(CAO) Trong 3 ngày từ 30-5 đến đến 01-06-2017, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo kinh nghiệm quốc tế cho hơn 120 CBCS thuộc Phòng và Công an 24 quận, huyện trên địa bàn TP.
Theo PC67, thời gian qua việc triển khai thực hiện thí điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đã được triển khai thực hiện tại một số đơn vị thuộc Phòng CSGT ĐB-ĐS. Trong thời gian tới, sẽ triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố.
Do đó, mục đích của đợt tập huấn này là nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế ở tất cả các đơn vị. Nội dung tập huấn được chia làm 2 phần: lý thuyết và thực hành.
Hoạt động tập huấn diễn ra trong 3 ngày từ 30-5 đến đến 01-06-2017- Ảnh: Nguyên Huy.
Ở phần lý thuyết, nội dung trọng tâm là việc trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông. Chiến thuật phát hiện, xử lý đối với người vi phạm nồng độ cồn. Bên cạnh đó là phần hướng dẫn chuyên sâu việc sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn nhằm khắc phục tình trạng những người vi phạm không hợp tác khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Cán bộ chiến sĩ tham gia tập huấn thực hành sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn theo sự hướng dẫn của báo cáo viên - Ảnh: Nguyên Huy.
Sau phần lý thuyết, cán bộ chiến sĩ tham gia tập huấn sẽ được hướng dẫn thực hành thực tế trên một số tuyến đường trọng điểm.
Theo PC67, nâng cao năng lực xử lý vi phạm chính đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến hành vi vi phạm này. Chính vì vậy, việc tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ chiến sĩ là rất cần thiết, qua đó góp phần hạn chế được những sai sót trong quá trình thực hiện.