Người trồng bí mắc 'cú lừa' nhớ đời

Thứ Năm, 08/06/2017 00:56  | Chí Dũng

|

(CAO) Đã nhiều ngày qua, hàng chục tấn bí xanh và bí đỏ Nhật Bản chín rộ đã đến kỳ thu hoạch nhưng không một thương lái nào đến thu mua. Người dân xã Ia Glai (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) như đang ngồi trên đống lửa khi hàng nghìn quả bí đang dần bị thối rửa ngoài rẫy.

Ký hợp đồng thu mua, đến lúc thu hoạch lại mất tích

Tại rẫy của anh Chu Văn Chiến (thôn Hương Phú, xã Ia Glai) hàng trăm quả bí xanh đã chín nằm lăn lóc trên đất. Những quả bí xanh nặng từ 10-15kg đang bị dần thối rửa và trở thành thức ăn béo bở cho các loại côn trùng như dòi, ruồi… Một số quả còn nguyên vẹn được chất thành đống tại các góc vườn và góc nhà với hi vọng chờ công ty đến thu mua.

Anh Chu Văn Chiến lắc đầu nói, nhà anh trồng 1 ha. "Ban đầu có 2 người của Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên, trong đó có cả bà giám đốc xuống gặp vợ chồng tôi bảo trồng bí xanh và ký hợp đồng bao tiêu. Ban đầu họ cũng cung cấp giống bí xanh trồng nhưng giống không đạt, chết rất nhiều. Để bù lại diện tích bí xanh bị chết, công ty đưa giống bí đỏ trồng thay thế. Như nhà tôi, chỉ có hơn 1 sào bí xanh sống, còn lại trồng bù gần 9 sào bí đỏ Nhật Bản thay thế. Thời gian đầu, người của công ty rất nhiệt tình đến thăm vườn thường xuyên nhưng sau này thưa dần. Đến gần ngày thu hoạch không thấy đâu, gia đình liên hệ với số điện thoại với bà giám đốc thì máy không liên lạc được.

Toàn bộ chi phí bỏ ra đầu tư cho 1 ha trồng bí xanh và bí đỏ của gia đình mất khoảng 70 triệu đồng. Vừa rồi thu hoạch bí đỏ, không ai mua nên vợ tôi đem ra đường quốc lộ bán. Bán mấy ngày mới hết nhưng chỉ được 3 triệu đồng, còn bí xanh không có ai mua nên đành để cho thối rửa ngoài vườn”, anh Chiến cho biết.

Bí xanh đã đến kỳ thu hoạch nhưng không ai mua

Trên con đường Quốc lộ 14 đoạn đi qua huyện Chư Sê, có rất nhiều bí đỏ Nhật Bản của nông dân chất khắp dọc đường để bán. Bất chấp cái nắng hầm hập từ mặt đường nhựa phả vào mặt, những người nông dân vẫn kiên trì bám trụ cùng đống bí để bán cho người đi qua đường nhằm thu lại chút đỉnh. Thế nhưng, cách bán nhỏ lẻ này cũng chỉ giải quyết được 1 phần tồn đọng.

Chị Phạm Thị Tuệ (thôn điểm 3, xã Ia Glai) cho biết, chị bỏ bê hết công việc để bán ngoài đường mấy ngày liền rồi. Nhà chị trồng 4 sào bí đỏ Nhật Bản, công ty không thu mua như cam kết, giờ khổ lắm phải đem ra đường bán. Bán 1 mình bí đỏ thì không được mấy đồng nên đi hái thêm chanh dây và sầu riêng để ra bán cùng. Người đi đường nhìn thấy cảnh bí đỏ trồng vứt đỏ ở ruộng nên mua ủng hộ là chính. Còn trước đó, chị bán không ai mua.

Theo chị Tuệ: “Trong Tết, có người của công ty về đến từng hộ vận động trồng, để dân tin trưởng họ còn ký hợp đồng đóng dấu đỏ hẳn hoi nên tôi mới tiến hành làm. Đến ngày gần thu hoạch, không có ai liên hệ được với phía người của công ty, số điện thoại không liên lạc được. Giờ ai trồng nhiều chỉ có ôm hận, không biết kêu ai”!

Bí xanh chất thành đống bắt đầu hư thối

Người trồng bí thiệt đủ đường

Trong hợp đồng giữa người dân và Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên cũng có đề cập đến việc thu mua: “Căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế, trước thời hạn thu hoạch 5 ngày, người dân phải báo cho bên Công ty để cử người xuống giao nhận hàng. Giá Công ty thu mua giao động từ 5.000 đến 5.5000đ/kg.

Ngay từ trong hợp đồng, người dân cũng đã chịu thua thiệt. Trong hợp đồng có ghi rất rõ điều kiện ràng buộc người trồng tuyệt đối không được bán quả bí nào ra thị trường, nếu bán bị phát hiện thì người nông dân phải bồi thường gấp 10 lần giá mà công ty mua vào. Thế nhưng, trong hợp đồng tuyệt nhiên không có một điều khoản nào ghi trách nhiệm hay cách xử lý nếu công ty không đến thu mua như đã ký kết.

Ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai thừa nhận, trong xã có nhiều rất nhiều hộ trồng bí xanh và bí đỏ cho công ty trên. Tuy nhiên, hiện UBND xã mới tổng hợp được 8 hộ có quy mô trồng lớn, với 18,5ha. Các hộ này ký hợp đồng với với Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên để bao tiêu sản phẩm. Công ty này về ký kết với dân mà không hề thông qua chính quyền xã. Đến ngày thu hoạch, công ty này đã bỏ chạy, điện thoại không liên hệ được và cũng không mua được 1 ký nào cho dân.

“Vụ việc trên, giờ tôi cũng đang đau đầu. Có một số người tự xưng doanh nghiệp về hợp đồng với dân, chủ yếu chỉ nói bằng miệng, chứ chẳng có hỗ trợ tiền bạc gì cả. Đặc biệt, đến ngày người dân thu hoạch bí xanh và bí đỏ thì bỏ chạy, không mua. Bí xanh người dân tận dụng đem đi bán lẻ còn thu lại được khoảng 50-60% vốn, còn bí xanh không ai mua để ngoài đồng”, ông Phi nói.

Người dân đem bí đỏ ra bán dọc đường

Theo Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, hiện Phòng đã nắm được vấn đề. Các hộ này tự ký hợp đồng với các công ty không thông qua chính quyền.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân khi ký bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến trồng các loại giống mới phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ. Trước khi đặt bút ký với các đơn vị thì phải thông báo cho chính quyền địa phương biết, để kiểm tra tư cách pháp nhân cho rõ ràng, tránh trường hợp đáng tiếc như thế này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang