(CAO) Thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước có khoảng 20 hộ dân làm nghề đánh bắt cá đuối và cá lị bằng câu kiều (một loại lưới bắt cá đặc dụng của dân địa phương). Câu kiều giăng đến đâu cá mắc câu đến đó mà không cần dùng mồi nhử. Thế rồi từ đó họ bất đắc dĩ kiêm thêm nghề vớt xác chết.
Chúng tôi tìm về thôn Bình Thái, nơi có khoảng 20 hộ dân làm nghề vớt xác chết dưới nước để tìm hiểu về họ. Vốn dĩ họ không phải là những thợ lặn chuyên nghiệp mà chỉ là những ngư dân bình dị, vươn khơi bám biển làm nghề câu cá đuối, cá lị nuôi sống gia đình.
Để câu những con cá đuối to hơn 1 tạ họ phải dùng câu kiều để câu. Vì câu kiều giăng đến đâu cá mắc câu đến đó mà không cần có mồi. Đặc biệt câu kiều câu cá rất chính xác, mắc vào lưỡi câu thì con mồi chỉ biết ngoan ngoãn mà theo ngư dân vào bờ.
Tâm sự với chúng tôi về nghề câu kiều, ông Võ Trọng Ánh – Chi hội trưởng Nông dân thôn Bình Thái và cũng là một tay thợ lành nghề vớt xác chết kể: “Tôi làm nghề câu cá đuối, cá lị từ cha truyền lại đã hơn 20 năm, cùng anh em trong thôn rủ nhau đi câu kiếm sống nuôi gia đình.
Mỗi câu kiều có khoảng 160 lưỡi câu, giá bán 160.000 đồng. Chất liệu lưới làm từ sợ nilông, lưỡi câu làm bằng inox sáng bóng, có độ cong để khi con mồi chạm vào lưỡi câu sẽ tự về quay phía con mồi khiến con mồi không kịp trở tay dính bẫy. Rồi dần thấy một số xác chết trôi sông, biển, thợ lặn chuyên nghiệp không tìm thấy được nên chúng tôi dùng câu kiều câu thử thì không ngờ vớt được xác. Từ đó tiếng đồn xa nhiều người biết đến chúng tôi nên có việc mất tích hay đuối nước chết, gia đình nạn nhân lại tìm đến chúng tôi cứu vớt.
Làm nghề này bất đắc dĩ chứ ai thích gì, chủ yếu là tạo phúc đức, làm thiện nguyện là chính. Nhiều gia cảnh khó khăn nghèo khổ, chồng mất 3 đứa con nhỏ bơ vơ, anh em chúng tôi không lấy tiền, có lấy chỉ lấy tiền xăng xe để anh em đi về”.
Lưới câu kiều dùng để bắt cá và vớt thi thể Ông Ánh vừa kể chuyện vừa hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng câu kiều khi câu cá, vớt xác người. Ông kể tiếp: “Nhưng điều lạ là khi vớt thi thể rồi thì lưới câu không thể dùng được nữa, phải bỏ dùng lưới mới. Bình thường dùng câu cá tuổi thọ lưới phải kéo dài 20 năm nhưng khi lưới đó dùng vớt người thì chỉ dùng được 4, 5 năm tự nó mục đi. Tôi chỉ thấy lạ mà không thể giải thích tại sao? Câu kiều vớt được người chỉ ở vùng nước bằng phẳng nếu vùng nước có đá ngầm không thể vớt xác được”.
Ông Phan Thế Khoa – Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết thêm: “Nghề câu kiều vớt xác của ngư dân thôn Bình Thái xuất phát từ việc dùng câu kiều câu cá để sinh kế, vốn dĩ không phải là nghề ngư dân kiếm sống. Cực chẳng đã không còn cách nào khác, thợ lặn tìm kiếm không được mới phải dùng đến câu kiều vớt xác vì vớt xác bằng câu kiều thì thi thể bị mắc vào lưỡi câu làm rách da thịt”.
Nghề vớt xác chết bằng câu kiều ở thôn Bình Thái ngày càng được nhiều người biết đến như một cứu cánh hy vọng cuối cùng của những gia đình lâm hoàn cảnh mất người thân bị đuối nước mà chưa tìm thấy xác.
Ông Võ Trọng Ánh, người kể câu chuyện vớt thi thể