(CAO) Mỗi năm một lần, vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), lò bánh ú gói bằng lá tre trên đường Phạm Thế Hiển lại rực lửa thâu đêm. Nhà nhà, trước hiên, chị em phụ nữ và cả cánh mày râu ngồi gói bánh liên tay không ngưng nghỉ.
Tết Đoan Ngọ được xem là ngày Tết quan trọng thứ 2 trong năm, sau Tết Nguyên Đán. Vào ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), những mặt hàng như bánh ú nước tro, cơm rượu nếp… bán “đắt như tôm tươi”.
Tại Sài Gòn, trên một đoạn đường Phạm Thế Hiển (ở phường 5, quận 8) bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Nhất là khi đi vào các con hẻm như 1130, 1154,… chúng ta sẽ bắt gặp hàng hàng lò bánh ú đang rực lửa. Nhà nhà, trước hiên, chị em phụ nữ và cả cánh mày râu ngồi gói bánh liên tay không ngưng nghỉ.
Một chủ lò trong hẻm 1154 cho hay: "Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 3 - hết đêm mùng 4 tháng 5 (âm lịch) là những nồi bánh xóm này liên tục được nổi lửa. Cả xóm mấy chục hộ ai ai cũng làm bánh, nấu bánh thâu đêm, rất nhộn nhịp. Trung bình mỗi ngày, mỗi lò cho ra khoảng 20.000 chiếc bánh, bỏ mối sỉ cho các tiểu thương bán lẻ khắp các chợ ở TP.HCM".
Ngay từ ngày mùng 3, khắp các con hẻm ở phường 5 trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) đã nhộn nhịp chuẩn bị cho ra lò hàng chục ngàn cái bánh ú.
Cô Phạm Thị Năm (65 tuổi) cho biết, cô không biết lò bánh ở con đường này có từ bao giờ, nhưng chắc là lâu lắm rồi, trước khi giải phóng.
Cô Phạm Thị Năm cho biết thêm, khi cô 15 tuổi, cô đã được truyền nghề gói bánh ú bằng lá tre với nước tro (bánh ú lá tro) này. Đã qua 50 mùa làm bánh ú, mỗi năm vào dịp Tết Đoan Ngọ, cô gói được vài thiên bánh (1 thiên = 1.000 cái) để kịp ra lò bán cho khách hàng.
Trung bình mỗi người mỗi ngày gói khoảng 1.200 cái (gói từ 3 giờ sáng đến khuya).
Cô Ba bánh ú, nhà ở hẻm 1154, cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 3 và hết đêm mùng 4 tháng 5 (AL) là những nồi bánh trong xóm này liên tục được nổi lửa. Hầu như nhà nào cũng nấu bánh vào dịp này".
Nhà nhà, trước hiên, chị em phụ nữ ngồi gói bánh liên tay không ngưng nghỉ.
Lò bánh của cô Chín Lan cũng hoạt động hết công suất, cho ra lò hàng chục ngàn chiếc bánh dịp này, bỏ mối sỉ cho các tiểu thương và bán lẻ khắp các chợ ở TP.HCM.
Những chiếc thùng phuy được trưng dụng làm nồi nấu bánh.
Củi khô liên tục được châm thêm vào lò.
Trung bình mỗi cái Tết Đoan Ngọ, có lò cung cấp hơn 50.000 chiếc bánh.
Những chiếc bánh ú nước tro to bằng nắm tay người lớn, buộc thành từng chùm với nhau là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Thành phần làm bánh có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc bánh ú nước tro thì phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu.
Nếp là nguyên liệu chính để làm ra những chiếc bánh ú. Không nên ngâm nếp với nước tro quá lâu để tránh mùi nồng của bánh, thường thì người ta sẽ ngâm trong khoảng thời gian từ nửa ngày đến một ngày. Sau khi ngâm xong, vớt nếp ra, xả lại bằng nước sạch để ráo.
Bánh chủ yếu có nhân đậu xanh ngọt. Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát. "Có thêm sầu riêng và mức bí thì nhân bánh sẽ ngon hơn", cô Năm chia sẻ.
Lá tre dùng để gói bánh. Mỗi chiếc bánh ú cần đến 3 chiếc lá để gói.
Dây lạt (hoặc dây chuối) để buộc bánh.
Khi gói bánh, người ta cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây lạt buộc chặt bên ngoài.
Những chiếc bánh ú được gói công phu, bánh có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn.
Bánh ú nóng hỏi được vớt ra lò sau khi được nấu chín. Khi bánh chín, vớt ra còn phải nhúng nhanh qua nước sạch một lần cho nguội bớt, rồi sau đó mới giao cho mối hoặc bán cho khách hàng.
Những chùm bánh chín được vớt ra khỏi lò.
Những chiếc bánh chín tỏa khói nghi ngút, chuẩn bị được bán đi khắp Sài thành.
Điều đặc biệt là bánh ú nước tro là không bán lẻ từng chiếc như các loại bánh khác mà nó được buộc thành từng chùm 12 chiếc, người ta thường mua nhiều chùm về để cúng ông bà tổ tiên và làm quà cho mọi người trong nhà cùng ăn. Mỗi chùm 12 chiếc có giá bán từ 60 - 80 ngàn/chục tùy theo nhân và trọng lượng.
Bên đường Phạm Thế Hiển, những hàng bánh ú cũng được người dân bày bán tấp nập.
Bánh ú lá tro là món ăn truyền thống phố biến không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Người dân quan niệm khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết.