Tôi lật đật đi hỏi mấy hàng xóm phải mua guốc gỗ ở đâu, một chị trầm ngâm đôi ba phút rồi chợt "à", vỗ vai tôi một cái, cười mà rằng: “Chợ Bến Thành đó cưng”. Chị nói chắc như bắp: “Chợ Bến Thành mình cái gì thuộc về hồn quê nét Việt đều có cả. Cưng ra đó mà tìm”.
Gặp người hơn nửa thế kỉ bán guốc gỗ
Sau lời cảm ơn chị hàng xóm, tôi lập tức vòng xe ra chợ Bến Thành trong tiết trời se se lạnh những ngày đầu năm mới. Rảo qua mấy gian hàng giày dép, hỏi thăm vài chủ sạp, tôi cũng tìm được sạp guốc mộc của bà Nguyễn Thị Liên, người mà tôi vừa được biết là người duy nhất bán guốc gỗ còn sót lại ở chợ Bến Thành.
Hàng guốc gỗ của bà Liên hiện ra trước mắt tôi, rộng chừng 1,5m2 lọt thỏm trong không gian mênh mông của những quầy hàng mỹ nghệ, túi xách thổ cẩm, vòng tay, vải vóc,… Bà Nguyễn Thị Liên tóc đã râm bạc, dáng người nhỏ nhắn, bàn tay gầy guộc đang cặm cụi bên hàng guốc.
Qua trò chuyện, được biết bà Liên năm nay đã 70 tuổi, gắn bó với nghề bán guốc gỗ này hơn 50 năm qua, thật đáng quý!
Bà Nguyễn Thị Liên, người đã hơn nửa thế kỉ gắn bó với nghề bán guốc mộc tại chợ Bến Thành. Ảnh: Ngô Đồng
Sau khi tôi chọn được vài đôi ưng ý, bà Liên tiến hành đóng quai guốc cho tôi. Dù đã 70 tuổi, nhưng thao tác của bà vẫn rất nhanh nhẹn. Tay bà run run nhưng đóng guốc chỉ một lần là vừa như in. Tôi buộc miệng nói: “Cho con đóng thử một đôi”, bà Liên đưa dụng cụ, nhưng khi bắt tay vào làm thử thì trầy trật mà đinh vẫn siêu vẹo. Bà Liên cười, bảo: "Hơn 50 năm đóng guốc, nghề dạy nghề, làm riết thành quen, người mới không biết làm có khi đóng trật vào tay".
Vừa đóng, bà vừa thong thả kể chuyện nghề. Bà tỏ bày: "Thời ấy nhà nghèo, tui phải theo người cô ra chợ bán guốc từ năm mười mấy tuổi. Sau khi cô mất, toàn bộ gian hàng rộng 1,5m2 này được để lại cho tui gìn giữ".
Bà kể tiếp, hồi đó, thời kỳ những năm 80, guốc được nhiều người ưa chuộng lắm, hàng ngày đóng guốc cho khách hàng không ngơi tay. Nhưng chỉ khoảng 10 năm sau đó thì không còn ai mặn mà mang guốc gỗ nữa. Hàng guốc của bà Liên vì thế cũng vắng khách, có ngày bà không bán nổi một đôi.
Đã có thời kỳ những đôi guốc gỗ này chìm vào quên lãng... Ảnh: Ngô Đồng
Bà Liên từ tốn nói tiếp: “Đáng lẽ guốc đã chết rồi. Nhưng may mà khoảng năm 2000 trở lại đây, guốc được người nước ngoài ưa chuộng, họ mua làm đồ lưu niệm nên guốc gỗ lại có cơ may… sống lại”. Nhưng vài năm gần đây, kinh tế khó khăn, du khách sang Việt Nam giảm dần, sạp guốc của bà một lần nữa không còn nhộn nhịp. Bây giờ, ngày đắt lắm cũng chỉ bán được khoảng chục đôi, mà trong đó người nước ngoài đã mua hết tám đôi.
Bà nói: "Nếu nói không nản thì là không thật lòng. Thật sự nhiều lúc cũng nản lắm vì ế quá; nhưng vì nghỉ ở nhà cũng không biết làm gì. Rồi có lần, có bà khách Việt ghé qua, bà ấy cũng thật lòng động viên để tôi gìn giữ việc bán guốc mộc như gìn giữ một nét văn hóa. Nghe cũng có cái lý, nên tôi vẫn tiếp tục với nghề".
Dù tuổi cao, nhưng hằng ngày bà Liên vẫn cặm cụi bên gian hàng guốc của mình. Ảnh: Ngô Đồng
Bà Liên cũng chia sẻ thêm, cái hồi mới bắt đầu bán cho Tây, bà không nói được tiếng Anh nên mất nhiều khách lắm. Thương tình, những chủ sạp bên cạnh phiên dịch giùm. Dần dà, bà cố gắng lắng nghe và tự học thêm vài câu chào, vài câu về giá cả và chất liệu. Giờ đây, bà không còn lúng túng khi gặp khách nước ngoài.
Đã có biết bao khách Tây đến mua guốc ở gian hàng bà Liên và đã mang đi khắp thế giới, nhưng bà ấn tượng nhất là lần gặp chàng trai người Singapore, đi du lịch sang Việt Nam ghé sạp mua đôi guốc về nước làm quà. Sau nhiều năm, chàng trai ấy trở lại Việt Nam và tìm bằng được sạp guốc của bà để cảm ơn vì sản phẩm đẹp và rẻ. “Để cảm ơn tôi, cậu ấy đã lấy một tấm bảng bằng gỗ viết: "Custom made shoes. Cheaper! Shoes in Market" (Guốc đóng - rẻ hơn so với giá thị trường) có ký tên và ngày tháng bên dưới, rồi nói tôi treo lên để du khách nước ngoài biết đến đặt hàng. Nhưng tôi không thích phô trương nên chỉ giữ tấm bảng làm kỷ niệm”, bà Liên nhớ lại.
“Cũng có lần, một bà giáo sư người Pháp ghé sạp mua đôi guốc sơn mài về nước, ai cũng khen đẹp. Sau đó, có dịp qua Việt Nam công tác, bà giáo sư lại tới mua khoảng chục đôi nữa về tặng người thân, bạn bè”, bà Liên khoe rồi cười nhẹ nhàng.
Tìm lại tiếng guốc mộc nhờ người hoài cổ
Giữa thời giày dép nhựa tràn lan, các cửa hàng nếu có bán guốc lại chỉ bán guốc hiện đại, lai căng, nhập khẩu từ Indonesia, Hàn Quốc, Nhật,… có kiểu dáng đặc trưng, giá cao trung bình gấp ba lần guốc Việt. Thế nhưng, bà Liên vẫn trung thành với những đôi guốc mộc quen thuộc, mang đặc trưng nét Việt. Theo bà Liên, với những người vẫn còn bán guốc thì gắn bó với mặt hàng này do… hoài cổ và khách hàng cũng là những người... hoài cổ.
Một đôi guốc vừa đóng xong quai. Ảnh: Ngô Đồng
Những đôi guốc ở gian hàng bà Liên được làm từ nhiều loại gỗ, nhưng chủ yếu là gỗ thông và gỗ xoan. Ảnh: Ngô Đồng
Tỉ tê về khó khăn trong nghề, bà Liên cười buồn nói: “Giờ người ta mua guốc như thưởng thức một món đặc sản, hoặc mang về trưng làm kỉ niệm, chứ guốc không còn được mang vào chân thông dụng như xưa nữa rồi”.
Những đôi guốc ở gian hàng bà Liên được làm từ nhiều loại gỗ, nhưng chủ yếu là gỗ thông và gỗ xoan vì theo bà Liên, hai loại gỗ này bền và nhẹ. Kiểu dáng cũng đa dạng. Thuần Việt nhất là kiểu bằng sơn mài hình rêu và cá vàng, quai nhung, gót nhọn, dáng thuôn,...
Đôi guốc là một vật dụng gắn với sinh hoạt của người Việt đã in dấu bền bỉ suốt hàng ngàn năm trong hành trang văn hóa dân tộc. Ảnh: Ngô Đồng
Khi nhắc đến việc truyền lại nghề cho con cháu để hưởng tuổi già, đôi mắt của bà bỗng đượm buồn, bà tình thiệt nói: “Cô sống một mình chứ không có gia đình. Giá một đôi guốc mộc cô bán trung bình từ 80.000 - 150.000 đồng, mỗi ngày bán cầm cự vài ba đôi, tiền lãi mỗi ngày kém xa so với cho thuê lại sạp. Nếu cho thuê lại sạp sẽ được nhàn nhã thu tiền hàng tháng nhiều hơn tiền lời bán guốc. Tuy nhiên, cô luôn coi chợ này là nhà và nghề như sinh mệnh. Còn về sau này, nếu không làm nữa chắc sẽ để lại cho cháu”.
Bà Liên chọn quai để đóng vào guốc cho khách hàng. Ảnh: Ngô Đồng
Tôi thử một đôi guốc mộc khi bà Liên đã đóng xong, tiếng guốc khua lộc cộc khiến tôi nhớ đến hình ảnh những cô gái Sài thành đài các mang guốc mà giờ chỉ còn có thể thấy trên phim ảnh. Tôi bỗng nhớ về câu đố dân gian về đôi guốc mộc:
“Song song hai chiếc thuyền tình
Đầu rồng đuôi phượng đóng đinh hai hàng
Một chiếc em chở năm chàng
Hai chiếc em chở mười chàng ra đi
Trách người quân tử lỗi nghì
Ăn trên ngồi trốc chẳng nghĩ gì đến em”.
Rồi tiếng guốc lộc cộc của mấy cụ già mắt kém mà mỗi lần nghe tiếng là lũ trẻ biết bà đi chợ hay đi đâu đó về,... Rồi tiếng guốc bước đi đĩnh đạc của những ông đồ xưa; tiếng thả bước lách cách, thẹn thùng của các chị, các cô;... rồi tiếng guốc khua rộn ràng, huyên náo của lũ trẻ hiếu động;... cũng gần như đã biến mất! Thế nhưng, dù chỉ còn là kí ức, nhưng đôi guốc mộc đã thành một dấu ấn thiêng liêng khó phai mờ trong tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt. Với những người con xa xứ, như bà chị tôi quen, tiếng guốc mộc còn là ký ức, kỷ niệm về quê hương...
Ngô Đồng