Hỏng mắt do thói quen xấu

Thứ Bảy, 06/12/2014 09:19  | 

|

(CATP) Nhiều trường hợp bị chấn thương mắt do các thói quen xấu như không đeo kính bảo hộ khi cắt đá, mài đá, nhuộm hóa chất... đặc biệt là dùng dây thun cột hàng lên xe máy.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, quyền trưởng khoa chấn thương Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị chấn thương mắt do các thói quen xấu như không đeo kính bảo hộ khi cắt đá, mài đá, nhuộm hóa chất... đặc biệt là dùng dây thun cột hàng lên xe máy.

Trung bình mỗi tháng bệnh viện Mắt tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bị chấn thương mắt, phải nhập viện điều trị vì các thói quen xấu trên. Trong đó, hầu hết trường hợp bị giảm thị lực, một số trường hợp giữ được mắt nhưng không nhìn được nữa, một số khác phải múc bỏ mắt.

Trung bình mỗi tháng bệnh viện Mắt tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bị chấn thương mắt

Những người lao động phổ thông như công nhân các nhà máy cơ khí, hóa chất, thợ xây dựng, nông dân thường xuyên rải phân, xịt thuốc sâu... là những người hay bị hỏng mắt do thiếu ý thức bảo vệ mắt hoặc không được trang bị đầy đủ kỹ năng an toàn lao động, nhất là kỹ năng bảo vệ mắt.

Em N..M.T (18 tuổi, quê Bình Phước) vừa phải nhập viện trong tình trạng thị lực chỉ có điểm ngắm được 2m (bình thường là 50m) vì nước nóng nhuộm chỉ bắn lên. T. cho biết, khi nhuộm chỉ em không được công ty trang bị kính bảo hộ mắt. Tương tự, em C.T.T.H ( 24 tuổi, trú Củ Chi) do không dùng kính bảo hộ khi mài đá quần jeans ở một công ty đã bị mảnh vỡ của đĩa mài văng vào mắt phải. Nhập viện từ ngày 26-11, nhưng thị lực mắt trái của H. hiện chỉ mới đạt hơn 1/10.

Dị vật đâm vào mắt và vỡ nhãn cầu do dây ràng thun

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, trường hợp hỏng mắt do mài đá, cắt sắt xảy ra rất nhiều, thường gặp nhất ở nam. Nguyên nhân chủ yếu do thái độ bảo hộ an toàn lao động của chủ doanh nghiệp kém, như cho người lao động sử dụng lưỡi, đĩa mài quá cũ, hay dùng lưỡi mài, đĩa mài của Trung Quốc, chất lượng không đảm bảo. Nguyên nhân nữa là do ý thức bảo vệ mắt của người lao động kém, dù được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, nhưng do thói quen, sự bất tiện đã không đeo kính, tháo cạt te bảo vệ mắt ra trong quá trình làm việc.

Anh P.L.A.T (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) - một bệnh nhân bị mất thị lực mắt trái đang điều trị tại Bệnh viện Mắt, kể: lúc anh đang kiểm tra lại dây thun cột đồ phía sau xe máy thì bỗng dây ràng bật ra và đập vào mắt trái khiến mắt xung huyết nhãn cầu, nguy cơ mù mắt phải vĩnh viễn của T. là rất cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, người dân tuyệt đối không nên sử dụng dây ràng thun để buộc đồ vì có nguy cơ bị chấn thương mắt, đặc biệt sẽ bị chấn thương mắt nặng khi móc sắt của dây ràng móc vô mắt. Bà con nên chọn những loại dây buộc đồ khác đảm bảo an toàn như dây dù, dây thường, dây nylon... hoặc vận chuyển hàng bằng xe có thùng như ở các nước.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra sự tuân thủ bảo hộ an toàn lao động của các công ty, xí nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa những tai nạn đáng tiếc cho người lao động.

Thường An

Bình luận (0)

Lên đầu trang