Lấy ý kiến về Dự thảo Đề án xã hội hóa giáo dục ở TP.HCM

Thứ Năm, 25/05/2017 07:38

|

(CAO) Ngày 24-5, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM Lê Hồng Sơn đã ký văn bản gửi Trưởng Phòng GD&ĐT các quận huyện; Hiệu trưởng các trường THPT; Giám đốc các TTGDTX và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc góp ý Đề án xã hội hóa ngành GD&ĐT TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, nội dung văn bản cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại thông báo 341/TB-VP ngày 8 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng UBND TP về “Đề án xã hội hóa ngành GD&ĐT TP.HCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó giao Sở GD&ĐT tiến hành lấy ý kiến góp ý của các Ban ngành, đoàn thể liên quan.

Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị Thủ trưởng các đơn vị tổ chức lấy ý kiến của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đơn vị về nội dung dự thảo này. Ý kiến đóng góp gửi về Sở GD&ĐT TP trước ngày 5-6-2017.

Ảnh minh họa.

Đánh giá thành tựu trong công tác xã hội hóa giáo dục ở TP.HCM trong những năm qua, Dự thảo Đề án cho biết, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập: TP đã tập trung nguồn lực, phát triển mạnh việc xã hội hóa giáo dục, đến nay, số lượng trường ngoài công lập đạt 808, chiếm 37,27% tổng số trường trên địa bàn Thành phố (2.168 trường), tăng 113% so với năm 2010 chỉ đạt 379 trường (chiếm tỷ lệ 23,69% tổng số trường).

Trong số đó, số trường mầm non ngoài công lập là 650 trường (chiếm 59,09% tổng số trường mầm non), số trường THPT ngoài công lập là 82 trường (chiếm 43,85% tổng số trường THPT), số trường Tiểu học và THCS ngoài công lập lần lượt là 19 và 7 trường (chiếm tỷ lệ 3,85% và 2,59% tổng số trường Tiểu học và THCS), số trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ngoài công lập là 46 trường (chiếm 71,88% tổng số trường).

Đa dạng hóa các loại hình giáo dục đã tạo điều kiện bổ sung mặt mạnh cho nhau giữa các loại hình giáo dục, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao của xã hội. Tạo điều kiện tăng thu nhập giáo viên một cách phù hợp đi đôi với việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Lộ trình thực hiện xã hội hóa giáo dục tại TP.HCM được Dự thảo Đềán đưa ra như sau:

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ trẻ học nhà trẻ công lập 40%, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ học nhà trẻ ngoài công lập phấn đấu đạt khoảng 60% năm 2020 và 65% vào năm 2025, đạt mức 70% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, phấn đấu tỷ lệ học sinh mẫu giáo công lập đạt 60% (năm 2020), 55% (năm 2025), 50% (năm 2030) và ngoài công lập đạt 40% (năm 2020), 45% (năm 2025), 50% (năm 2030).

Song song đó, năm 2020, tỷ lệ học sinh tiểu học ngoài công lập đạt 3% (tăng lên 4% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030); tỷ lệ học sinh trung học cơ sở ngoài công lập đạt 4,5% (năm 2020), 5% (năm 2025) và 5,5% (năm 2030).

Tỷ lệ học sinh trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập đạt 40% vào năm 2020, 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.Tỷ lệ sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đạt 40% (năm 2020), 45% (năm 2025) và 50% (năm 2030).

Năm 2020 Đạt tỷ lệ 10% đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục thành đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (trừ các trường tiểu học không thuộc diện thu học phí); mỗi bậc học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) có 01 đơn vị hoạt động theo mô hình xã hội hóa.

Phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 15% tiến đến năm 2030 đạt tỷ lệ 20% đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục thành đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (trừ các trường tiểu học không thuộc diện thu học phí).

Đến năm 2020, phấn đấu có 50% học sinh được tham gia hoạt động giáo dục thẩm mỹ, hoạt động thể thao, được học các kỹ năng thực hành xã hội, 100% học sinh được tham gia các hoạt động hướng nghiệp, hoạt động khởi nghiệp theo hình thức xã hội hóa.

Phấn đấu đến năm 2025, có 80% tiến đến năm 2030 có 100% học sinh được tham gia hoạt động giáo dục thẫm mỹ, hoạt động thể thao, được học các kỹ năng thực hành xã hội theo hình thức xã hội hóa.

Đến năm 2025 mỗi bậc học có 10% (năm 2030 có 20 %) đơn vị hoạt động theo mô hình xã hội hóa.

Phấn đấu năm 2020 có 20% (30% năm 2025 và 50% năm 2030) các đơn vị có các thiết chế phục vụ giáo dục (hồ bơi, nhà thi đấu, sân bóng đá, thư viện thông minh…) bằng hình thức xã hội hóa.

Ngoài ra, phấn đấu có 10% (năm 2020), 20% (năm 2025) và 30% (năm 2030) học sinh đi học bằng xe công cộng theo hình thức xã hội hóa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang