Interpol Việt Nam - Chuyện bây giờ mới kể:

Kỳ 2- Những Công Tôn Sách thời @

Thứ Năm, 17/08/2017 08:54

|

Có một thời người ta quen gọi lực lượng Interpol là Cảnh sát Hình cảnh Quốc tế, nhất là vào khoảng thời gian phim Hồng Kông còn chiếm giữ thế thượng phong trong các quầy cho thuê băng đĩa ở Việt Nam (VN).

Các sĩ quan Interpol VN được mệnh danh là những “Công Tôn Sách thời @”, bởi họ là những người không chỉ thông minh, giỏi ngoại ngữ, mà còn có khả năng tiên đoán và “bấm độn” đường đi của tội phạm quốc tế, để đón đầu chúng rất chính xác, bằng... máy vi tính!

Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt

Trong hàng ngàn vụ truy bắt đối tượng phạm pháp từ nước ngoài trốn vào VN và truy nã đối tượng phạm pháp VN trốn ra nước ngoài của Văn phòng Interpol VN (VPI), có một vụ án được xếp vào “chuyện khó tin nhưng có thật”. Ngày 16-12-2003, VPI nhận công hàm của Sứ quán Trung Quốc (TQ) tại Hà Nội, đề nghị Cảnh sát VN phối hợp truy bắt đối tượng Wang Zengqiang (Vương Tăng Cường) về hành vi lừa đảo kinh tế và đã bỏ trốn trước khi có lệnh bắt giam.

Interpol TQ gửi lệnh truy nã đỏ tên Wang trên toàn thế giới. Wang là quan chức ngành thương mại của tỉnh Giang Tô, bị kỷ luật buộc thôi việc do làm ăn phạm pháp. Interpol TQ mô tả Wang trong lệnh truy nã đỏ: cao khoảng 1,74m, quê ở Giang Tô, da trắng, ít nói, mê gái và rất xảo quyệt, đồng thời cung cấp thêm 2 đối tượng giúp Wang trốn tránh tại VN là Nguyễn Thị Tuyết (quốc tịch VN) và Hang Phin (quốc tịch Australia).

VPI bắt đầu công việc “mò kim đáy bể” từ thông tin của Cục Xuất nhập cảnh (XNC) VN: Wang Zengqiang nhập cảnh vào VN ngày 9-12-2003 trên chuyến bay VN 818, đi từ Phnom Penh đến Tân Sơn Nhất, địa chỉ khai báo của Wang trong hồ sơ nhập cảnh là P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Trong chuyên án này, trung tá Chử Văn Dũng - Trưởng phòng Truy nã tội phạm quốc tế của VPI và thượng úy Nguyễn Anh Tuấn - sĩ quan chuyên truy nã tội phạm quốc tế - sẽ thực hiện việc “bấm độn tìm người”.

Truy xét địa chỉ tên Wang khai báo trong hồ sơ nhập cảnh vào VN, các chiến sĩ Cục Cảnh sát điều tra phía Nam khá bất ngờ khi trong nhà chỉ có 2 ông bà già, 1 đứa cháu ngoại, nhưng chẳng ai biết Vương Tăng Cường là ai cả. “Không thể tự nhiên mà đối tượng khai chính xác số nhà có suyệc ở nơi xa tít tắp như thế, phải có nguyên nhân nào đó”, trung tá Dũng nhận định. Vấn đề là phải tìm cho ra “nhịp cầu treo” của mối quan hệ ấy.

Rà soát lại mối quan hệ của gia đình này, thượng úy Tuấn thấy con gái chủ nhà tên Nguyễn Thị Tuyết, SN 1975, đã theo chồng ra nước ngoài, hiện không biết ở đâu. Xác minh tại Cục XNC thì biết Hang Phin cũng đã rời VN từ ngày 22-12-2003 (sau khi tên Vương nhập cảnh VN đúng 5 ngày). Còn Nguyễn Thị Tuyết, theo tài liệu của Cục XNC thì cô này đi Pháp từ ngày 5-9-2003, trước khi Wang nhập cảnh vào VN 3 tháng.

Trong lúc đó, theo hình ảnh Công an TQ thu thập được thì Wang cùng ra sân bay ở Phnom Penh với 1 phụ nữ, có nhân dạng được mô tả rất giống Tuyết. Tiếp viên hàng không xác nhận với thượng úy Tuấn: ngồi cạnh Wang trên chuyến bay là 1 phụ nữ trẻ khá xinh nói tiếng Việt, nhưng vì cô này mang kính gọng to che gần hết khuôn mặt nên họ không thể khẳng định có đúng người trong ảnh không.

Trong khi mọi việc tưởng chừng rơi vào bế tắc thì Interpol TQ thông báo với VPI tên Wang gọi điện thoại từ VN sang Campuchia và gọi nhiều cuộc về TQ cho người thân cùng đồng bọn. Từ số điện thoại Cảnh sát TQ cung cấp, VPI truy ra số di động đối tượng dùng ở VN, nhưng đó là số của dịch vụ thẻ trả trước nên không xác định được địa chỉ. “Quẻ độn tên Wang” của các “Công Tôn Sách” ở VPI lúc này chỉ là những nét vẽ mờ nhạt, rối rắm, nhưng theo trung tá Dũng “bấm” thì chắc chắn đối tượng vẫn còn trên đất An Giang.

Nữ trinh sát nhạy bén

Căn nhà ở P.Mỹ Bình, Long Xuyên được đặt trong tầm kiểm soát từ xa của Công an (CA) An Giang suốt tuần qua có vẻ vẫn yên ắng. Nhưng khi 1 nữ trinh sát được đưa vào thay cho anh trinh sát hình sự bận công tác đột xuất thì mọi chuyện lại khác. Sau 2 ngày theo dõi, với linh tính của phụ nữ, cô này đã phát hiện chuyện lạ: đứa trẻ 10 tuổi trong nhà mặc những bộ quần áo mới rất “xịn” và có nhiều đồ chơi ngoại, mà ở chợ Long Xuyên quê cô không thấy bán.

Theo dõi sát, thấy có lần mẹ của Tuyết nhận 1 gói hàng to, được giao trực tiếp chứ không phải chuyển qua bưu điện. Tờ báo gói hàng hôm ấy bay ra cửa và trinh sát nhặt được, thấy trên đó viết tên người mẹ. Qua giám định, cán bộ kỹ thuật kết luận đó là chữ viết của Nguyễn Thị Tuyết, được lưu trong hồ sơ làm hộ chiếu. Quan sát kỹ tờ báo nhàu nát in chữ Campuchia, thượng úy Tuấn khẳng định: Tuyết đang ở khu vực cửa khẩu.

Lập tức “lưới” được các trinh sát hình sự giăng về hướng biên giới. VPI đề nghị lập “ma trận” để truy bằng được tên tội phạm quốc tế nguy hiểm đang lẩn trốn trên đất VN và các phòng nghiệp vụ chức năng đã phối hợp truy tìm tung tích tên Wang thông qua biện pháp kiểm tra hành chính khu vực cửa khẩu Tịnh Biên.

Rà soát tạm trú tạm vắng, cơ quan chức năng phát hiện tại căn nhà nhỏ phía sau lưng khu chợ biên giới ở An Giang, chủ nhà cũng tên Nguyễn Thị Tuyết, có chồng người TQ. Trong nắng chiều xuống thấp, thượng úy Tuấn thấy người đàn ông cao hơn 1,7m, trắng trẻo, mang kính trắng từ chiếc xe hơi đậu sát cửa nhà bước xuống. Linh tính báo cho anh biết đó chính là Wang Zengqiang!

Đêm xuống, khi Cảnh sát quản lý hành chính - CA An Giang phối hợp với địa phương đến kiểm tra hộ khẩu, Wang và Tuyết đã ngỡ ngàng trước những chứng cứ không thể chối cãi của Interpol VN. Cha mẹ của Tuyết không thể tin là con gái mình ở ngay “nách” gia đình, mà cứ ngỡ cô này ở cách nhà nửa vòng trái đất, mới không về thăm con gần 1 năm qua. Quả là Wang đã rất cáo già khi chỉ đạo Tuyết sử dụng chiêu “ngoại hư trung thực” che đậy sự thật, nhằm đánh lừa sự truy tìm của CA hai nước.

Bộ Công an TQ hết lời cảm ơn VPI, họ nghĩ với số tiền tỷ đối tượng lừa đảo được và với bản tính xảo quyệt, tên Wang sẽ trốn rất xa, ai ngờ y cả gan sống thảnh thơi sát nách quê nhà. Còn Nguyễn Thị Tuyết xuất cảnh bằng chính tên mình, nhưng lúc nhập cảnh lại sử dụng giấy tờ giả tên Wang mua từ TQ với cái tên rất Trung Hoa là Lee Qiang Chi.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang