Trên từng góc phố:

Phố Lê Công Kiều – Nơi giữ ‘hồn’ đồ cổ

Thứ Bảy, 03/06/2017 09:14  | Lâm Vi

|

(CAO) Mang trên mình nét trầm mặc giữa nơi sầm uất nhất Sài Gòn, dường như phố Lê Công Kiều (Q.1) chưa bao giờ đánh mất nét u hoài. Những gian nhà với lối kiến trúc rêu phong, những món đồ cổ có niên đại hàng trăm năm được bày bán trải dài những lối đi…đưa khách tham quan lạc sang "thế giới" khác.

Tìm về ngày tháng cũ

Trong giới chơi đồ cổ Sài Gòn, không ai không biết đến phố đồ cổ Lê Công Kiều nằm giữa khu đô thị nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn. Được biết, trước đây, nơi này là một khu chợ chuyên bán đồ mỹ nghệ, đồ gia dụng… từ quạt máy, sành sứ, đồng hồ chứ chưa ai gọi là phố đồ cổ như hiện nay.

Giữa phố thị ồn ào, phố đồ cổ Lê Công Kiều vẫn mang trong mình nét cổ kính vốn có từ nhiều năm trước: không có nhiều xe qua lại, không có những con hẻm ngang dọc cắt ngang, chỉ vỏn vẹn hơn 200 mét nhìn từ đầu đường bên này có thể thấy đầu đường bên kia.

Xung quanh phố Lê Công Kiều là chợ Bến Thành trăm năm tuổi, giao lộ Hàm Nghi, tuyến Metro đang trong quá trình hoàn thiện, bến xe buýt… và những cao ốc chọc trời. Vì thế, sự yên ắng của con phố đầy hoài niệm Lê Công Kiều như một nốt trầm bình lặng đối với những người yêu thích những điều xưa cũ.

Đến với phố Lê Công Kiều người ta như lạc vào thế giới của hoài niệm, những đồng tiền cổ, những chiếc bình gốm thời nhà Nguyễn, nhà Thanh đến cả những vật dụng như chén, dĩa, đèn măng – xông, lư đồng, bát nhang, tượng Phật…

Toàn cảnh phố đồ cổ Lê Công Kiều (Q. 1)

Ở phố đồ cổ Lê Công Kiều đa số đồ vật trưng bày là vật dụng trong gia đình, chẳng hạn như chén gốm thời Trần, bộ chén đĩa có xuất xứ từ Nhật Bản, những chiếc rìu Đông Sơn trăm tuổi… có giá từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Không chỉ có đồ bình dân, những đồ vật có giá trị hiện kim như tiền giấy Đông Dương, tiền xu thời Lý cho đến những vật dụng chỉ nhà quan mới có từ xưa như những bức hoành phi cỡ lớn cũng được bày bán tại con phố này. Nhiều năm trước đây, phố Lê Công Kiều chuyên bán đồ đồng, đồ cổ và đồ giả cổ, mãi đến sau này mới bán đồ cổ cao cấp. Có thể tìm thấy nơi đây những món đồ cổ có giá trị hàng trăm triệu đồng đến tiền tỉ, có xuất xứ từ nhiều nơi trên thế giới.

Người ta thường hay nghĩ đến những người sưu tầm cổ vật là những người có thú phong lưu bởi ở họ có nét hoài niệm, giản đơn nhưng sâu sắc. Cũng giống như chợ đồ cổ ve chai Cao Minh (Q. Bình Thạnh), phố đồ cổ Lê Công Kiều đa số lượng khách tìm đến là nam giới, điều này phù hợp với lý lẽ phong lưu của giới sưu tầm đồ cổ.

Một món cổ vật có “giá” là món đồ phải độc đáo, đạt được tiêu chuẩn của một cổ vật và hiếm, cổ vật không phụ thuộc vào số lượng. Để được gọi là cổ vật, giới sưu tầm hay có câu: “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” nghĩa là món đồ phải có kiểu dáng đặc biệt, chất liệu độc đáo, còn nguyên vẹn và thời gian, niên đại lâu đời.

Điều đặc biệt, không gian mua bán đơn giản bởi đa số bảng hiệu ở đây không quá cầu kỳ mà chỉ là một tấm biển nhỏ ghi tên số nhà, khu phố, tên quận, cả người mua cũng như người bán lúc nào cũng nhàn nhã.

Phố Lê Công Kiều là địa điểm không thể bỏ qua đối với khách du lịch khi đến TP. HCM

Còn đó những nỗi trăn trở

Dường như ít người hiểu rằng, người đam mê đồ cổ đang đau đầu với nỗi lo về chất lượng của đồ cổ vốn là món quà tinh thần, sâu xa hơn là giá trị thời gian hoài niệm. Vì đồ cổ là một ngành hàng khá nhạy cảm, vàng thau lẫn lộn, với đủ nguồn hàng thượng vàng hạ cám nên ít có người hỏi về xuất xứ mà chỉ hỏi thời gian, niên đại của món đồ.

Đồ cổ có nhiều loại khác nhau như cổ vật, đồ xưa hay kỷ vật… vì vậy đối với người “sành” đồ cổ rất dễ nhận biết, còn người mới tìm hiểu thì phải mất thời gian “đèn sách” và học hỏi mới nhận ra được.

Tuy nhiên, cũng không ít người tâm huyết với đồ cổ đang đứng trước vấn nạn đồ vật bị "phù phép" dưới nhiều chiêu trò” khác nhau để biến thành đồ cổ. Điều này tùy thuộc vào lương tâm người bán nhưng khiến không ít người yêu thích cổ vật đau đáu, trăn trở.

Không phải là những món hàng tồn tại hàng chục năm mà đó là những thứ mới mẻ được "biến hóa" bằng bàn tay con người để khoác lên mình sự “đau khổ” của một món đồ từng trải qua khoảng thời gian đầy sóng gió bởi nhiều năm lưu lạc, cứ thế mà thành...đồ cổ.

Đồ vật được bày bán khắp mọi nơi từ đầu đường đến cuối đường Lê Công Kiều

Anh Nguyễn Đức Hà chia sẻ: “Tôi thường đi qua đường Lê Công Kiều bởi con đường thu hút với số lượng đồ cổ tập trung đa dạng, phong phú. Nơi đây không ồn ào như những con phố khác nên tôi có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với những người cùng chung sở thích sưu tầm đồ cổ.

Đến đây tôi không chỉ tìm được những món đồ yêu thích mà còn có cơ hội thưởng thức, hoài niệm về một thời xưa cũ”.

Có thể thấy đồ cổ chính là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, níu giữ thời gian, giúp người đời tìm về các giá trị cổ xưa và phố đồ cổ Lê Công Kiều chính là sợi dây kết nối ấy.

Qua bao tháng năm, phố đồ cổ Lê Công Kiều vẫn giữ được nét bình yên, lặng lẽ mà khó nơi nào ở Sài Thành có được về diện mạo cũng như tầm mức ý nghĩa văn hóa, lịch sử.  Trải qua nhiều biến động, đây vẫn đang là nơi chứa đựng những mảng màu ký ức không thể quên của nhiều người.

Sở thích sưu tầm cổ vật không phân biệt địa vị, tuổi tác…
Đồ vật với đủ chất liệu, màu sắc, kiểu dáng… cũng được bày bán tại đây

Bình luận (0)

Lên đầu trang