Đắk Lắk: Thủ đoạn ‘rút ruột’ nhiều tỷ đồng ở Ngân hàng Agribank

Thứ Tư, 02/08/2017 14:23  | Ngọc Hà

|

(CAO) Bước đầu, ngành chức năng xác định có 7 hồ sơ vay (thế chấp), giá trị tài sản chỉ từ 26 triệu đến 350 triệu đồng, nhưng được ngân hàng Agribank Tân An định giá từ 2 đến 3 tỷ và cho vay đồng loạt đến… 1,5 tỷ đồng/1 hồ sơ.

“Phi vụ” này lộ chân tướng một đường dây lũng đoạn, điển hình kiểu “rút ruột” tiền nhà nước một cách không thương tiếc (!). Người được cho là “mắc xích” quan trọng liên quan đến “phi vụ” này đã bất ngờ tự tử chết. Cái chết nhiều người đồn đoán có nhiều uẩn khúc (!). Những kẻ “nhắm mắt” ký bừa, trực tiếp giải ngân cho vay để rồi không rõ tiền vào túi ai, hiện vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật (!).

Sự quyết liệt, nghiêm minh của cơ quan quản lý

Ngày 24-4-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đắk Lắk (NHNNVN - CN Đắk Lắk) có công văn số 249 gửi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, nội dung: Thực hiện quyết định thanh tra theo chỉ đạo của Giám đốc NHNNVN - CN Đắk Lắk đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Ea Knốp (Agribank Ea Knốp) đang quản lý hồ sơ vay vốn của Agribank, chi nhánh Tân An (trụ sở cũ ở đường Ngô Quyền, TP.Buôn Ma Thuột, nay là Agribank - Bắc Đắk Lắk). Qua kiểm tra 7 hồ sơ, mỗi hồ sơ vay 1,5 tỷ đồng. Tổng số tiền vay là 10,5 tỷ đồng. Đến nay không trả nợ. Kết quả xác minh khách hàng vay vốn, chủ sở hữu tài sản thế chấp, cho thấy có dấu hiệu tội phạm như sau:

Danh sách 7 khách hàng và số tiền vay quá dễ nhưng… khó đòi của Agribank Tân An – Đắk Lắk

Trong số 7 khách hàng vay vốn, có 3 khách hàng xác nhận bằng văn bản: chữ ký trên hồ sơ vay vốn là của chính họ, nhưng họ không được nhận tiền vay và hoàn toàn không biết số tiền vay trên hợp đồng (HĐ) tín dụng. Việc ký hồ sơ vay vốn là do người khác thuê, nhờ (có người được trả công từ 400 đến 2,5 triệu đồng để ký hồ sơ). Những người thuê, nhờ họ nói rằng: nếu không trả được nợ thì ngân hàng sẽ phát mãi tài sản đảm bảo của người khác để trả, không liên quan đến người ký hồ sơ vay vốn. Thực tế, 7 khách hàng vay không thế chấp tài sản của họ để vay (tài sản thế chấp thuộc sở hữu bên thứ ba). 4 khách hàng có địa chỉ trên hồ sơ, nhưng thực tế không có ở nơi cư trú.

Các chủ sở hữu có tên trên Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) được Agribank Tân An nhận thế chấp để bảo đảm cho 7 HĐ tín dụng trên xác nhận: Hầu hết các Giấy CNQSDĐ này đã được chuyển nhượng với giá chỉ từ vài chục triệu đến trên 100 triệu đồng. Trong thời gian làm thủ tục sang nhượng quyền sở hữu thì họ được nhờ ký hợp đồng thế chấp để vay ngân hàng và được trấn an: đất đã chuyển nhượng, đã lấy hết tiền (tiền bán đất), nếu người vay không trả được thì ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, không ảnh hưởng gì đến họ.

Với thủ đoạn trên, sau khi người vay và người thế chấp (bên thứ ba) ký hồ sơ vay vốn tại Agribank Tân An đã nâng giá trị tài sản thế chấp cao gấp nhiều lần (mỗi Giấy CNQSDĐ định giá từ 2 tỷ đến 3 tỷ đồng) so với giá trị thực tế.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận: Việc rút được tiền vay là do một số cán bộ Agribank Tân An đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Agribank Việt Nam trong việc thẩm định, cho vay và giám sát quá trình vay vốn. Hậu quả là 7 món vay trên, thời điểm vay trong năm 2012, (thời hạn vay 12 tháng), từ ngày giải ngân đến nay chưa thu được một đồng nợ gốc, lãi nào, chỉ tính riêng trong năm 2012 là trên 14,4 tỷ đồng.

Kỳ cuối: “Rút ruột” ngân sách có hệ thống
 

Số nợ này xếp ở nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Hành vi của những người liên quan, có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” được quy định tại các Điều 139, 179 Bộ luật hình sự. Do đó, NHNNVN - CN Đắk Lắk chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, thông báo vụ việc với Viện kiểm sát Đắk Lắk đề nghị khởi tố, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật.

Ai chủ mưu?

Tiếp nhận hồ sơ, Ban Giám đốc Công an tỉnh giao Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) công an tỉnh vào cuộc điều tra, bước đầu xác định: Trong năm 2011 và tháng 1-2012, Agribank Tân An (thuộc Agribank - CN tỉnh Đắk Lắk) liên quan đến việc ký duyệt 7 hợp đồng tín dụng cho vay có những dấu sai phạm cụ thể như sau:

Trường hợp Nguyễn Minh Quyền (SN 1987, trú tổ dân phố 1, P.Thiện An, TX.Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), ký HĐ tín dụng số 5219-LAV-2011, ngày 29-11-2011, vay số tiền 1,5 tỷ đồng để kinh doanh nông sản, thời hạn trả nợ 29-11-2012. Sau 1 năm, nợ lãi là 652 triệu đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất số AM 261041, có diện tích 80m2 đất ở, 130m2 đất trồng cây lâu năm. Chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Kim Dung (trú P.Đoàn Kết, TX.Buôn Hồ); được Agribank Tân An định giá… 2 tỷ đồng.

Qua xác minh tại Phòng TN&MT TX.Buôn Hồ, diện tích đất trên, bà Dung mua của ông Hòa vào ngày 30-9-2008, giá 20 triệu đồng. Đến tháng 11-2011, bà Dung bán cho ông Nguyễn Ngọc Châu (còn gọi là “Năm Lửa”, chủ DNTN Năm Thịnh ở TX.Buôn Hồ - Đắk Lắk) số tiền 65 triệu đồng, nhưng chưa sang tên đổi chủ. Ông Châu nhờ bà Dung ký HĐ thế chấp tài sản của bên thứ 3 để ông Quyền vay vốn ngân hàng. Kết luận giám định của Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, giá trị thửa đất trên vào năm 2011 giá chỉ trên 18 triệu đồng, giá trị vào năm 2014 là 26 triệu đồng.

Qua xác minh thực tế, ông Quyền không làm nghề kinh doanh nông sản, chủ yếu đi làm thuê và có quen biết với đối tượng Văn Công Anh là cháu của ông Nguyễn Ngọc Châu và được ông Châu nhờ đứng tên vay vốn ngân hàng. Ngày 29-11-2011, Anh lấy xe ô tô 7 chỗ chở ông Quyền lên TP.Buôn Ma Thuột gặp ông Châu tại quán cà phê đối diện Agribank Tân An.

Tại đây, ông Châu dặn Quyền không được nói gì cả, để Anh hướng dẫn và làm việc với ngân hàng. Sau đó, Anh dẫn Quyền vào ngân hàng gặp Nguyễn Quốc Minh, cán bộ tín dụng - con rể ông Châu. Minh đưa ra 1 xấp giấy tờ, lật từng trang, chỉ cho Quyền ký vào. Lúc này, ông Châu đứng sau lưng Quyền. Sau đó, Minh đưa cho Quyền 1 túi nilon chứa đầy tiền, Quyền đưa cho ông Châu. Anh dùng xe chở Quyền về, đưa cho Quyền 400.000 đồng.

Qua kiểm tra hồ sơ vay vốn thì Nguyễn Quốc Minh – cán bộ tín dụng trực tiếp lập hồ sơ, lập báo cáo thẩm định, trực tiếp thẩm định giá trị tài sản thế chấp. Ngô Viết Thành – cán bộ tín dụng lập báo cáo sơ bộ trình lãnh đạo Ngân hàng giải quyết. Ông Đỗ Thái Vũ - quyền giám đốc (GĐ) trực tiếp ký hợp đồng vay vốn. Hồ sơ không có giấy đăng ký kinh doanh nông sản.

‘Rút ruột’ rừng phòng hộ đầu nguồn Vĩnh Linh
 

Trường hợp Lê Thị Hồng, Phan Văn Sơn (trú P.Thiện An, TX.Buôn Hồ), ký HĐ tín dụng số 5219-LAV-2011, ngày 1-12-2011 để vay 1,5 tỷ đồng, mục đích kinh doanh nông sản. Thời hạn trả nợ ngày 1-12-2012, nhưng quá hạn không trả nợ ngân hàng. Tính đến ngày 24-3-2014, nợ gốc và lãi trên 2,1 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất có diện tích 50m2 đất ở, 100m2 đất trồng cây lâu năm, chủ sở hữu là Văn Công Anh – cháu ông Châu. Agribank Tân An định giá 2 tỷ đồng.

Nguồn gốc đất là của ông Trần Kim Lai và bà Phạm Thị Dung (trú TX.Buôn Hồ) bán cho ông Châu với giá 90 triệu đồng. Ông Châu làm thủ tục cho Văn Anh đứng tên sở hữu và nhờ Anh ký hợp đồng thế chấp để bà Hồng, ông Sơn vay vốn ngân hàng. Xác minh tại Phòng TN&MT TX.Buôn Hồ, diện tích đất trên vào ngày 23-11-2011 ông Lai, bà Dung bán cho Văn Anh với giá 60 triệu đồng. Kết luận giám định của Sở Tài chính Đắk Lắk, giá trị thửa đất trên là 116 triệu đồng. Vợ chồng ông Sơn chỉ đi làm thuê cho người khác, không kinh doanh nông sản.

Trường hợp khác là bà Trương Thị Lan (trú TP.BMT), ký HĐ tín dụng ngày 29-11-2011 vay 1,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là diện tích gần 400m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm, chủ sở hữu là ông Nguyễn Thông (trú xã Thiện An, TX.Buôn Hồ). Mảnh đất này được ngân hàng định giá tới 3 tỷ đồng. Ông Thông trước đó đã thế chấp mảnh đất này, vay ngân hàng 350 triệu đồng, sau đó bán lại cho ông Châu và ông này nhận chịu trách nhiệm trả nợ ngân hàng thay.

Sau đó, ông Châu nhờ bà Lan đứng tên ký giấy vay. Việc đi vay tại Aribank Tân An cũng diễn ra tương tự như các trường hợp trên. Cán bộ tín dụng Nguyễn Quang Minh đưa giấy tờ, chỉ các chỗ ký, sau đó bà Lan ra về, vừa ra tới cửa thì ông Châu bước vào ngân hàng. Bà Lan khai: chỉ ký các giấy tờ, không biết là vay 1,5 tỷ đồng vì bà không trực tiếp viết con số nào. Có hồ sơ tài sản thế chấp được định giá 2 tỷ, giải ngân cho vay 1,5 tỷ, nhưng thực chất lô đất này nằm dưới lưới điện cao thế, tài sản không thể mua – bán được, giá thị trường bằng 0. Chủ tài sản thế chấp trên hồ sơ vay vốn không có địa chỉ cụ thể, không xác định được “con nợ”.

Thêm nữa, sau khi cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, lấy lời khai về sự việc, có 2 hồ sơ đã được khách hàng thanh toán trả nợ với số tiền trên 1 tỷ đồng. Làm việc với khách hàng (người trực tiếp ký hồ sơ vay), họ đều khẳng định họ không đem trả tiền, chữ ký hồ sơ trả bớt nợ cũng không phải của họ (!?).

Kết quả điều tra, xác minh của cơ quan công an với 7 hồ sơ thế chấp vay tài sản tại Agribank Tân An để chiếm đoạt cả chục tỷ đồng, cho thấy có sự liên kết giữa cán bộ ngân hàng nhà nước, người điều khiển người đi ký hồ sơ vay. Thủ đoạn họ áp dụng: tài sản giá trị ít, được định giá cao lên gấp nhiều lần; giải ngân dễ, người vay khai vay để kinh doanh nông sản nhưng thực chất những người này đều là người nhà, quen biết, người làm thuê cho ông Nguyễn Ngọc Châu; có người làm nghề quét dọn vệ sinh trong salon ô tô của công ty ông Châu; người có “ơn nợ” với ông Châu vì đã từng nhờ ông Châu giúp vay vốn ngân hàng; có người chuyên nghề làm thuê, ai kêu gì làm nấy...

Hồ sơ đều do Nguyễn Quốc Minh – con rể ông Châu - dù chỉ là cán bộ tín dụng học việc lập hồ sơ, giao tiền; giám đốc và quyền giám đốc ngân hàng ký duyệt cho vay, hồ sơ không thông qua Trưởng phòng tín dụng. Đây rõ là có sự tham ô móc ngoặc, lừa đảo, vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng cho vay.

Trong 7 hồ sơ sai phạm kiểu liên minh “ma quỷ” này, 6 bộ hồ sơ do ông Đỗ Thái Vũ - chức vụ: quyền giám đốc, giám đốc ký; 1 hồ sơ do ông Phan Văn Thịnh – nguyên giám đốc (sếp ông Vũ) ký. Làm việc với cơ quan CSĐT, Nguyễn Quốc Minh, Ngô Việt Thành (tổ trưởng tổ thẩm định) đều thừa nhận các hồ sơ duyệt vay không đủ điều kiện. Thành thừa nhận chỉ ký khống biên bản để hồ sơ hợp lệ.

Cả ông Thịnh và ông Vũ sau đó đều chuyển việc, sang làm lãnh đạo Ngân hàng khác. Ông Vũ khai: ông giữ chức vụ Phó GĐ rồi GĐ tại Agribank Tân An từ năm 2008 đến tháng 12-2012 thì chuyển việc. Khi ký duyệt các hồ sơ do cán bộ tín dụng Nguyễn Quang Minh trình, hồ sơ “đều có đầy đủ các tài liệu chứng minh khách hàng đủ điều kiện vay vốn”. Nhưng nay trong hồ sơ không có tài liệu chứng minh người vay hội đủ điều kiện thì Vũ nói “không rõ” (!). Trường hợp hồ sơ không có phê duyệt của tổ trưởng tổ thẩm định, Vũ nói, là do người này hôm đó đi vắng, cán bộ tín dụng trình GĐ duyệt cho vay để tạo điều kiện cho khách hàng. 2 bộ hồ sơ Vũ chịu thừa nhận không đủ điều kiện vay vốn (!?).

Ông Thịnh khai giữ chức vụ GĐ tại Agribank Tân An từ năm 2004 đến tháng 9-2011. Đối với bộ hồ sơ ông Thịnh ký duyệt cho khách hàng Hà Thị Đoan Phượng vay 1,5 tỷ đồng; hồ sơ không có giấy phép kinh doanh, không có kết quả thẩm định, giám sát quá trình sử dụng vốn, không đủ điều kiện vay vốn, nhưng ông Thịnh khai giống ông Vũ: khi duyệt thì có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, đến nay trong hồ sơ không có giấy này thì ông “không biết” (!)…

Bình luận (0)

Lên đầu trang