Cố đô Huế giữa lòng Sài Gòn

Chủ Nhật, 11/06/2017 07:55  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Trong khuôn viên rộng 1.000 m2 tại Q.9, TP.HCM, một quần thể di tích Cố đô Huế 'thu nhỏ' được tái hiện đúng kiến trúc theo tỷ lệ 1/700 mang tên Ngự Lãm Viên.

Công trình quần thể di tích cố đô Huế 'thu nhỏ' có 151 kiến trúc như Hoàng thành Huế, Chùa Thiên Mụ, Cầu Trường Tiền, cồn Giã Viên, cồn Hến, lăng các vua triều Nguyễn,... được tái hiện sinh động và mang đậm bản sắc văn hoá lịch sử.

Chủ nhân của công trình Cố đô Huế 'thu nhỏ' là anh Nguyễn Thanh Tùng, một người con xứ Huế xa quê. Tuổi thơ của anh được sống ở Huế vỏn vẹn 5 năm, nhưng vẻ đẹp của Cố đô Huế cũng như lịch sử vùng đất từng là kinh thành nhà Nguyễn suốt 4 thế kỷ đã in sâu vào tâm trí anh.

Năm 2007, Ngự Lãm Viên chính thức hoàn thiện với những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng, nét trạm trổ tinh tế. Các công trình của Cố đô Huế 'thu nhỏ' đều hướng mặt về phía Nam như ở kinh thành.

Xung quanh là dòng sông Hương thơ mộng, núi Ngự Bình; cồn Hến, cồn Dã Viên trong thế tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ (rồng chầu - hổ phục) án ngữ cố đô.

Kinh thành - Hoàng thành - Tử Cấm thành, ba công trình trọng yếu của Ngự Lãm Viên được tái hiện chân thực, tỉ mỉ và tinh tế. Lối kiến trúc quyền uy tối thượng thể hiện rõ khi cả 3 toà thành được bố cục chính giữa theo hướng Bắc, vây quanh giới hạn bởi 3 vòng ngoài lớn, trong nhỏ tạo điểm nhấn cho Cố đô.

Bên cạnh đó là 8 cửa án ngữ các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và Đông Nam - Đông Bắc - Tây Nam - Tây Bắc với lối thiết kế kiểu VAUBAM - phòng thủ, tấn công.

Ngọ môn là mặt tiền của Đại Nội (Hoàng thành và Tử Cấm thành) có 5 cửa, 9 mái và 100 cột tượng trưng cho sự tròn đầy, trường cửu. Hoàng thành có chức năng bảo vệ cung điện, miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn, Tử Cấm thành - nơi ở của vua và hoàng gia, Duyệt Thị Đường (nhà hát cung đình Huế).

Đáng kinh ngạc là các kiến trúc bên trong Đại Nội được tái hiện nguyên mẫu thực các cung Thái Hoà, cung Trường Sanh, Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu và Triệu Tổ Miếu. Xuôi theo dòng Hương Giang là những công trình mô phỏng như cầu Trường Tiền, bến Vân Lâu, đình Thương Bạc, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, Lăng Tự Đức

Một số nhà nghiên cứu văn hoá Huế đến Ngự Lâm Viên đều cho rằng điểm thành công nhất của công trình này là sự tái hiện toàn bộ công trình bị tàn phá do chiến tranh và người xem có thể hình dung bao quát Cố đô Huế.

Theo chủ nhân của công trình, để tạo dựng công trình công phu như Ngự Lâm Viên thì ngoài sự am hiểu về Huế thì còn phải nghiên cứu lịch sử - văn hoá Huế một cách thực thụ như từ hoa văn, viên gạch, khu vườn,.. bởi nó chứa đựng đậm nét văn hoá Huế.

Động lực để anh thực hiện công trình Cố đô Huế 'thu nhỏ' là vì gia đình. "Ba mạ ngày càng già yếu, không thể mỗi lần nhớ Huế là về thăm quê, nên tôi quyết chí phải làm sao để mỗi sớm mai thức dậy là ba mạ thấy Huế trước mắt mình rồi", anh Tùng bộc bạch.

Do đó, công trình Ngự Lâm Viên không phục vụ kinh doanh du lịch, du khách trong và ngoài nước được tham quan hoàn toàn miễn phí.

Một số hình ảnh Cố đô Huế 'thu nhỏ':

Bình luận (0)

Lên đầu trang