Theo dấu “cơn mê” tiền ảo - Kỳ cuối: Bi kịch của những “con thiêu thân”

Thứ Tư, 12/07/2017 10:14

|

Nhiều người dân vì nhẹ dạ, cả tin vào lời hứa hẹn về giấc mơ đổi đời của những kẻ tổ chức đường dây mua bán tiền ảo Bitcoin, Onecoin mà phải tán gia bại sản. Một khi đã lọt vào “chiếc bẫy” đa cấp này, khó có thể tìm ra lối thoát.

Trong quá trình thâm nhập vào các đường dây tổ chức mua bán tiền ảo, chúng tôi tiếp xúc với nhiều người chơi bị trắng tay vì cả tin vào con đường làm giàu do những kẻ tổ chức hoạt động này “vẽ” ra. Anh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ Q1, người chơi đồng tiền ảo Onecoin) cho biết, đến thời điểm hiện tại, anh đã dồn hơn 200 triệu đồng để mua các gói tiền ảo “vip” sau lời giới thiệu của một nhóm người, nhưng chưa nhận được bất kỳ đồng tiền lời nào. “Tôi bắt đầu chơi từ năm 2015. Khi đó chỉ vài triệu, rồi lên vài chục triệu, giờ đã hơn 200 triệu rồi. Hơn 2 năm nay chưa thấy đồng tiền lời lãi thật đâu” - anh Nghĩa ngán ngẩm.

Mới đây, tại tỉnh Gia Lai xảy ra vụ việc các đối tượng lạ mặt lừa đảo huy động tiền của người dân, dụ dỗ họ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi là “ngân hàng cộng đồng Bitcoin” (gọi tắt là FXMT4). Thấy không cần bỏ sức lao động ra vẫn có được lợi nhuận “khủng”, rất nhiều người đã tham gia.

Bà Trương Thị Thanh T. (ngụ xã An Phú, TX.An Khê, Gia Lai) đã vay nặng lãi 120 triệu đồng để tham gia với hy vọng đổi đời. Những tưởng sau một năm, sẽ nhận được lợi nhuận gấp đôi khoản tiền bỏ ra, nào ngờ tiền lời đâu chẳng thấy mà bà còn bị mất luôn số vốn đã nộp trước đó. Biết gặp phải bọn lừa đảo, tiền vay nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con, không còn đường xoay xở, bà T. quẫn trí nhảy xuống giếng tự tử, nhưng được người nhà cứu sống. “Cũng vì tôi cả tin mà giờ tán gia bại sản, còn làm liên lụy đến gia đình” - bà T. nói mà nước mắt lưng tròng.

Sự xuất hiện của những loại hình trên không chỉ khiến gia đình bà T. điêu đứng mà còn gây chấn động cả một vùng quê yên bình. Ở TX.An Khê và các địa bàn lân cận trong tỉnh Gia Lai, hàng trăm người dân khác cũng bị các đối tượng nêu trên thực hiện thủ đoạn lừa đảo tương tự. Khi số lượng người tham gia đã đủ lớn, những kẻ lừa đảo bất ngờ “biến mất”, bỏ mặc các nạn nhân lâm cảnh “tiền mất, tật mang”. Đến khi người dân trình báo cơ quan chức năng thì mọi chuyện đã quá muộn, vì mọi giao dịch mua bán tiền ảo đều không có bất kỳ văn bản nào có giá trị pháp lý để làm chứng cứ.

Theo xác minh bước đầu của Công an TX.An Khê, có khoảng 1.900 ID (tức 1.900 Bitcoin) tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”. Nếu quy đổi ra tiền mặt, các đối tượng này đã chiếm đoạt của người dân hơn 22 tỷ đồng. Trong khoảng 300 người trình báo bị lừa đảo, có khoảng một phần ba lại không biết cách giao dịch trực tiếp mà phải nhờ chính các đối tượng lừa đảo thực hiện thao tác trên mạng (!).

“Mặc dù chúng tôi đã tích cực vào cuộc điều tra, nhưng hy vọng đòi lại được tiền của người dân và xử lý các đối tượng lừa đảo là rất khó, bởi mọi giao dịch chỉ được thực hiện trên mạng internet, không có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào. Đây là bài học đắt giá và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người, đừng vì giấc mộng đổi đời nhanh chóng mà sa chân vào cái bẫy” - một cán bộ Đội CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TX.An Khê cảnh báo.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TPHCM:

Tiền ảo Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như Onecoin, Ilcoin, Gemcoin... không phải là tiền tệ, hàng hóa hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán sẽ không được pháp luật thừa nhận.

Luật sư Nguyễn Trí Đức - Đoàn Luật sư TPHCM:

Cách thức vận hành của các tổ chức tham gia sàn giao dịch tiền ảo của một số nước trên thế giới là thu hút càng nhiều người tham gia càng tốt. Như ở Mỹ và Nhật Bản, đồng tiền ảo Bitcoin được chấp nhận lưu hành, có thể dùng để thanh toán. Tuy nhiên, giao dịch tiền ảo được thực hiện trên mạng, không được kiểm soát bởi ngân hàng hay tổ chức nào. Chính vì kẽ hở đó nên trên thế giới từng xảy ra những vụ hacker đánh sập hệ thống tiền ảo, gây hậu quả nghiêm trọng. Để tránh bị thiệt hại về tài sản hoặc bị lừa đảo bởi thủ đoạn kinh doanh đa cấp từ việc đầu tư vào tiền ảo, người dân không nên tham gia vào các loại hình này.

Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương:

Với loại hình giao dịch tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp, người chơi khi đã nộp tiền để tham gia, thường sẽ rất khó rút tiền ra khỏi hệ thống. Bản chất vẫn là lấy tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước, khi không còn người đóng tiền vào, hệ thống sẽ sụp đổ, người chơi sẽ bị mất tiền. Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện, giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài. Ở nước ta, việc tham gia hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, người dân nên cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp, lừa đảo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang