Vụ việc cho thấy có nhiều lỗ hổng, lỏng lẻo trong quản lý và thiếu trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Rừng đầu nguồn bị phá từ bên trong
Thông tin về rừng đầu nguồn sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh bị tàn phá nghiêm trọng từ cuối tháng 7 khi lâm tặc vô tư chặt phá gỗ rồi vận chuyển ra ngoài đưa đi tiêu thụ như chốn không người.
Bất chấp với lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 20-6-2016. Từ TP.Đông Hà mất hơn 2 giờ, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Vĩnh Ô thì gặp được D. - người dẫn đường vốn là “lâm tặc” có tiếng nhưng đã bỏ nghề.
Rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ ở huyện Vĩnh Linh bị tàn phá
D. nói nếu nhà báo không vào cuộc thì rừng tự nhiên sẽ bị khai tử nghiêm trọng. Anh dặn khi đi rừng phải hết sức cẩn thận, bí mật và bằng mọi cách phải đảm bảo an toàn vì không thể lường trước hết được những hiểm nguy; hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị thức ăn, nước uống, võng nằm ngủ, các trang thiết bị cần thiết khác.
Từ trung tâm xã, đi dọc 9 bản của xã cũng mất cả buổi vì đường đi chỉ là lối mòn qua các ngọn đồi, khe suối. Hơn một giờ, chúng tôi mới đến nơi giao nhau giữa bản 3 và bản 4 nơi có con đường lên đồi Xời Lời.
Đường này vốn do người dân tự mở để khai thác rừng trồng. Đây cũng chính là “con đường máu” của lâm tặc vận chuyển gỗ. Đường còn in dấu những vết bánh xe tải trọng lớn.
Nhọc nhằn đi được khoảng hơn 5km, chúng tôi đành phải để lại xe máy do đường ghệp ghềnh, bùn đất,... Bắt đầu đến khu vực rừng tự nhiên do Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (Quảng Trị) quản lý, bảo vệ.
Trước đây chủ rừng là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Bến Hải. Sau nhiều giờ cuốc bộ qua nhiều đồi núi, xe suối, chúng tôi cũng đến được ngã ba ngọn suối Xời Lời. Cảnh tượng trước mắt thật kinh hoàng khi có một bãi gỗ lớn ngay ven đường, ước chừng khoảng 4m3. Gỗ đã xẻ thành phách ngay ngắn, mỗi phách dài từ 4 – 5m, bề ngang 30 – 40cm, cao 25 – 40cm.
Gỗ được tập kết bên đường
Xung quanh có 3 lối mòn dẫn lên các ngọn đồi cao. Đi theo lối đi còn mới, leo dốc ngược lên quả đồi cao khoảng 700m so với mực nước biển. Dọc đường, cây rừng bị chặt phá không thương tiếc.
Những gốc cây gỗ đường kính từ 30 - 40cm nằm nhan nhản, xung quanh là những cây gỗ nhỏ bé xen lẫn những gốc cây cổ thụ đã mục nát do hệ quả của việc chặt phá từ nhiều năm trước. Phần thân gỗ đã được cưa xẻ, rọc thành phách rồi vận chuyển ra ngoài, chỉ trơ lại phần ngọn, cành lá,... Mùn cưa còn tươi mới nằm chi chít dưới đất.
Khu vực trong bán kính 400m2 có hơn chục cây gỗ bị đốn hạ, dấu còn mới. Anh D. nói lâm tặc chỉ chọn những gốc cây to, thân thẳng và gỗ tốt, chừa lại gỗ nhỏ, thân xấu, có bạnh hoặc ruột bị rỗng một phần. Có những cây nằm ở vực sâu cũng bị đốn hạ.
Không hiểu bằng cách nào họ vận chuyển được gỗ từ vực lên lối mòn để đưa ra ngoài. Anh D. cho biết, dân khai thác gỗ giờ rất chuyên nghiệp, dùng cưa máy rọc gỗ thành phách ngay ngắn rồi dùng tời đưa lên, chứ sức người biết mấy mà xong. Vì thể chỉ cần 2 người trong một ngày đã hạ được hàng chục cây gỗ lớn rồi đưa đến lối mòn đến bãi tập kết cho xe chở đi.
Thân gỗ bị đốn hạ
Suốt buổi chiều núp trong bụi cây bên cạnh ngã ba ngọn suối Xời Lời nhưng chúng tôi vẫn không thấy ai đến vận chuyển gỗ đi. Anh D. cho biết có thể họ đã biết “có động” nên án binh bất động, chờ thời cơ.
Có thể chỉ cần người lạ vào rừng là lâm tặc đã nắm được thông tin nên tìm cách đối phó, ngừng khai thác chờ thời điểm thích hợp. Nhớ lại lúc sáng trên đường đi vào rừng, người dân bản địa nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Không loại trừ khả năng người ở địa phương cũng tham gia vào việc khai thác, vận chuyển lâm sản.
Vì thế, suốt gần 2 ngày trong rừng, chúng tôi không bắt gặp một xe nào chở gỗ ra ngoài. Lúc ra ngoài, người dân địa phương cho biết có một số xe định vào trong rừng nhưng khi đến đầu đường thì nghỉ một lúc rồi quay trở ra. Lúc trở ra, chúng tôi bắt gặp một xe đi về “tay không”.
Khai thác, vận chuyển gỗ như ở chốn không người
Việc vận chuyển gỗ theo đường Xời Lời chủ yếu bằng xe reo (xe 3 cầu chuyên đi rừng, chở gỗ). Phóng viên tiếp tục khảo sát rừng theo đường Lò Than (từ ngã ba Thạch Cao, xã Vĩnh Hà, chạy lên đầu ngọn suối Xời Lời, xã Vĩnh Ô) và thấy có nhiều phách gỗ được tập kết ven đường, rất nhiều lối mòn dẫn lên các ngọn đồi.
Anh D. nói đây là đường dành cho trâu, bò kéo gỗ ra ngoài. Trâu kéo gỗ thường to, khỏe, sức chịu đựng tốt nên rất có giá (từ 30 – 40 triệu đồng mỗi con) vì nó mang lại giá trị cao.
Mỗi người có trâu kéo gỗ mỗi ngày có thể kiếm được 500 nghìn đến 2 triệu đồng nhưng không phải công việc thường xuyên. Anh D. nói mấy hôm trước có nhóm phóng viên đi qua đây, có thể đã đánh động nên việc vận chuyển gỗ bằng trâu đã vắng bóng.
Như vậy lâm tặc có 2 ngả đường chính để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng phòng hộ. Ai cũng biết vậy và lực lượng chức năng cũng đã được giao nhiệm vụ kiểm tra, chốt chặn nhưng rừng vẫn bị phá, gỗ vẫn được đưa ra khỏi rừng một cách êm xuôi.
Đường xuyên vào rừng phòng hộ mà lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng
Một người làm nghề này mà chúng tôi tiếp xúc cho biết rất vất vả mỗi khi mang trâu đi làm vì phải chuẩn bị nhiều thức ăn, nước uống, canh chừng lực lượng chức năng rồi mới vào rừng. Khi trở ra thì càng vất vả và nếu gặp lực lượng bảo vệ rừng thì phải “chung chi” mới trót lọt.
Phải nói rằng, lâm tặc làm ăn rất chắc chắn. Khi tập kết gỗ khoảng được 6 - 7m3 là liên lạc với chủ gỗ rồi đưa xe reo vào vận chuyển ra ngoài chứ không khai thác tràn lan, bữa bãi.
Gỗ đa số từ nhóm 3 đến nhóm 8 khi ra khỏi rừng, đến được đường lớn thì được bán với giá từ 2 – 2,5 triệu đồng/khối. Được biết khu rừng này không còn gỗ quý hiếm hoặc có cũng chỉ là cây con, chưa thể khai thác.
Xe chở gỗ từ xã Vĩnh Ô theo đường nhựa về xã Vĩnh Hà, đến thị trấn Bến Quan rồi tỏa đi các nẻo đường để về xuôi phải qua sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương và ít nhất 4 trạm kiểm soát của lực lượng chức năng: Hạt Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ,… mà vẫn lọt là điều rất “kỳ diệu”.
Năm vừa qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, Công an huyện, Hạt kiểm lâm huyện đã bắt hàng chục vụ vận chuyển gỗ trái phép, trong đó có nhiều vụ gỗ vô chủ. Đặc biệt có những vụ chở gỗ trái phép về cho cán bộ, lãnh đạo đã được cơ quan chức năng làm rõ.
Rất khó ngăn chặn phá rừng triệt để
Trước những thông tin, hình ảnh thu thập được, chúng tôi tìm đến cơ quan chức năng để cung cấp và làm rõ vụ việc. Ông Khổng Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị thừa nhận việc phá rừng ở Vĩnh Linh đã diễn ra từ lâu.
Gỗ rừng tự nhiên bị chặt phá
"Thời gian trước đây thì lác đác một số vụ nhưng càng ngày càng trở nên nóng. Nguyên nhân chính do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, rừng ở xa dân cư, lực lượng chức năng mỏng nên không thể kiểm tra, ngăn chặn hết được.
Người dân địa phương đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn và khi làm nhà cửa, các công trình phụ khác thì thường vào rừng lấy gỗ về làm chứ không có nhiều tiền mua vật liệu xây dựng.
Một số người địa phương câu kết với các đối tượng lâm tặc lén lút vào khai thác rừng trái phép, đơn vị không thể quản lý hết được. Lâm tặc thì liều lĩnh, luôn canh chừng lực lượng chức năng. Ngoài ra, những người có chức trách bảo vệ rừng chưa làm hết trách nhiệm, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý”.
Về phản ánh có sự buông lỏng quản lý, làm ngơ cho lâm tặc, thậm chí có thông tin kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, ông Trung cho biết: “Cần phải xác minh làm rõ từng trách nhiệm của từng đơn vị, lực lượng rồi mới có hướng xử lý, kỷ luật được. Tôi khẳng định rất khó để kết luận cán bộ của mình có tiếp tay, cấu kết với lâm tặc hay không”.
Ông Trung cho biết thêm, chỉ trong vòng một tuần nay, đơn vị và các lực lượng khác đã phát hiện, thu giữ gần 40m3 gỗ các loại. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, truy quét lâm tặc… nhằm kéo giảm tình trạng phá rừng như lâu nay chứ không thể chấm dứt được tình trạng lén lút phá rừng.
Ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh biết thông tin đã giật mình khi biết rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng đến vậy. Kiềm chế sự bực mình, ông liền điện thoại đến lãnh đạo các lực lượng, cơ quan chức năng để nắm bắt thêm thông tin.
Ông Hùng cho biết: “Việc phá rừng đang nóng như vậy mà chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không biết và không ngăn chặn, xử lý kịp thời là không chấp nhận được. Vận chuyển gỗ chỉ theo có 1 – 2 con đường cụ thể, rõ ràng như thế trong khi có đầy đủ lực lượng chức năng mà trót lọt thì phải xem lại cách làm việc, trách nhiệm của mình”.
Ngay sau đó, UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức các cuộc họp khẩn để làm rõ vụ việc, phân công chính quyền, các lực lượng chức năng vào cuộc truy quét lâm tặc, ngăn chặn khai phá rừng.
Gỗ loại lớn được lâm tặc tập kết trên rừng tự nhiên thuộc địa phận xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh
Chủ tịch huyện phê bình trách nhiệm của 4 đơn vị là ngành kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ, chính quyền địa phương và Công an xã Vĩnh Ô cùng Công an huyện Vĩnh Linh. Ông Hùng cũng đề nghị thay đổi cán bộ các tổ công tác của kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ trên địa bàn và có hình thức xử lý nghiêm minh.
Ngày 3-8, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ban ngành liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ vụ phá rừng tự nhiên ở Vĩnh Linh và báo cáo tỉnh trước ngày 6-8.
Ngày 4-8, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh ban hành lệnh huy động lực lượng, phương tiện tham gia kiểm tra, truy quét các tổ chức, cá nhân chặt phá rừng trái phép.
Chủ tịch huyện giao cho ông Thái Văn Thành – phó Chủ tịch UBND huyện chỉ huy lực lượng gồm Công an huyện, Hạt kiểm lâm, phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT, BQL rừng phòng hộ, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải…
Đoàn có nhiệm vụ kiểm tra thực tế hiện trường tại các địa điểm có thông tin phá rừng ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà; phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác, cất giữ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép; phát hiện lâm sản có nguồn gốc không hợp pháp để xử lý theo quy định;…
Hiện phóng viên Báo CA TP.HCM đang đi theo đoàn để nắm bắt tình hình, diễn biến vụ việc. Công an huyện Vĩnh Linh đã vào cuộc xác minh, điều tra và ban đầu đã làm rõ một số đối tượng vi phạm.
Clip "rút ruột" rừng phòng hộ đầu nguồn Vĩnh Linh: