suốt. Lúc ở Gia Lai thì nhìn thấy cán bộ là cả làng lên thuyền xuôi qua Kon Tum, rồi ngược lại. Nhiều lúc nghỉ lại thấy buồn, sao số phận mình cứ như dòng nước lênh đênh mãi. Đến khi chạy trốn mãi cũng không ổn, chúng tôi mới viết đơn tập thể, mong được đăng ký thường trú ở tỉnh Kon Tum”, anh Nhân nhớ lại.
Cuộc sống sinh hoạt gắn với lòng hồ
Trong số 26 hộ dân sống trên ốc đảo, hộ chị Trần Thị Tý (36 tuổi) đến định cư muộn nhất. Vợ chồng chị lên ốc đảo được 1,5 năm. Khi chúng tôi đến, chị Tý và đứa con nhỏ vừa chèo thuyền về. Đưa mẻ cá mới bắt được lên, chị Tý cho biết, vì tương lai của mấy đứa con nên chúng tôi mới bỏ quê lên đây. Mặc dù đây được gọi là xứ khỉ ho, cò gáy nhưng được cái dễ kiếm tiền hơn. Hiện sống ở ốc đảo, nhưng con tôi và các đứa trẻ ở đây đều được đến trường.
Nói về nghề mưu sinh nơi đây chị Tý tâm sự: “Hàng sáng, vợ chồng tôi mang con rồi lái thuyền đi khắp lòng hồ để thả lưới. Đến trưa thì về nghỉ rồi đầu giờ chiều lại đi đánh cá. Khi đồng hồ điểm 17 giờ, gia đình tôi lại đi đặt đèn vó lưới, đến 3 giờ sáng thì đi kéo vó lên thu cá… Cuộc sống như thế cứ lặp lại từ ngày này qua ngày khác”.
Những đứa trẻ mưu sinh cùng bố mẹ trên mặt hồ
Nói về mơ ước cho cuộc sống tương lai, chị Tý không chút suy nghĩ cho biết ngay: “Giờ không còn ai xua đuổi chúng tôi, xã Ia Tươi cũng cho chúng tôi đăng ký tạm trú, có người đã được nhập khẩu. Chúng tôi giờ chỉ mơ ước có một mảnh đất để xây nhà, tránh gió bão cho những đứa nhỏ yên tâm học hành. Đời bố mẹ chúng khổ quá nhiều rồi nên phải tha hương, chỉ mong con cháu sau này ổn định nơi miền đất mới. Vừa dứt lời, chị cúi đầu che đi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má”.
Rời làng chài trên ốc đảo với nhiều tâm trạng, chúng tôi đến liên hệ với ông Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tươi để chuyển tải mong ước của bà con. Ông Quyền cho biết, xã cũng dành sự quan tâm cho các hộ ở làng chài. Các cấp chính quyền hay hỗ trợ áo phao, ngư cụ và cá giống cho dân nuôi trồng.
Cá nhỏ được người dân phơi khô
“UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện để đề nghị lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư làng chài. Xã cũng đã đi khảo sát, chọn vùng đất dự kiến đưa dân lên bờ. Mọi việc vẫn đang triển khai. Đến nay vẫn đang chờ ý kiến cuối cùng của huyện”, ông Quyền thông tin.